(GLO)- Trong số các di tích, danh lam, thắng cảnh nổi tiếng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, không thể không nhắc đến hang động Ngườm Ngao-một kiệt tác của thiên nhiên.
Động Ngườm Ngao nằm ở bản Gun (xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng), cách thác Bản Giốc khoảng 5 km. Cô hướng dẫn viên người Tày vừa dẫn chúng tôi vào động vừa giải thích: Theo tiếng Tày “ngườm” là động và “ngao” là hổ; “Ngườm Ngao” có nghĩa là “động hổ”. Xung quanh tên gọi này có nhiều truyền thuyết. Nghe người già kể lại thuở xa xưa, trong động có rất nhiều hổ dữ sinh sống. Chúng thường vào các bản xung quanh để bắt gia súc khiến đời sống của nhân dân bị đảo lộn. Dân bản bàn nhau tìm cách bẫy hổ rồi bắt nhốt hết vào hang. Cuộc sống của người dân yên bình trở lại nhưng ngày đêm họ vẫn phải nghe tiếng gầm gào từ trong hang phát ra. Lại có truyền thuyết cho rằng tiếng suối chảy trong động phát ra nghe như tiếng gầm rú của hổ dữ nên người dân địa phương đặt tên động là Ngườm Ngao... Hang động này được người Pháp phát hiện vào năm 1921 nhưng không ai dám vào vì thấy trong hang có suối. Mãi đến năm 1995, nó mới chính thức được khảo sát bởi Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh. Hơn 10 năm sau (2006), Công ty cổ phần Du lịch Cao Bằng mới quản lý và khai thác du lịch. Ngườm Ngao có tổng chiều dài 2.144 mét, gồm 3 cửa chính: Ngườm Ngao, Ngườm Lồm và Ngườm bản Thuôn. Hiện mới đưa vào khai thác khoảng hơn 1 km.
Lách người qua cửa hang rộng khoảng 1 m2, chúng tôi có cảm tưởng như đang lạc vào một thế giới khác. Không khí mát lạnh trong hang khiến bao nhiêu mệt nhọc đều tan biến. Chỉ vào cột đá bên đường, cô hướng dẫn viên chia sẻ: Đây gọi là “cột chống trời”. Nó được tạo thành do băng đá từ dưới mọc lên gặp nhũ đá từ trên trần hang nhỏ xuống. Trong hang có rất nhiều “cột chống trời” và nhũ đá đẹp. Theo các nhà địa chất, phải mất ít nhất 300 triệu năm mới hình thành được những nhũ đá này. Càng đi sâu vào trong, chúng tôi càng mê mẩn trước cảnh đẹp lung linh, huyền ảo mẹ thiên nhiên ban tặng cho nơi này và thỏa sức cho trí tưởng tượng bay xa khi ngắm nhìn dáng vẻ muôn hình, vạn trạng của các nhũ đá. Chúng khiến người ta hình dung ra những thửa ruộng bậc thang, những gác bếp và chiếc cối giã gạo của người Tày. Rồi hình sân khấu có hai tua rất đẹp. Dưới sự sắp xếp tài tình của thiên nhiên, có những nhũ đá nhìn như Vạn Lý Trường Thành thu nhỏ, thác Bản Giốc thu nhỏ, chiếc thuyền buồm, bàn tay Phật, bầu sữa mẹ, bộ tam đa (Phúc-Lộc-Thọ), ông Thần Tài. Còn có kho của nhà trời, thác vàng, thác bạc, cây vàng, cây bạc. Đặc biệt, có cả bản đồ hành chính khu vực miền Bắc Việt Nam...
Đang đi, cô hướng dẫn viên bỗng gõ vào mấy nhũ đá bên cạnh. Mọi người cùng ồ lên: giống tiếng đàn trưng quá. Cô khẳng định: Đúng vậy. Trong động có một số nhũ đá gõ kêu được và âm thanh trầm bổng như tiếng đàn đá nên gọi là những cây đàn đá. Anh chị nào khéo tay có thể tự đánh một bản nhạc để thưởng thức. Rồi cô bảo: “Sinh thời Bác Hồ kính yêu chưa đến Ngườm Ngao nhưng điều đặc biệt là thiên nhiên đã ban tặng cho Ngườm Ngao một bông sen, cũng ban tặng cho Ngườm Ngao một hình dáng Bác Hồ”. Và cô dùng đèn pin vẽ một vòng phía trên. Chúng tôi ngước nhìn lên thì thấy đó như là cái bàn thờ có phủ rèm phía dưới rất đẹp. Trên bàn thờ có một măng đá trông rất giống Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chưa hết ngạc nhiên, chúng tôi lại được cô chỉ cho xem bông sen úp ngược-một trong những cảnh vật đẹp nhất của Ngườm Ngao. Theo cô, bông sen này có sự tích rất thú vị. Chuyện kể rằng, ngày xưa có một vị sư ngồi trên đài sen tu mãi vẫn không thành chính quả. Vì quá buồn chán, phẫn chí nên ngài đã úp ngược đài sen xuống, còn mình thì biến thành cột đá đứng cạnh. Đó chính là cột đá cô đơn-một trong những điểm nhấn nổi bật nhất của Ngườm Ngao.
Trước khi chúng tôi ra khỏi hang động, cô hướng dẫn viên cho hay một thông tin tích cực: Vẻ đẹp kỳ thú còn mang đậm nét tự nhiên của hang động Ngườm Ngao đang ngày càng thu hút nhiều du khách trong vùng cũng như du khách khắp mọi miền đất nước đến chiêm ngưỡng, nhất là vào mùa hè.
Nguyễn Dung