Người thầy trên chiếc xe lăn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một bên chân bị teo từ nhỏ, bên còn lại bị gãy sau tai nạn, nên bài giảng của thầy A Mik cứ xoay đều theo những vòng quay của chiếc xe lăn.
 
Sau vụ tai nạn, thầy A Mik chỉ có thể di chuyển với sự trợ giúp của xe lăn. Ảnh: Đức Nhật
Sau vụ tai nạn, thầy A Mik chỉ có thể di chuyển với sự trợ giúp của xe lăn. Ảnh: Đức Nhật
Nhiều năm nay, học sinh Trường tiểu học và THCS Đăk Rơ Wa (TP.Kon Tum, Kon Tum) đã quen với cái dáng đi tập tễnh của thầy giáo A Mik. 35 tuổi, thầy Mik đã có 11 năm công tác tại ngôi trường này. Thầy Mik kể rằng thầy sinh ra và lớn lên ở thôn Kon Rơ Ji, xã Đăk Rơ Wa. Khi mới lọt lòng mẹ, A Mik khỏe mạnh bình thường. Thế nhưng đến năm 1 tuổi, cậu bị cơn sốt rét hành hạ. Gia đình đã đưa cậu đi cấp cứu tại bệnh viện. Tuy nhiên, các bác sĩ chỉ cứu được tính mạng cậu, còn chiếc chân bên phải thì không. Từ đó A Mik lớn lên với dáng đi tập tễnh và những ánh nhìn thương hại của chúng bạn.
Học hết tiểu học, A Mik tiếp tục cùng chúng bạn đuổi theo con chữ ở bên kia dòng suối. Trường học chỉ cách nhà hơn 4 km nhưng lúc bấy giờ mọi con đường ra khỏi làng đều là đường đất. Chẳng có cầu, những đứa trẻ trong làng muốn qua bên kia học chữ đều phải lội suối. Những ngày đầu khi vừa học lên THCS, A Mik nhìn xuống chân mình, đường đến lớp như xa vạn dặm.
Thương bạn tật nguyền, một người bạn xung phong cõng A Mik đến lớp. Nhưng con suối sâu, một người lội qua còn khó chứ nói gì đến chuyện cõng nhau. A Mik và bạn đã không ít lần ngã nhào giữa dòng nước lớn. Sách vở ướt sũng, quần áo lấm lem là chuyện thường xuyên xảy ra, nhưng chưa một lần A Mik nghĩ đến chuyện nghỉ học...
Học hết THPT, A Mik mong muốn trở thành giáo viên để dạy chữ cho học sinh trong làng. Tâm nguyện cũng hoàn thành khi A Mik thi đậu vào Trường cao đẳng Sư phạm Kon Tum. Sau khi ra trường, A Mik được phân công về dạy học tại nơi mình sinh ra. Cậu bé tật nguyền ngày nào giờ đã trở thành người thầy đáng kính.
Năm 2014, thầy A Mik xây dựng gia đình. Sau khi có con, cuộc sống thêm phần vất vả, vợ thầy A Mik để lại chồng con ở nhà rồi vào miền Nam làm công nhân. Cũng bắt đầu từ đây, vợ thầy A Mik bặt vô âm tín. Vậy là một mình thầy gà trống nuôi con.
Năm 2020, bi kịch ập đến, sau một lần đi thăm nhà bạn, thầy A Mik gặp tai nạn xe máy. Chiếc chân lành còn lại bị gãy, vỡ bánh chè. Sau khi xuất viện, thầy A Mik không thể đi lại như trước. Mọi sinh hoạt hằng ngày gặp vô vàn khó khăn. Bản thân gặp nạn phải nằm một chỗ, vợ bỏ đi, đã có những lúc bất lực, thầy A Mik muốn giải thoát cho mình.
“Nhiều lúc mình bất lực, chẳng thể tự làm được việc gì, ngay cả vệ sinh cá nhân. Những lúc ấy mình chỉ muốn buông xuôi. Nhưng rồi nhìn thấy đứa con mới 7 tuổi, mình lại cố gắng mạnh mẽ, cố gắng vươn lên để làm chỗ dựa cho con”, thầy A Mik tâm sự.
Đến nay, tuy đã xuất viện nhưng mọi công việc của thầy A Mik đều phải thực hiện trên chiếc xe lăn. Thời gian đầu, khi chưa quen, thầy A Mik đã không ít lần ngã từ trên xe lăn xuống đất, vết thương ở chân trái chưa lành lại bị va đập đau điếng. Những lần như thế thầy A Mik lại cắn răng chịu đựng, vịn thành xe mà đứng dậy. Sau nhiều cố gắng tập luyện, đến nay thầy đã tự mình di chuyển từ nhà đến trường bằng xe máy để tiếp tục gieo chữ cho học sinh nghèo ở quê hương mình.
Theo Đức Nhật (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.