"Người muôn năm cũ"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Chúng tôi ăn rừng” của Giáo sư Georges Condominas là sách gối đầu giường của những người nghiên cứu và yêu văn hóa Tây Nguyên. Ngày ông trở lại Đak Lak, tôi không có điều kiện được đi cùng. Nhưng cái ước muốn tới cho được cái bon (buôn, làng) Sar Luk xa thật xa, thật hẻo lánh và heo hút ấy vẫn đeo đuổi tôi.

Đơn giản thôi, tôi muốn một lần đến Sar Luk để hiểu cho được cái gì đã khiến một trí thức châu Âu mới ngoài 20 tuổi dám bỏ hết mọi phồn hoa ở kinh đô ánh sáng, gắn bó tới 3 năm với một bộ tộc (mà trong mắt những kẻ thực dân lúc ấy chắc vẫn còn là “man di mọi rợ”) ở nơi cách TP. Buôn Ma Thuột bây giờ với đường nhựa láng cóng, chạy ro ro tới gần cả trăm cây số? Chỉ tính từ cái ngày ông ấy nhìn thấy “bộ đàn đá” cổ xưa nhất của loài người, năm 1949 tới nay thôi, cũng đã 68 năm rồi còn gì.

 

Một tác phẩm của Condominas, lấy chất liệu từ những ngày sống ở bon Sar Luk. Ảnh: H.Đ
Một tác phẩm của Condominas, lấy chất liệu từ những ngày sống ở bon Sar Luk. Ảnh: H.Đ

Đọc sách của ông, hình dung rất rõ những không gian sinh tồn từng gắn bó như máu thịt với người Tây Nguyên: rừng săn bắn hái lượm, rừng thiêng tang ma, rừng làm rẫy, mặt nước và rừng chăn thả. Với không gian và tín ngưỡng vạn vật hữu linh ấy, cuộc sống buôn làng trở nên đầy sinh động, mới lạ trong con mắt và tâm trí Condominas. Ông lấy đó làm điều phải học, phải hiểu, để rồi yêu quý những con người chất phác ấy như những người anh em của mình. Một trong số những “người muôn năm cũ” còn đến hôm nay là già Y Wan Rtung.

Ừ, rất may, già làng Y Wan Rtung (thường gọi là Ama Chông) vẫn còn đó. Lưng đã còng, bước chân thập thững không còn nhanh nhẹn, nhưng nhắc tới Condominas dường như ông khỏe và minh mẫn hẳn ra, theo đoàn làm phim “Rừng & sự sống” của VTV tới tận nơi ông tìm thấy bộ đàn đá. Trong trí nhớ mang mang của ông, chàng thiếu niên là ông khi ấy đứng chỉ cao hơn thắt lưng Condominas chút xíu, đã chạy đưa người trí thức châu Âu “tới đó xem cái đá kêu ấy”.

Dọc theo dấu vết xưa cũ trên con đường đá ngày ấy, ông rành rẽ :
- Bon của mình hồi xưa gốc là bon Sar Luk, không biết sao bây giờ người ta đổi thành bon Rchai A. Vô sâu hơn, chỗ này là bon Sar Lang. Bây giờ cũng vẫn thưa thớt người thôi. Rừng. Toàn là rừng. Bây giờ cà phê, toàn là cà phê.
Đưa chúng tôi tới chỗ ngày xưa từng là nơi trú chân của các công nhân làm đường, ông chỉ  vạt đất ven suối:
- Bây giờ người ta san đồi trồng cà phê hết. Dòng sông cạn khô, con suối cũng cạn khô. Hồi xưa chỗ này rộng và đầy nước lắm. Tìm được mấy tấm đá to đó, rồi còn kiếm được đá kêu nhỏ dưới con suối này nữa mà.

Năm 2006, trong lần trở lại của Condominas, đã có một con trâu, một con heo lớn được “ăn” ở cái nơi ngày nay là nhà cộng đồng của bon Rchai A (dựng theo kiểu nhà dài Ê Đê, trên nền xưa căn nhà của Condominas) để làm lễ kết nghĩa anh em giữa Condominas với Y Wan cũng như trả lễ cả bon Sar Luk đã rộng vòng tay đón ông. “Năm đó chỉ còn lại 2 người là tui với S’Raang, bạn gái của Condo, nên ổng kết nghĩa với 2 người chúng tôi. Bây giờ bà ấy cũng đi theo ổng rồi. Ổng cũng mời mình đi sang Pháp chơi, nhưng không có tiền nên không đi”-Y Wan Rtung kể.  

Xấp xỉ 90 mùa rẫy, từng thoát ly đi làm cán bộ phong trào vận động quần chúng ở Gia Lai trong thời kỳ chống Mỹ, được tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhất, từng làm cán bộ buôn, có giấy khen nông dân sản xuất giỏi..., nay Y Wan Rtung vẫn là một già làng có uy tín để buôn làng đến hỏi những việc quan trọng. Ông còn là một nghệ nhân diễn tấu đàn goong khá thành thạo, đúng nghĩa “mang chiêng đi đấm” không chỉ tại TP. Buôn Ma Thuột mà còn ở tận Hà Nội và các tỉnh bạn… Ông buồn và lắng lại đôi chút khi được hỏi về văn hóa truyền thống của người M’Nông, rồi như có dịp trút bầu tâm sự, ông nói một thôi một hồi:

- Thời bây giờ khác trước lắm. Đâu còn đi làm rẫy nơi này nơi khác nữa. Nhà ở tại chỗ, nước lấy tại chỗ, trồng cà phê, trồng lúa nước tại chỗ. Có ti vi, có điện, là do nhà nước chỉ bảo. Nhưng văn hóa mất gần hết. Hồi đó cái gì cũng cúng. Mình sống với rừng, mình xin “nó” cái gì thì phải cúng cái đó. Giờ thì… Giếng nước cũng có rồi, đâu ai cầu mưa…

Nỗi buồn như đọng lại thành từng hòn, từng cục chẹn nơi cổ họng khiến ông nghẹn lời. Y Wan Rtung như pho sử sống của một thời săn bắt hái lượm, lang thang khắp rừng này, núi kia với chiếc gùi đè trĩu trên vai; của thời Condominas từng quen mà lạ với mọi phong tục tập quán của một tộc người; thời theo cán bộ kháng chiến chống Mỹ hy sinh tất cả cho độc lập tự do… của vùng Sar Luk này. Liệu còn ai nhớ những điều ấy, hay lúc nào đó ông sẽ mang theo hết về cõi Mang Lung?

Linh Nga Niê Kdăm

Có thể bạn quan tâm