Người nữ cộng sản và ký ức khó quên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bận bịu với quầy hàng nhỏ tại Trung tâm Thương mại thị xã An Khê từ sáng sớm tới tối mịt cũng chỉ để tìm vui bên công việc mà tạm quên những ký ức một thời ám ảnh, đau thương. Bà, người nữ cộng sản may mắn sống sót sau cuộc chiến trường kỳ của dân tộc, đã bộc bạch cùng chúng tôi như thế vào buổi chiều giữa tháng 4 đầy nắng…

Người phụ nữ mà chúng tôi tìm gặp ở đây có tên đầy đủ là Nguyễn Thị Thanh Tường, song từ trước đến nay, mọi người thường xưng hô với bà bằng tên gọi thân mật khác là Sáu Tường. Sinh năm 1932 tại thôn An Điền Nam, xã Cửu An, thị xã An Khê, từ nhỏ, bà đã không xa lạ gì với cảnh quê hương nhuốm màu khói súng và bom đạn; dân làng cực khổ, lầm than. Vì thế, khi lớn lên, bà quyết tâm một lòng đi theo cách mạng, góp phần đánh đuổi bọn giặc xâm lăng, mang bình yên về cho quê nhà.

 

Bà Tường tâm sự với phóng viên về những ký ức khó quên thời chiến. Ảnh: Hồng Thi
Bà Tường tâm sự với phóng viên về những ký ức khó quên thời chiến. Ảnh: Hồng Thi

“Hồi đó, cứ ở đâu có khó khăn trong việc vận động dân hay thăm dò tin tức, tình hình địch là cơ sở lập tức điều động tôi tới. Cái thân già này khi ấy cũng có ích và được dân tin tưởng lắm”-câu chuyện giữa chúng tôi đã được bà mở đầu bằng những lời vui vẻ xen lẫn sự tự hào như vậy.

Người chồng thương yêu của bà hy sinh trên chiến trận khi bà vẫn đang thời xuân sắc. Đứa con trai đầu lòng của họ ngày đó chưa tròn 2 tuổi, còn đứa thứ hai cũng chưa kịp thành hình. Bụng mang dạ chửa, con trẻ dại khờ, thêm mẹ già đau yếu và bao nhiêu khó khăn chồng chất oằn nặng trên đôi vai người phụ nữ trẻ. Thế nhưng bà Tường vẫn cố gắng vượt qua, cán đáng trọn vẹn việc nhà lẫn việc nước. Tham gia công tác tại Ủy ban Dân vận, địch vận khu vực cánh Bắc An Khê, không thể kể hết bao nhiêu lần bà vượt qua hiểm nguy trước họng súng quân thù, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà cấp trên giao phó. Quân giặc vô cùng căm ghét nhưng cũng khiếp sợ bà-một nữ cộng sản nhỏ bé mà chẳng hề tầm thường. “Mấy tên chỉ huy của địch hồi đấy lớn tiếng tuyên bố rằng, chừng nào bắt được con Tường thì chôn sống chứ không bắn làm chi cho uổng phí viên đạn. Nhưng tiếc là chúng chưa có cơ hội làm gì được tôi”- bà Tường nhớ lại.

Lục lọi chuỗi ký ức trong thời chiến của mình, bà bảo rằng có những thứ mà chẳng bao giờ bà quên được. Đó là cái khoảnh khắc thoát chết trong nháy mắt; là phút giây quặn lòng khi chứng kiến đồng đội, bạn hiền quỵ ngã, hy sinh; là sự ấm lòng, sung sướng khi vận động được bà con, dân làng tin tưởng và ủng hộ cách mạng…“Hôm đấy là lúc địch tiến hành chiến dịch dồn dân lập ấp chiến lược”-bà chậm rãi-“tôi cùng với 31 người khác bàn kế hoạch trốn ngoài ấp để dễ dàng hoạt động. Đêm xuống, khi đang tìm đường ra thì bị địch phát hiện và xả súng bắn hàng loạt về phía chúng tôi. Khi tránh được khỏi cơn mưa đạn an toàn thì cũng là lúc tôi nhận ra chỉ còn duy nhất mình sống sót. Người bằng hữu thân thiết của tôi lúc ấy cũng vừa ra đi ngay trong vòng tay của mình…”. Nói đến đây, giọng bà nghẹn lại, mắt ngân ngấn lệ. Dẫu biết lâm vào cuộc chiến là phải đối mặt với tất cả, nhưng sao chứng kiến cảnh tượng ấy, bà vẫn nghe nhói mạnh nơi trái tim.

