Người lưu giữ hoa văn Bahnar trên những chiếc gùi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Từ đôi tay khéo léo và tài hoa của mình, già Đinh Nhiêu (làng Kte Lớn A, xã Ia Yeng, huyện Phú Thiện) đang hàng ngày nỗ lực bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Bahnar qua những chiếc gùi.

“Gùi-tiếng Bahnar gọi là H’ká. Đây là dụng cụ được sử dụng nhiều trong cuộc sống hàng ngày. Gùi được chia thành nhiều loại và dùng vào những công việc khác nhau, hoa văn cũng rất đa dạng thể hiện nét độc đáo riêng của mỗi dân tộc. Ngay từ nhỏ, mình đã biết đan gùi nhưng phải đến khi lớn lên mình mới tìm hiểu và bắt đầu đan những chiếc gùi có hoa văn dân tộc Bahnar”- già Đinh Nhiêu (làng Kte Lớn A,xã Ia Yeng, huyện Phú Thiện) chia sẻ.

Già Đinh Nhiêu tỉ mẫn đan gùi. Ảnh: Trần Dung
Già Đinh Nhiêu tỉ mẫn đan gùi. Ảnh: Trần Dung

Già Đinh Nhiêu là người dân tộc Bahnar. Ông lấy vợ là bà Siu H’Bo- người dân tộc Jrai. Sau khi về làng Kte Lớn A sống cùng những người anh em, hàng xóm là người Jrai nhưng ông Đinh Nhiêu vẫn đau đáu về việc gìn giữ văn hóa dân tộc mình, trong đó có việc lưu giữ những chiếc gùi hoa văn Bahnar. Vậy là bất cứ lúc nào rảnh rỗi, ông cũng dành thời gian để tỉ mẩn ngồi đan gùi. Theo già Đinh Nhiêu, gùi của người Bahnar cũng giống như gùi của các dân tộc khác là được đan bằng tre, mây... Trông thì rất đơn giản nhưng người nghệ nhân làm ra nó phải mất cả một thời gian dài. Việc tạo hoa văn trên thân gùi là công đoạn rất quan trọng, nó thể hiện tài năng khéo léo, óc thẩm mỹ và kinh nghiệm lâu năm của người đan.

Những sợi lạt tạo hoa văn được già vót trước khi bắt tay vào làm gùi, loại lạt này sau khi được tạo màu và để trên gác bếp một thời gian sẽ có màu rất đặc trưng. Loại gùi của người Bahnar có chóp tròn, một số ít có chóp nhọn đan liền không dùng đoạn mắt tre. Đế gùi Bahnar cũng có độ rộng và độ nghiêng khác hơn một chút so với gùi của các dân tộc khác. Riêng độ cao của thân gùi và kiểu dáng thì hoàn toàn khác biệt. “Những họa tiết và kiểu dáng gùi của từng dân tộc có rất nhiều điểm khác biệt. Gùi của người Bahnar có họa tiết là vài đường kẻ quanh thân gùi và đặc biệt hoa văn rất phong phú, có rất nhiều họa tiết cầu kỳ phản ánh cuộc sống, phong tục, bản sắc văn hóa của người Bahnar. Đối với tôi, chiếc gùi là đồ vật gửi gắm tình cảm cũng như sự cảm nhận về thiên nhiên, cuộc sống theo cách nhìn, cách nghĩ của riêng mình”- già Đinh Nhiêu cho biết thêm.

Người dân trong làng thường tới nhà già Đinh Nhiêu để học cách đan gùi.Ảnh: Trần Dung
Người dân trong làng thường tới nhà già Đinh Nhiêu để học cách đan gùi.Ảnh: Trần Dung

Nhờ sự bền dẻo và hoa văn độc đáo mà những chiếc gùi già Nhiêu làm ra đều được mọi người trong làng trầm trồ, khen ngợi và mua về để sử dụng. Hình ảnh chiếc gùi đong đưa trên lưng các chị, các mẹ lên rẫy hay những chiếc gùi bé xinh trang trí trong những góc nhà sàn… dường như khá quen thuộc với người dân làng Kte Lớn A. Chị Siu Menj (làng Kte Lớn A, xã Ia Yeng) vui vẻ cho hay: “Tụi con gái trong làng thích những chiếc gùi do bàn tay già Đinh Nhiêu đan lắm. Gùi rất đẹp và tỉ mỉ, hoa văn lại rất bắt mắt. Chúng mình thường chọn những chiếc gùi nhỏ nhắn để dùng lúc đi chợ hay đi tham gia lễ hội của làng”.

Hiện nay, làng Kte Lớn A vẫn còn rất nhiều người, nhiều gia đình vẫn gìn giữ nét văn hóa của mình qua những chiếc gùi. “Ở làng mình, hầu như người đàn ông nào cũng đều biết đan gùi. Dù là gùi của người Bahnar hay gùi của người Jrai thì mọi người vẫn rất thích. Gùi luôn đi kèm với sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt của người dân nên việc lưu giữ và phát huy là rất đáng quý. Già Đinh Nhiêu đã đem tới sự giao lưu văn hóa rất ý nghĩa giữa hai dân tộc”- Bí thư chi bộ làng Kte Lớn A Rơmah Ngeo, cho biết.

Với niềm đam mê cộng với sự hiểu biết của mình, hàng ngày già Đinh Nhiêu kêu gọi mọi người tới nhà mình để cùng đan gùi. Già mong muốn, người biết dạy người không biết, ông già dạy trẻ nhỏ… để từ đó những chiếc gùi có hoa văn tinh xảo của người Bahnar sẽ tồn tại từ đời này qua đời khác.

Trần Dung

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.