Người Rơ Măm ở làng Le

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tỉnh Kon Tum hiện có 7 DTTS tại chỗ, trong đó dân tộc Rơ Măm là 1 trong 5 DTTS ít người nhất Việt Nam. Dân tộc Rơ Măm trên địa bàn tỉnh sinh sống chủ yếu ở làng Le (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy). Những năm qua, bên cạnh chăm lo phát triển kinh tế, người Rơ Măm nơi đây còn chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Dọc Quốc lộ 14C từ trung tâm thị trấn Sa Thầy khoảng hơn 70km, làng Le hiện ra mộc mạc, bình dị với những nếp nhà sàn truyền thống độc đáo. Đồng bào Rơ Măm tại đây sau nhiều lần du canh, di cư đã chọn vùng đất này làm nơi sinh sống và gắn bó.

Theo lời kể của già làng A Ren, xưa kia, trên đỉnh núi Pông Jăng Sứt hay dọc theo hai bên sông Tri và sông Sa Thầy có nhiều ngôi làng của người Rơ Măm. Trải qua nhiều biến cố lớn, đến nay người Rơ Măm chỉ còn lại một làng sinh sống tại xã Mô Rai. Nhiều mùa rẫy trôi qua, những thế hệ con cháu của người Rơ Măm xưa vẫn sinh sống trên mảnh đất mà tổ tiên họ đã chọn cho đến tận ngày nay.

- Người Rơ Măm được tỉnh quan tâm, hỗ trợ để phát triển. Ảnh: H.T

- Người Rơ Măm được tỉnh quan tâm, hỗ trợ để phát triển. Ảnh: H.T

Ðơn vị cư trú của người Rơ Măm là làng, đứng đầu là già làng- người cao tuổi trong làng, do dân tín nhiệm bầu ra. Già làng là người có uy tín, hoạt bát, am hiểu về phong tục tập quán, giàu kinh nghiệm và được mọi người nhất nhất nghe theo. Bên cạnh già làng, làng của người Rơ Măm còn có những người cao tuổi có uy tín và cũng am hiểu về phong tục tập quán của dân tộc mình. Đây là những người cũng có tiếng nói, có uy tín cao trong làng. Làng của người Rơ Măm hình vành khuyên do nhà của dân làng dựng bao quanh tạo thành. Ngôi nhà rông cộng đồng được dựng ở vị trí trung tâm, các ngôi nhà xung quanh đều xoay mặt vào đó.

Giống như nhiều dân tộc khác sinh sống trên dãy Trường Sơn - Tây Nguyên, hoạt động kinh tế của người Rơ Măm hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên, chủ yếu là dựa vào tập quán làm rẫy từ lâu đời. Trong một mùa rẫy của người Rơ Măm, họ tiến hành rất nhiều các nghi lễ cúng Yàng cho cây lúa như lễ phát rẫy, đốt rẫy, trỉa lúa, lễ mừng lúa mới, lễ bỏ lúa vào kho, lễ mở cửa kho lúa. Trong đó, Lễ mở kho lúa là lễ hội lớn nhất trong năm của người Rơ Măm, đánh dấu sự kết thúc của một chu kỳ sản xuất lúa rẫy.

Người Rơ Măm ở làng Le vẫn duy trì tập quán sinh hoạt cộng đồng để gắn kết, cùng hỗ trợ nhau trong đời sống. Ảnh: H.T

Người Rơ Măm ở làng Le vẫn duy trì tập quán sinh hoạt cộng đồng để gắn kết, cùng hỗ trợ nhau trong đời sống. Ảnh: H.T