 

Quầy tạp hóa nhỏ này là nơi giúp bà tạm quên đi những ám ảnh của chiến tranh. Ảnh: Như Hiếu
Quầy tạp hóa nhỏ này là nơi giúp bà tạm quên đi những ám ảnh của chiến tranh. Ảnh: Như Hiếu

Cho đến tận bây giờ, bà Tường vẫn cảm thấy việc mình còn sống là điều hết sức kỳ diệu. Ngoài kỳ tích trên, rất nhiều lần bà thoát chết trong gang tấc trước sự truy sát ráo riết của Mỹ-Ngụy. “Đạn bay như cát, toàn cơ thể tôi nóng rực như đang bốc cháy. Quần áo cùng chiếc ba lô đeo trên vai bị thủng lổ chổ nhưng người lại không bị một vết thương tích nào. Rồi cả đợt địch ném bom dữ dội từ đỉnh núi Hòn Cong, càn quét vùng Cửu An, bom nổ ở cự ly rất gần, tiếng nổ lớn đến nỗi phải rất lâu sau khi đồng đội tìm thấy, tôi mới có thể định lại tinh thần và ngồi dậy được. Vậy mà cái mạng của tôi vẫn không hề gì, thế mới đáng nói”- bà hồi tưởng.

Khi bí mật lẩn trốn, lúc công khai cải trang thành người bán-kẻ buôn, cứ thế, ngày qua ngày, bà Tường âm thầm cống hiến công sức và tâm huyết của mình cho sự nghiệp giải phóng quê hương. Đi đến đâu, bà cũng được dân chở che và thương yêu. Họ tin bà, nghe bà rồi thêm tin tưởng vào cách mạng. Người góp muối, kẻ góp gạo, rau, thậm chí có người còn dắt cả con trâu đến ủng hộ cho đội công tác. Bà không nhận, họ liền về bán trâu vị chi được 8.000 đồng, sau đó một mực bắt bà phải nhận. “Hòa bình lập lại, tôi giữ chức Phó chủ tịch lâm thời xã Cửu An, rồi Ủy viên Quân quản huyện An Khê. Ai có công với cách mạng tôi đều liệt kê và làm giấy chứng nhận cho họ, dù 1 lạng muối cũng không để họ bị thiệt thòi nên dân phấn khởi lắm”- bà cười, nói.

Hiện tại, dù chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ nhưng ký ức về một thời kháng chiến vẫn còn nguyên vẹn trong bà. Đó là giai đoạn đáng tự hào song cũng để lại bao nỗi đau thương không thể nào xóa mờ. Những cái chết tức tưởi của đồng đội vì bom đạn, những tiếng nổ vang trời đay nghiến bên tai thuở trước thường xuyên trỗi dậy ám ảnh bà. Cũng chính vì thế mà dù đã ngoài 80 tuổi, con cái thành đạt nhưng bà vẫn ngày ngày gắn bó và tìm vui bên quầy tạp hóa nhỏ tại Trung tâm thương mại thị xã An Khê. Từ sáng sớm đến tối mịt, bà bận bịu với nhang, đèn, đồ lễ cưới hỏi, têm từng miếng trầu cay, xếp từng xấp giấy tiền vàng bạc; miệng không ngừng nhẩm theo tiếng kinh Phật phát ra từ chiếc radio nhỏ bên cạnh. Bà bảo, bà chẳng mong gì hơn như thế cho đến hết phần đời còn lại, bởi lẽ với bà, vậy đã là quá đỗi hạnh phúc lẫn an yên…

Hồng Thi-Như Hiếu

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.