Nhà nông "lên đời" doanh nghiệp nhờ trồng dược liệu, thu tiền tỷ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Kể từ khi huyện Kon Plông (Kon Tum) đẩy mạnh khai thác tiềm năng, phát triển các loại cây dược liệu, nhiều trang trại tiền tỷ của nông dân liên tục hình thành. Cũng nhờ trồng cây dược liệu, đặc biệt là sâm mà nhiều nông dân có của ăn của để, phát triển thành doanh nghiệp.
Những trang trại sâm hàng tỷ đồng
Nhận thấy việc trồng cây dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế và phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở vùng núi cao nên những năm gần đây, huyện Kon Plông đã tập trung định hướng, hỗ trợ người dân mở rộng, phát triển loại cây này.
Theo đó, bên cạnh việc tiếp tục trồng mới khoảng 70ha tập trung vào các loại cây như sâm dây, đương quy, nghệ đỏ..., mục tiêu đến năm 2030 huyện sẽ nâng tổng diện tích vùng trồng dược liệu đạt khoảng 2.460ha.
 
Huyện Kon Plông đang chú trọng phát triển các loại cây dược liệu, đặc biệt là cây sâm. Ảnh: Trần Hiền
"Người dân có đất, doanh nghiệp có vốn nên cùng hợp tác phát triển diện tích, bao tiêu sản phẩm, định hình vùng nguyên liệu ổn định phục vụ chế biến. Tuy nhiên, phát triển cây dược liệu còn một số khó khăn như người dân đã quen sản xuất theo kiểu truyền thống nên việc thay đổi nhận thức còn chậm, kinh phí mua cây giống lớn…”.

Ông Trương Ngọc Tuyền


Chúng tôi đã được tận mắt chiêm ngưỡng những trang trại sâm trị giá hàng tỷ đồng của những nông dân chân đất tại xứ sở được mệnh danh là “Đà Lạt thứ 2” của Tây Nguyên này. Xuất phát từ con số không và chưa được học qua một lớp đào tạo nào, song anh Hà Văn Đại (38 tuổi, ở thôn Măng Đen, xã Đăk Long) đã mạnh dạn đầu tư gây dựng và phát triển nên một trang trại trồng sâm dây trị giá hơn 3 tỷ đồng.
Mô hình trồng sâm dây của anh Đại được Phòng NNPTNT huyện Kon Plông đánh giá rất cao bởi không những duy trì được năng suất, hiệu quả kinh tế mà anh Đại còn cung cấp số lượng cây giống lớn cho bà con trong khu vực.
Ngoài trang trại sâm của anh Đại, còn có trang trại trồng sâm của anh A Diu (thôn Tu Rằng, xã Măng Cành); một số công ty, doanh nghiệp như Biểu Lộc An, Công ty Thái Hòa… có chủ nhân trước đây cũng từng là những nông dân chân đất, nhờ trồng sâm mà họ đã gây dựng nên cơ ngơi tiền tỷ như hiện tại và trở thành những doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn huyện.
Sau khi huyện Kon Plông tiến hành trồng thử nghiệm một số loại cây dược liệu như sâm dây, đương quy, lan kim tuyến…, kết quả cho thấy những loại cây này phù hợp với điều kiện canh tác và thời tiết khí hậu của địa phương, ngoài ra còn có dược tính rất cao. Chính vì vậy, năm 2018 UBND huyện đã tiếp tục chỉ đạo trồng mới khoảng 70ha và chú trọng khoanh vùng, khai thác bảo tồn các loại dược liệu có sẵn ngoài tự nhiên như chè dây, chuối rừng, sim rừng, ngũ vị tử…
Trong đó, sâm dây là loại dược liệu phổ biến nhất, chiếm phần lớn diện tích trồng dược liệu ở Kon Plông. Cụ thể, tổng diện tích sâm dây hiện tại là 18,9ha, trong đó tập trung chủ yếu ở các xã như Măng Bút 11,9ha, Măng Cành 4ha, Đăk Tang 1ha và xã Hiếu 1ha. Cây sâm dây được Phòng NNPTNT đánh giá phát triển rất tốt, thị trường tiêu thụ rộng, chế biến được nhiều sản phẩm với giá bán cao. Ngoài ra một số cây dược liệu khác như nghệ, đương quy, đinh lăng… cũng khá phát triển.
Đẩy mạnh liên kết sản xuất và bao tiêu
 
Trang trại sâm dây trị giá hơn 3 tỷ đồng của nông dân Hà Văn Đại. Ảnh: T.H
Bên cạnh việc mở rộng diện tích vùng nguyên liệu, huyện Kon PLông còn chú trọng chế biến các sản phẩm từ cây dược liệu, liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho người dân. Theo đó, đầu năm 2018, Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển dược liệu TP.Hồ Chí Minh đã thành lập phân viện tại trung tâm huyện Kon PLông, với mục tiêu chuyên nghiên cứu, bảo tồn và phát triển các loại cây dược liệu.
Có được lợi thế này, huyện đã liên kết với PGS-TS Phan Phước Hiền – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển dược liệu TP.Hồ Chí Minh để nghiên cứu chế biến một số sản phẩm từ cây dược liệu như kẹo viên sâm dây, kẹo viên sâm dây – mật ong rừng Măng Bút, gói hòa tan từ sâm dây…
Hiện nay, một số sản phẩm như cây sâm dây, sâm đương quy, đinh lăng, ba kích, sa nhân… đã được các doanh nghiệp ký kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm như Công ty dược liệu Thái Hòa, Công ty TNHH MTV An Bình, HTX nông nghiệp công bằng Măng Đen… Đáng chú ý, một số sản phẩm như sâm dây Măng Đen, đương quy Măng Đen, chuối rừng Măng Đen, trà sâm dây Măng Đen… đã được thiết kế logo, nhãn hiệu, bao bì và đăng ký chứng nhận sở hữu trí tuệ.
Trao đổi với phóng viên, ông Trương Ngọc Tuyền – Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Kon PLông cho hay,  huyện đang đầu tư và phát triển song song 2 loại cây chủ lực, gồm rau hoa quả xứ lạnh ứng dụng công nghệ cao và phát triển cây dược liệu, đặc biệt là các loại sâm. Trong đó việc nhân rộng và phát triển các loại cây dược liệu được tiến hành theo 2 hình thức.
Thứ nhất, những hộ dân đã có sản phẩm thu hoạch thì tiếp tục vận động người dân tích lũy lại một ít giống để duy trì, mở rộng diện tích. Thứ hai, huyện đang sử dụng các nguồn kinh phí mục tiêu quốc gia, giảm nghèo bền vững để hỗ trợ cây giống cho các hộ nghèo và cận nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập.
Trần Hiền (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm