Căn nhà khang trang của gia đình chị H’Huyên treo đầy những tấm giấy khen của các con. Tự hào khoe với chúng tôi, chị H’Huyên chia sẻ: “Hai con gái đầu của tôi hiện đã bước chân vào giảng đường đại học. Còn con gái út cũng đang là học sinh chăm ngoan của Trường THPT Hoàng Hoa Thám (TP. Pleiku). Bao nhiêu vất vả, nỗ lực của tôi đã phần nào được đền đáp”.
Chị H’Huyên (bìa trái) là hạt nhân góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngôi làng Ia Nueng. Ảnh: M.K |
Chị H’Huyên lấy chồng năm 21 tuổi. Đến với nhau chỉ 2 bàn tay trắng, vợ chồng chị bảo ban nhau chịu khó làm thuê kiếm sống. Năm 2002, chị H’Huyên sinh liền một bận 2 cô con gái. Gia đình thêm thành viên, chưa hết vui mừng thì gánh nặng cơm áo lại trĩu nặng trên vai. Cho đến khi các con đến tuổi tới trường, chị H’Huyên bàn với chồng phải dành dụm tiền mua đất canh tác, phát triển sản xuất để nuôi con ăn học thành người. “Với đa số đồng bào mình, khi chuyện cái ăn cái mặc trở thành mối lo thường nhật thì việc học hành của con cái gần như bị sao nhãng. Các em nhỏ sớm phải trở thành lao động chính trong gia đình. Cũng vì vậy mà hành trình học tập đôi khi bị ngắt đoạn. Ngày ấy, khi chứng kiến cảnh không ít trẻ nhỏ trong làng phải bỏ dở chuyện học hành do gia đình nghèo khó, rồi lập gia đình khi chưa đủ tuổi, chưa đủ kiến thức khiến cuộc sống cơ cực, mình thương lắm! Vậy nên, mình quyết tâm dù khó khổ cỡ nào cũng phải tạo mọi điều kiện để các con được học hành đến nơi đến chốn. Phải có kiến thức thì mới thay đổi cuộc sống được”-chị H’Huyên tâm sự.
3 năm sau đó, chị H’Huyên đã mua được 4 sào ruộng lúa. Do được chăm sóc tốt, ruộng lúa của gia đình chị năm nào cũng xanh tốt nhất làng. Cứ như thế, năm này sang năm khác, vợ chồng chị vừa chăm lo phát triển kinh tế từ việc trồng trọt, chăn nuôi vừa động viên các con tới trường chăm ngoan, học giỏi. Có những thời điểm, gia đình chị gặp nhiều khó khăn nhưng chưa bao giờ chị có ý nghĩ cho các con nghỉ học ở nhà phụ giúp việc ruộng rẫy. Thấu hiểu nỗi vất vả, lo toan của bố mẹ, các con chị đều ngoan ngoãn, chăm chỉ học tập. Năm 2015, từ nguồn vốn tích lũy, chị H’Huyên mua thêm được 1 ha cà phê và 4 sào lúa nước 2 vụ. Chị cũng không quản vất vả nuôi thêm heo sinh sản. Mỗi năm, chị xuất bán khoảng 60 con heo giống, thu về gần 50 triệu đồng. Ngoài ra, với 1 ha cà phê, sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình có thêm nguồn thu trên 200 triệu đồng/năm.
Chị H'Huyên là tấm gương phụ nữ Jrai vượt khó, cần cù lao động để nuôi con ăn học. Ảnh: Mai Ka |
“Khi kinh tế gia đình ổn định, tôi tự tin hơn khi nghe các con bày tỏ mong muốn tiếp tục hành trình học tập. Vợ chồng tôi vỡ òa hạnh phúc khi các con đều đỗ đại học vào năm 2020. Một đứa học Đại học Sư phạm Đà Nẵng, đứa còn lại bước vào giảng đường của Đại học Kỹ thuật Y dược Đà Nẵng. Biết rằng phía trước chặng đường học tập của các con cần sự hỗ trợ rất lớn từ gia đình nên vợ chồng tôi không ngừng làm việc để đủ sức đồng hành cùng các con trên con đường tìm kiếm tri thức”-chị H’Huyên bộc bạch.
Trò chuyện cùng P.V, già làng Hmrik vui vẻ cho biết: “Ở làng Ia Nueng có lẽ ai cũng biết đến tấm gương vượt khó, cần cù lao động để nuôi con ăn học của chị H’Huyên. Từ tấm gương này đã lan tỏa tinh thần học tập trong cộng đồng, góp phần thay đổi nhận thức, vượt qua rào cản để vươn lên trong sự học. Ngoài làm kinh tế giỏi, nuôi dạy con nên người, H’Huyên còn là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Ia Nueng. H’Huyên vận động chị em phụ nữ trong làng chăm chỉ làm ăn, tích lũy để đầu tư cho các con theo học con chữ; đồng thời, cùng học và phát huy nghề dệt truyền thống của người Jrai. H’Huyên là tấm gương vượt khó và cũng là hạt nhân góp phần thúc đẩy sự phát triển của làng Ia Nueng”.