Những năm qua, bên cạnh đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh ta đã triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc Rơ Măm. Nhờ đó, đến nay, người Rơ Măm ở làng Le vẫn duy trì các nghi lễ tín ngưỡng truyền thống của dân tộc mình. Những lễ hội của dân tộc Rơ Măm mang những nét văn hóa truyền thống, thể hiện rõ yếu tố cộng đồng, tình yêu thiên nhiên, thần linh được gắn với nhau chặt chẽ, là sự kế tục truyền thống văn hóa xa xưa của thế hệ trước. Nhiều loại hình dân gian được huy động tham gia vào các lễ hội này như đánh cồng chiêng, múa xoang. Mới đây, vào cuối năm 2022 , với sự hỗ trợ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, người dân làng Le đã phục dựng lại Lễ mở kho lúa mới. Đây là dịp quan trọng để giúp thế hệ trẻ trong làng hiểu hơn về lễ hội truyền thống của dân tộc mình và ra sức giữ gìn, phát huy.

Già làng A Ren cho biết: “Hàng năm, vào khoảng tháng 11, 12 dương lịch, khi công việc thu hoạch lúa rẫy đã xong, khi hạt lúa, hạt bắp đã được đem về cất kĩ trong kho, người Rơ Măm lại tổ chức Lễ mở cửa kho lúa để cầu khấn và tạ ơn các thần linh đã ban cho dân làng có được một vụ mùa bội thu. Với sự phục dựng lễ hội như thế này thì bà con người Rơ Măm rất vui và sẽ quyết giữ gìn, truyền dạy lại phong tục tập quán cho thế hệ sau”.

Người Rơ Măm còn có tính cộng đồng rất cao, thể hiện qua nhiều phương diện của đời sống sinh hoạt, tín ngưỡng cũng như trong lao động sản xuất, trong đó có văn hóa nhà rông. Khác với các DTTS khác ở Kon Tum, người Rơ Măm có 2 ngôi nhà rông với hai chức năng khác nhau, đó là nhà rông phong tục và nhà rông văn hóa. Với người Rơ Măm, nhà rông phong tục là nơi linh thiêng, diễn ra các nghi lễ tâm linh của làng và là nơi cất giữ Yàng; còn nhà rông văn hóa là nơi sinh hoạt chung của cộng đồng.

Cây nêu truyền thống của người Rơ Măm ở làng Le. Ảnh: H.T

Cây nêu truyền thống của người Rơ Măm ở làng Le. Ảnh: H.T

Ngày nay, với nhiều chính sách hỗ trợ người đồng bào DTTS của Đảng và Nhà nước, cuộc sống của người Rơ Măm ở làng Le đã có nhiều đổi thay tích cực. Nhà cửa được xây dựng kiên cố, khang trang, sạch đẹp. Người dân không còn duy trì tập tục phát rừng làm rẫy như trước kia mà đã nhận đất trồng cây công nghiệp lâu năm, nhận khoán rừng để làm kinh tế. Đặc biệt, bà con vẫn duy trì những phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.

Bà Đỗ Thị Thanh Thủy- Giám đốc Bảo tàng-Thư viện tỉnh Kon Tum cho biết: Hiện nay, đơn vị đang triển khai Kế hoạch khôi phục bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Rơ Măm tại Làng Le. Chúng tôi đang tiến hành nhiều hoạt động bảo tồn các nghề truyền thống và trang phục truyền thống, nghề dệt thổ cẩm, các làn điệu dân ca, dân vũ như mở các lớp truyền dạy múa xoang, dân ca, sưu tầm các câu chuyện cổ về biên tập lại, các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống... từ những nghệ nhân già và gạo cội của làng.

Ông Ngô Công Phương- Bí thư Đảng ủy xã Mô Rai cho biết: Hiện tại làng Le có 178 hộ người Rơ Măm với hơn 800 nhân khẩu. Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với nhiều chính sách hỗ trợ, đời sống của người Rơ Măm nơi đây đã có nhiều đổi thay tích cực. Dân làng đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật để trồng lúa nước, cây ăn quả, các loại cây công nghiệp như mía, cao su và tham gia nhiều chương trình phát triển kinh tế có hiệu quả tại địa phương.

Có thể bạn quan tâm