Người trồng hoa Đà Lạt thấp thỏm vụ hoa ly Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Mùa hoa ly (Lily) Tết - mùa hoa quan trọng nhất trong năm của người trồng ly tại Đà Lạt đã vào vụ hơn tháng nay và không ít nông dân bày tỏ sự lo lắng cho mùa hoa ly Tết năm nay.
Vườn trồng ly kép cho mùa Tết của ông Nguyễn Hùng Vỹ, làng hoa Vạn Thành, Phường 5, Đà Lạt

Vườn trồng ly kép cho mùa Tết của ông Nguyễn Hùng Vỹ, làng hoa Vạn Thành, Phường 5, Đà Lạt

TRÔNG MƯA, TRÔNG NẮNG

Đầu tháng 12, khi chúng tôi có mặt tại làng hoa Thái Phiên - Phường 12, làng hoa lớn nhất Đà Lạt hiện nay, các chủ nhà vườn đã cơ bản xuống giống xong hoa ly cho niên vụ Tết Giáp Thìn 2024.

Với hơn 10 năm kinh nghiệm trồng ly cho mùa Tết, ông Nguyễn Đình Phụng, 45 tuổi, một nông dân Phường 12 cho biết, hơn 1 sào đất nhà vườn của ông đã xuống củ giống xong.

Để chuẩn bị cho mùa ly Tết, ông Phụng đã chuẩn bị đất từ tháng 8 âm lịch - khoảng 1 tháng trước khi xuống giống. “Trồng hoa ly không khó nhưng cũng chẳng dễ. Vốn lớn nên cần chuẩn bị kỹ. Cứ mỗi sào như thế phải bỏ ra khoảng 300 triệu đồng, từ củ giống, phân bón, giá trồng, thuốc trừ sâu, mọi thứ. Phải làm đất kỹ, sạch bệnh, canh thời gian để xuống giống củ hoa cho hoa nở đúng dịp Tết, đâu dễ” - ông Phụng cho biết.

Vườn ông Phụng chỉ canh tác hoa ly cho mùa Tết chứ không trồng ly quanh năm. Ông có 5 - 10 lao động làm việc quanh năm tại vườn, ông trồng nhiều loại hoa, chỉ đến gần Tết là dành đất cho hoa ly. Năm nay, ông xuống giống ly đơn ù vàng, củ lớn, kích thước 22-23 cm nhập nội từ Hà Lan, sản lượng dự kiến của vườn ông khoảng 100 thùng ly, cung ứng ra thị trường chừng 20 nghìn cành vào dịp Tết năm nay.

Tại làng hoa Vạn Thành, Phường 5 - Đà Lạt, nhiều nông dân cũng đã đồng loạt xuống giống cho mùa ly Tết năm nay. Ông Nguyễn Hùng Vỹ, 47 tuổi, Tổ trưởng tổ dân phố Vạn Thành cũng là một nông dân nhiều năm trồng hoa ly tại đây đã đầu tư khoảng 1,5 tỷ đồng để xuống giống cho trên 4 sào hoa ly trong vườn.

Nhưng ông Vỹ cho biết, không xuống giống đồng loạt 1 lần mà xuống giống từ từ cho khu vườn của mình. Vườn ông rộng khoảng 1,7 ha, cả gia đình, anh chị em ông cùng canh tác với rất nhiều loại hoa như đồng tiền, Baby, cát tường… riêng ông chỉ chuyên canh tác ly quanh năm. Mùa Tết này, ông xuống giống cho nhiều loại ly.

“Tùy theo từng giống, có loại dài ngày, như ly hoa kép chẳng hạn, kéo dài đến gần 4 tháng, khoảng 120 ngày mới nở hoa; còn có loại ly chỉ 70 ngày nở, có loại 80 ngày, có loại 90 ngày. Cứ theo ngày nở hoa của từng loại để xuống giống, canh làm sao để đến khoảng 25 Tết Nguyên đán hoa bắt đầu nở là đẹp” - ông Vỹ cho biết.

Nhưng hoa nở, theo ông Vỹ, cũng còn tùy thuộc lớn vào thời tiết Đà Lạt gần Tết lúc đó. “Nếu trời lạnh hoa nở chậm, còn nắng ấm thì chúng bung cánh rất nhanh. Cứ chấp nhận thời tiết để người trồng hoa đánh bạc với ông trời thôi” - ông Vỹ cười.

