Đó là 5 điểm cập tàu đón khách du lịch tham quan ở các hang động Thiên Cung- Đầu Gỗ, hang Sửng Sốt, hang Mê Cung, hang Trống và đảo Ti Tốp.
Theo Sở Giao thông Vận tải, nguyên nhân của sự việc trên chủ yếu là do Ban quản lý Vịnh Hạ Long chưa hoàn thiện hồ sơ đề nghị công bố tạm hoạt động của các bến đón trả khách để có thể triển khai công tác quản lý tại cảng, bến.
Thêm vào đó, tình trạng xuống cấp của các điểm cập tàu cũng đáng báo động, không đảm bảo an toàn cho du khách nhưng chậm được khắc phục và xử lý.
Mặc dù từ năm 2010, các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra và yêu cầu các chủ đầu tư khắc phục những tồn tại trên nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa có chuyển biến và các điểm cập tàu không đủ tiêu chuẩn an toàn vẫn đang được khai thác và sử dụng.
Điển hình như bến nổi đảo Ti Tốp đã bị bão làm hư hỏng; bến hang Đầu Gỗ, Thiên Cung bậc lên xuống bị vỡ mũi; hay đường lên hang, các sân ngắm cảnh, đường tránh của các bến cập tàu vào khu vực hang động đã bị hỏng; một số công trình dịch vụ tại các hang động đầu tư không đồng bộ đã xuống cấp, không đảm bảo về yêu cầu thẩm mỹ và sử dụng…
Đầu năm 2011, Quảng Ninh đã đầu tư nâng cấp một số hạng mục bến cập tàu tại hang Đầu Gỗ, Thiên Cung để kịp phục vụ mùa du lịch nhưng tiến độ thi công còn chậm.
Bên cạnh đó, một số điểm đón trả khách du lịch trái phép ở khu vực trước nhà hàng Cổ Ngư, nhà hàng Nỗi Nhớ, chân cầu Bãi Cháy (phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long) chưa được các cơ quan chức năng xử lý dứt điểm, gây bức xúc trong dư luận và làm thất thu cho ngân sách.
Quảng Ninh hiện có tới 3 cơ quan đồng quản lý trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa trên Vịnh. Đó là Cảng vụ đường thủy nội địa, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải và Cảnh sát đường thủy - Công an tỉnh, nhưng sự phối hợp lại chưa đồng bộ, chưa cương quyết xử lý buộc các đơn vị thực hiện nghiêm pháp luật, nên vẫn để tình trạng bến tàu hoạt động… “ngoài vòng pháp luật” kéo dài nhiều năm qua.
Ngoài các điểm trên, trên Vịnh Hạ Long còn có 6 khu vực neo đậu cho tàu du lịch nghỉ đêm trên Vịnh tuy đã được công bố, nhưng đối chiếu với Luật Giao thông đường thủy nội địa, hay Thông tư 25/2010/TT-BGTVT ngày 31-8-2010 “Quy định về quản lý hoạt động của cảng, bến thủy nội địa” thì không có quy định nào về tiêu chuẩn công bố các điểm neo đậu, đỗ nghỉ đêm trên Vịnh.
Hiện những vấn đề về bảo đảm đồng bộ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông thủy nội địa trên vùng di sản Hạ Long; nâng cấp các điểm neo đậu của tàu du lịch hiện có, đầu tư cơ sở hạ tầng để phục vụ công tác quản lý tại các điểm tàu lưu trú ngủ qua đêm trên Vịnh; cương quyết dỡ bỏ các cầu tàu bị hỏng trông mất mỹ quan tại đảo Ti Tốp đang là những việc cần làm ngay, để du lịch Quảng Ninh phát triển bền vững, hiệu quả hơn.
Theo TTXVN