Nhạc trẻ - vừa mừng vừa lo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhịp sống công nghệ tạo ra muôn vàn cơ hội cho các bạn trẻ yêu thích, đam mê âm nhạc. Song song với âm nhạc truyền thống, công nghệ cũng tạo ra một dòng chảy âm nhạc hiện đại dễ dàng thỏa mãn nhu cầu của công chúng. 
Một phần mềm có thể biến một giọng hát chênh, phô thành… ca sĩ, biến một người giỏi lắp ghép âm thanh thành… nhạc sĩ. Nhưng cũng nhiều nghệ sĩ trẻ tài năng đã trưởng thành từ chính môi trường âm nhạc đa dạng ấy.
Những nghệ sĩ trẻ có năng lực xuất hiện làm tươi mới thị trường âm nhạc trong nước
Những nghệ sĩ trẻ có năng lực xuất hiện làm tươi mới thị trường âm nhạc trong nước
Nhiều màu sắc
Dưới cái nhìn của người đi trước, nhạc sĩ Doãn Nho cho rằng, dòng nhạc nhẹ hôm nay thật phong phú. Nếu phái đẹp có thể kể tới những nghệ sĩ không chỉ hát hay biểu diễn tốt, mà còn có những sáng tác ấn tượng, góp phần làm đẹp, sôi động thêm “thị trường tác phẩm”, như Mỹ Tâm với Đừng hỏi em, Đâu chỉ riêng em, Hãy về với nhau, Em thì không; Vũ Cát Tường với Cô gái ngày hôm qua, Buổi sáng bình thường, Yêu xa; Lê Cát Trọng Lý với Chênh vênh, Thương, Ghen... Gần đây, nam ca sĩ Sơn Tùng MTP với ca khúc Lạc trôi đã làm nên một kỷ lục đạt 160 triệu lượt xem trên YouTube và 131 triệu lượt nghe trên trang nghe nhạc trực tuyến... 
Cùng chung nhận định này, nhạc sĩ Vũ Tự Lân cũng đánh giá cao sự chăm chỉ lao động nghệ thuật của các bạn trẻ. Theo ông, thế hệ hậu bối được học hành bài bản, có nhiều cơ hội tiếp cận với văn minh, tiến bộ của âm nhạc thế giới, vì thế các tác phẩm của họ cũng đầy cảm xúc: “Các bài hát của thế hệ trẻ có thể không mang những âm hưởng hùng tráng, đanh thép, rực lửa… nhưng chất trữ tình ngọt ngào cũng cuốn hút và lay động người nghe”.
Theo nhạc sĩ Vũ Tự Lân, dù rằng trong đời sống âm nhạc trẻ hiện nay vẫn còn những ca khúc bị coi là nhảm nhí, những xu hướng sáng tác chưa thực sự gần gũi, phù hợp với người nghe nhạc Việt, nhưng phải thẳng thắn thừa nhận, sự xuất hiện ngày càng nhiều nghệ sĩ trẻ có năng lực là dấu hiệu đáng mừng cho nền âm nhạc.
Đồng tình quan điểm này, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng cũng cho rằng, âm nhạc nên để “trăm hoa đua nở”, chứ không phải âm nhạc bác học, nhạc đỉnh cao mới là chuẩn, vì đời sống âm nhạc là vô cùng đa dạng và phong phú. Mỗi dòng nhạc đều có những khán thính giả của riêng mình, vì thế dù là nhạc trẻ, nhạc thị trường hay nhạc bác học, đỉnh cao cũng đều đòi hỏi mỗi người phải lao động nghệ thuật chăm chỉ. Sự xuất hiện ngày càng nhiều những ca khúc tốt, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong công chúng là minh chứng cho sự lao động miệt mài chăm chỉ của các nghệ sĩ trẻ.
Trăn trở
Mừng vì đã xuất hiện một lứa nghệ sĩ tài năng nhưng dưới ánh mắt e ngại, nhạc sĩ Đỗ Bảo cho rằng: “Chúng ta hài lòng vì có một đời sống âm nhạc có vẻ sôi động ở bề mặt, nhưng thật khó hài lòng nếu nó thực ra đã mất chuẩn, không mang những khuôn khổ đầy đủ của sự nhận thức”. Nhiều nghệ sĩ trẻ hiện nay chịu áp lực chạy đua thành tích trên mạng xã hội, điều này sinh ra hiện tượng kêu gọi, mua bán các lượt xem, lượt nghe, lượt thích “ảo”. Không ít nghệ sĩ phát ngôn vô tội vạ để gây chú ý trước khi đưa ra sản phẩm ca nhạc, hâm nóng tên tuổi, khoa trương những thành tích không có thật.
Lo lắng hơn, nhạc sĩ Nguyễn Đình San cho rằng: “Nền văn hóa âm nhạc của ta có nguy cơ xuống cấp với việc phát triển tự phát loại âm nhạc phục vụ giải trí, sinh hoạt mà ít có những tác động tư tưởng tình cảm mạnh mẽ sâu sắc - điều mà ta vẫn thường bắt gặp ở nhiều tác phẩm thuộc những giai đoạn trước đây. Việc “lăng xê”, “tôn vinh” quá đáng một số chương trình âm nhạc giải trí, cùng một vài tác giả chuyên sáng tác một thể loại bài hát để xem đã khiến người ta ngộ nhận rằng, âm nhạc hiện nay phải như thế, và người sáng tác ra nó mới là tài năng…”. 
Theo nhạc sĩ Nguyễn Đình San, một vài “tên tuổi” trong giới nhạc sĩ trẻ ở độ tuổi trên dưới 40 vừa không đủ sức thuyết phục về tác phẩm, vừa quá ít ỏi, không thể gọi được là một thế hệ. Điều cần nói nữa là sáng tác của họ chưa có tầm tư tưởng, tình cảm cần thiết để chạm được vào trái tim của mọi tầng lớp công chúng như thế hệ nhạc sĩ ông, cha, anh trước đây. Họ có thể có học hành chính quy, được trang bị nhiều kiến thức âm nhạc trong nhà trường hơn các thế hệ trước, nhưng điều quan trọng nhất để tạo nên giá trị của tác phẩm âm nhạc là vận dụng ngôn ngữ âm nhạc dân tộc để chuyển tải những tình cảm lớn của dân tộc, đất nước thì họ đã chưa làm được… 
Đồng cảm với mối lo này, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng khẳng định, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thế hệ nhạc sĩ trẻ kế cận con đường âm nhạc dân tộc có kiến thức, tài năng và có ý thức xã hội… vẫn luôn là trăn trở lớn khi mà lớp nhạc sĩ gạo cội đang dần vắng bóng. Song ông vẫn tin tưởng vào lứa nghệ sĩ trẻ nhiều tài năng sẽ kế tục thế mạnh truyền thống của nền âm nhạc nước nhà.
Như nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha nhìn nhận: “Sự chuyển động của âm nhạc Việt trong 30 năm qua, tuy có kèm theo những ô nhiễm độc hại ở quy trình tiếp nhận thì cái độ tĩnh an toàn mà âm nhạc Việt truyền thống tạo ra đã là nguồn dinh dưỡng để âm nhạc Việt hôm nay đủ kháng thể vượt qua trên con đường hội nhập”.
Mai An (sggp)

Có thể bạn quan tâm

Trúc Nhân quái dị

Trúc Nhân quái dị

Với ca khúc "Không ra gì", Trúc Nhân đầu tư kinh phí tiền tỷ để thực hiện Music Video dài hơn 5 phút. Nam ca sĩ đã liều lĩnh nhưng chính điều này giúp sản phẩm tạo dấu ấn.