Ông Vỹ đưa chúng tôi ra thăm các luống hoa ông vừa xuống giống. Có loại mới nhú các mầm xanh, có loại đã vươn lên chỉ gang tay nhưng có thửa đất hoa đã vươn cao, đã thấy những đốm trắng với các nụ nhỏ trên đầu. Đó là giống ly kép “Nhìn vậy chứ lên lâu lắm” - ông Vỹ cười và chỉ tay cho chúng tôi các nụ hoa mới ra. “Nhìn cây nào có nhiều nụ là ổn, coi như được. Còn cây nào chỉ có 1 nụ như thế này là biết mình… thua rồi. Vì cây chỉ một hoa như thế phải chục cây mới được 1 bó, có bán cũng chẳng được giá bao nhiêu” - ông Vỹ cho biết.

GIẢM DIỆN TÍCH

Theo ông Nguyễn Văn Danh - Chủ tịch Hội Nông dân Phường 12, cứ khoảng trong tháng 8 và tháng 9 âm lịch các nhà vườn trong làng hoa Thái Phiên lại bắt đầu xuống giống ly cho mùa hoa Tết. Như với giống ly ù vàng chẳng hạn, ông cho biết, người dân nơi đây xuống giống vào 25/9 âm lịch, còn ù đỏ vào ngày 4-5/10 âm lịch. Năm nay, người trồng hoa ly vùng Thái Phiên xuống giống Tết thường chọn hoa ly ù, đặc biệt là ù đỏ vì thị trường đang chuộng.

Để có giống ly phục vụ Tết, người dân trong làng hoa đã đặt củ giống Hà Lan thông qua các công ty nhập củ giống của Việt Nam ngay từ đầu năm, đến tháng 8 củ giống mới về đến Đà Lạt.

Theo ông Danh, với đặc tính ưa lạnh và ẩm, hoa ly rất thích hợp với khí hậu Đà Lạt trong canh tác, tuy nhiên, do những năm gần đây thời tiết có nhiều biến đổi nên người dân cũng khó nắm bắt được tình hình hoa nở ra sao cho đến khi thu hoạch. Còn về củ giống, do chọn nhập trực tiếp từ Hà Lan về nên chất lượng củ hoa rất đạt, củ đều, khi xuống giống ít bị úng, bị sâu bệnh. Giá củ giống năm nay vẫn ổn định từ 12-17 nghìn đồng cho mỗi củ tùy theo kích cỡ. Tổng diện tích trồng ly Tết năm nay tại Phường 12 theo ông Danh, vào khoảng 15 ha, chủ yếu trong số nay là các nhà vườn trồng ly cho mùa Tết, chỉ có một số ít gia đình trồng ly quanh năm.

Có một điều thú vị về trồng ly tại Đà Lạt trong những năm gần đây là nhiều hộ dân đã bắt đầu thử “tái sử dụng” củ giống hoa ly. Vì trong canh tác hoa ly phần củ giống thường rất đắt, chiếm nhiều vốn nhất trong quá trình canh tác, củ giống phải nhập khẩu từ Hà Lan hoặc một số nước có khả năng sản xuất củ giống trên thế giới nên nhiều hộ dân gần đây đã thử đầu tư xây các kho lạnh, khi hoa ly với củ giống nhập khẩu thu hoạch xong được mang về cho ngủ đông trong kho lạnh vài tháng sau đó mang ra trồng lại.

Tuy nhiên, những thế hệ hoa “F2” với củ giống tái sử dụng này, như ông Nguyễn Hùng Vỹ ở làng hoa Vạn Thành cho biết, không thể so sánh với hoa “F1” được. Bởi Hoa F2 nhỏ cây, thấp, hoa nhỏ, nhạt màu hơn, giá trị thấp. Hoa F2 này theo ông Vỹ, chỉ bán cho ngày thường, còn mùa hoa Tết, mọi người trồng đều phải mua củ giống F1 nhập khẩu để canh tác.

Điểm đáng nói cho mùa ly Tết tại Đà Lạt năm nay khi chúng tôi có dịp lòng vòng qua các nhà vườn là hầu hết đều giảm diện tích. Như gia đình ông Phụng ở Phường 12 đã chủ động giảm gần nửa diện tích trồng ly Tết so với năm ngoái. Năm ngoái, ông Phụng đầu tư 2 sào, năm nay chỉ có 1 sào. Tương tự ông Vỹ cũng vậy, năm ngoái ông đầu tư 6 sào , năm nay ông chỉ xuống giống 4 sào.

“Thị trường hoa tươi những tháng cuối năm nay rất chậm, sức mua giảm hẳn, kinh tế đang hồi khó khăn nên mình phải giảm diện tích chứ không dám đầu tư mạnh như năm ngoái. Hy vọng mọi thứ rồi sẽ ổn trong cuối năm nay” - ông Vỹ tâm sự.

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.