Nhân giống cá sông, cá suối đặc sản rồi thả nuôi trong ao đất, mô hình mới ở Kon Tum

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, năm 2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kon Tum phối hợp với UBND xã Đăk Ring (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) triển khai mô hình khuyến nông hỗ trợ người dân trên địa bàn xã nuôi cá niên thương phẩm...
Mô hình nuôi cá niên thương phẩm để cung cấp cho thị trường, với sự tham gia của 6 hộ dân ở thôn Văk Y Nhông; tổng diện tích ao nuôi là 600m2.
Triển khai mô hình, từ tháng 3/2022, UBND xã Đăk Ring tiến hành chọn hộ dân tham gia. Theo đó, các hộ dân có ao nuôi đủ tiêu chuẩn theo yêu cầu và có kinh nghiệm nuôi cá được ưu tiên lựa chọn để tham gia.
Bà Y Hành- Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Ring cho biết, sau khi xã Đăk Ring thông báo về việc triển khai mô hình, toàn xã có 12 hộ đăng ký tham gia. 
Qua quá trình kiểm tra thực tế, chỉ có 6 hộ dân ở thôn Văk Y Nhông có ao nuôi đạt tiêu chuẩn để triển khai mô hình. Các hộ dân này có diện tích mặt ao lớn, có nguồn nước sạch và mát tự chảy vào ao liên tục, ao thoát nước tốt và đã có kinh nghiệm nuôi các loại cá khác nhau như cá rô phi, cá trê, cá phá.

Xã Đăk Ring, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nuôi cá niên thương phẩm. Ảnh: Đ.T
Xã Đăk Ring, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nuôi cá niên thương phẩm. Ảnh: Đ.T
Tham gia mô hình nuôi cá niên thương phẩm, các hộ dân ở thôn Văk Y Nhông được tập huấn kỹ thuật nuôi và chăm sóc cá, hỗ trợ cải tạo ao nuôi, cấp 6.000 con cá giống và thức ăn cùng thuốc phòng bệnh cho cá. Tháng 7 vừa qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với UBND xã Đăk Ring tổ chức cấp cá giống và 225kg thức ăn nuôi cá (30% đạm) cho các hộ dân.
Ông A Kha ở thôn Văk Y Nhông, 1 trong 6 hộ dân tham gia mô hình, chia sẻ, gia đình ông có ao nuôi tổng diện tích gần 100m2 trong khu sản xuất của thôn. 
Các ao nuôi cá của gia đình ông có độ sâu hơn 2m, có nguồn nước tự chảy từ trên núi xuống và thoát nước bằng ống nhựa nên nước trong ao được lọc sạch liên tục. Vị trí các ao nuôi ngay cạnh ruộng lúa nên hàng ngày, ông A Kha có nhiều thuận lợi trong việc thăm nuôi cá niên.
“Cán bộ kỹ thuật hỗ trợ gia đình tôi cải tạo ao nuôi, khử trùng đáy ao, xếp đá quanh bờ ao để gia cố, tạo môi trường sống và phát triển nguồn thức ăn rêu tự nhiên cho cá. Từ khi triển khai mô hình đến nay, hàng tuần, cán bộ kỹ thuật đều đến ao nuôi của gia đình, trực tiếp kiểm tra và hỗ trợ tôi chăm sóc cá” ông A Kha cho hay.
Ao nuôi có nguồn nước sạch và mát, tự chảy và thoát ra liên tục là một trong những yêu cầu quan trọng trong nuôi cá niên.
Để gìn giữ nguồn nước tự chảy sạch cho ao nuôi, UBND xã Đăk Ring thường xuyên vận động các hộ dân tham gia mô hình và các hộ dân khác tại địa phương không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tích cực tham gia giữ rừng, giữ đất, trồng cây phân tán ở khu vực đồi núi, đầu nguồn suối trên cao.

Ao nuôi cá niên của hộ gia đình A Kha ở thôn Văk Y Nhông, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Ảnh: ĐT
Ao nuôi cá niên của hộ gia đình A Kha ở thôn Văk Y Nhông, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Ảnh: ĐT
Ông A Kép, cũng là 1 trong 6 hộ dân tham gia mô hình, cho biết, ao nuôi cá của gia đình ông ở cạnh nhà ở. Nguồn nước tự chảy vào ao nuôi cũng là nguồn nước cung cấp cho sinh hoạt hàng ngày của gia đình. Chính vì vậy, việc bảo đảm vệ sinh nguồn đầu nguồn được các thành viên trong gia đình ông quan tâm, giữ gìn.
“Nuôi cá niên, ngoài thức ăn là cám được hỗ trợ, tôi còn sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên gồm lá khoai lang, lá mì hay củ mì luộc, hèm rượu”- ông A Kép nói.
Qua khảo sát của UBND xã Đăk Ring, hiện nay trên địa bàn có các địa điểm có điều kiện thích hợp để nuôi cá niên với tổng diện tích mặt ao khoảng 33.600m2 và tổng sản lượng thu hoạch khoảng 3.400kg/năm tại các thôn Văk Y Nhông, Đăk Chờ, Đăk Da và Ngọc Ring.
Những năm qua, việc nuôi cá niên và nhân giống loài cá này đã được một số trường đại học, đơn vị nghiên cứu và cá nhân thực hiện thành công trên địa bàn xã Đăk Ring, mở ra hướng đi mới sản xuất có nhiều tiềm năng, triển vọng để người dân nơi đây áp dụng triển khai trong thực tế nhằm nâng cao thu nhập kinh tế hộ gia đình, góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Mô hình khuyến nông nuôi cá niên thương phẩm do Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với UBND xã Đăk Ring thực hiện trong năm 2022 đã tạo sự phấn khởi, quan tâm của nhiều người dân. Nhiều hộ dân ở các thôn trên địa bàn xã Đăk Ring, thậm chí ở các xã lân cận như Đăk Tăng, Đăk Nên, Măng Bút đã đến ao nuôi của 6 hộ dân đang triển khai mô hình để tham quan, học hỏi.
“Trong quá trình triển khai mô hình nuôi cá niên thương phẩm, cán bộ phụ trách nông lâm của UBND xã Đăk Ring đều phối hợp chặt chẽ với cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, thường xuyên kiểm tra và hỗ trợ các hộ dân chăm sóc và phòng bệnh cho cá. 
Hiện tại, ao nuôi cá niên của các hộ dân chưa có dịch bệnh phát sinh, cá nuôi sinh trưởng tốt. Theo kế hoạch, trong tháng 10/2022, UBND xã tiếp tục phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh cấp 279kg thức ăn nuôi cá và thuốc phòng bệnh cho cá để các hộ dân tham gia dự án có điều kiện chăn nuôi cá niên đạt hiệu quả đề ra”- bà Y Hành cho biết.
Theo Đức Thành (Báo Kon Tum)
 

Có thể bạn quan tâm