Người trồng hoa Lâm Đồng lao đao vì dịch COVID-19 bùng phát giáp Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Do ảnh hưởng của đại dịch COVID- 19, người trồng hoa hiện đang lao đao vì thương lái không tới mua, bởi mua cũng không biết tiêu thụ đi đâu.

Nhân công phân loại và đóng gói hoa tại một vựa hoa ở xã Hiệp An (Đức Trọng) để chuẩn bị chở đi tiêu thụ tại các tỉnh, thành trong nước. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)
Nhân công phân loại và đóng gói hoa tại một vựa hoa ở xã Hiệp An (Đức Trọng) để chuẩn bị chở đi tiêu thụ tại các tỉnh, thành trong nước. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)
Theo thông lệ, thời gian này trong năm đang là mùa mua bán tấp nập tại các vựa hoa trên địa bàn thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng và các vùng phụ cận.
Do ảnh hưởng của đại dịch COVID- 19, người trồng hoa hiện đang lao đao vì thương lái không tới mua, bởi mua cũng không biết tiêu thụ đi đâu.
Có mặt tại vùng trọng điểm hoa huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), dọc theo tuyến Quốc lộ 20 là cảnh các nhà vườn mang ra hoa chất đầy 2 bên đường, nhưng chẳng thấy có mấy khách đến mua.
Lâu lâu mới có vài người đi đường dừng xe xuống mua vài bó, tuyệt nhiên không có cảnh các thương lái đưa xe vận tải tới mua bán tấp nập như cùng thời điểm này trong những năm trước.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đầu ra sản phẩm bị hạn chế khiến nông dân ở vùng hoa layơn trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng này đã rơi vào cảnh lao đao.
Mặc dù giá đã rớt tận đáy nhưng thương lái vẫn không mua nên nhiều nông dân buộc phải bỏ mặc hoa nở rộ ngay tại vườn.
Ông K’Bon, ở thôn K’Long, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, cho biết trong mấy ngày nay, gia đình ông liên tục giảm giá bán đối với hoa layơn trong vườn nhà.
Nhưng các thương lái đều từ chối không đến mua vì sợ thị trường không tiêu thụ được.

Người dân xã Hiệp An (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) thu hoach hoa layơn phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2021. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)
Người dân xã Hiệp An (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) thu hoach hoa layơn phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2021. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)
Ông K’Bon phải thuê người thu hoạch và mang ra tận các đại lý để bán với giá rất rẻ, chỉ từ 300-400 đồng/bông, nhưng lượng hoa bán được cũng rất giới hạn. Hiện tại, vườn nhà ông vẫn còn tới 2/3 diện tích hoa chưa có người mua, nên đành bỏ mặc cho hoa nở tại vườn.
Ông Bùi Văn Hạnh, một thương lái ở tỉnh Nam Định tới mua hoa, cho hay đây là chuyến đầu tiên ông vào đây mua hoa về bán Tết, vì thấy có mấy người quen biết cũng lấy hoa ở đây về bán. Nhưng khi ông vào tới đây thì có thông báo dịch, nên sợ mang ra đó không bán được.
Vùng hoa layơn trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng có trên 300ha, tập trung tại 2 xã Hiệp An và Hiệp Thạnh của huyện Đức Trọng; trong đó, diện tích sản xuất chủ yếu tại thôn K’Long của xã Hiệp An.
Vào thời gian này những năm trước, thương lái vào tận vườn cắt hoa, bao nhiêu cũng hết. Năm nay thì họ chỉ cần đi lòng vòng vài điểm trên Quốc lộ 20 là gom đủ chuyến hàng.
Những người trồng hoa cho biết giá hoa phải trên 20.000 đồng/bình (10 bông) thì mới có lãi. Nhưng đến giai đoạn này, nếu hoa đã cắt rồi thì giá nào họ cũng phải bán. Nếu không thì cứ cho nở tại vườn để đỡ tốn tiền thuê người cắt.
Theo ông K’Hùng, Trưởng thôn K’Long, xã Hiệp An, mặc dù giá đã rớt thấp nhưng thương lái vẫn mua cầm chừng.
Nếu tình hình này còn tiếp diễn trong vài ngày tới, khả năng 70% diện tích hoa của người dân ở K’Long buộc phải nhổ bỏ ngay tại vườn.
Ông K’Hùng cho biết: “Thời điểm trước và sau ngày rằm vừa rồi thì giá hoa rất ổn định, bình quân từ 25.000 đồng đến 35.000 đồng/bình. Nhưng từ khi có thông báo nhiều ca nhiễm COVID-19 ở trong cả nước thì giá rớt trầm trọng luôn. Hiện giờ giá thậm chí còn 3.000 đồng/bình mà không ai mua nữa nên dân đành vứt bỏ.”
Hiệp hội hoa Đà Lạt (Lâm Đồng) cho biết cơ quan này vừa gửi văn bản đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo cơ quan chức năng có giải pháp bình ổn giá cước vận tải, không tăng giá cước vận tải hoa trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu nhằm hỗ trợ người nông dân trước tình hình dịch COVID-19 ảnh hưởng đến việc tiêu thụ hoa Tết.
Chu Quốc Hùng (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.