Người ghi lịch sử bằng ảnh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Dù đã nghỉ hưu, nhưng mỗi khi nhắc đến phóng viên ảnh Báo Gia Lai, mọi người sẽ nghĩ ngay đến phóng viên Đức Thanh. Gần 40 gắn bó với chiếc máy ảnh, ông dường như có mặt ở mọi sự kiện lớn nhỏ của tỉnh, dấu chân ông có ở khắp các buôn làng… Nhờ vậy, ông đã kịp thời ghi lại mọi “bước chuyển mình” của tỉnh… bằng ảnh! Và, thế hệ “hậu bối” thường gọi ông với cái tên thân mật: Người ghi lịch sử bằng ảnh.

Nhà báo Đức Thanh đang tác nghiệp.
Nhà báo Đức Thanh đang tác nghiệp.

1. Nhắc lại cơ duyên đến với nghề nhiếp ảnh, ông cười: “Nhiếp ảnh là nghề gia truyền đấy! Bố tôi ngày xưa là thợ ảnh ở phố Tràng Tiền, Hà Nội”. Cũng nhờ năng khiếu chụp ảnh nên ngay khi mới nhập ngũ, ông đã được cấp trên ưu ái, sắp xếp làm nhân viên tuyên huấn. Sau ngày đất nước thống nhất, ông xin chuyển ngành về Báo Gia Lai công tác. “Được nhận vào thử việc, tôi xách máy ảnh về vùng Ayun Pa 1 tuần liền. Sau đó, tôi về nộp sản phẩm cho cơ quan và trở thành người của Báo cho đến lúc nghỉ hưu”-phóng viên Đức Thanh nhớ lại.

Với phóng viên ảnh Đức Thanh, mỗi tấm ảnh đều có ngôn ngữ riêng. Vì vậy, ở mỗi bức ảnh, ông đều cố gắng tìm những góc chụp hoàn hảo nhất và chọn những khoảnh khắc đẹp nhất để bấm máy. Cũng theo phóng viên Đức Thanh, những năm mới giải phóng, phim cuộn dùng để chụp ảnh rất hiếm và phải sử dụng theo chỉ tiêu. Do đó, trước mỗi lần chụp, ông thường chọn góc đứng và quan sát thật kỹ sự vật, hiện tượng… rồi mới quyết định bấm máy! Trả lời cho câu hỏi: Phóng viên ảnh sao phải đi cơ sở dài ngày? Ông cười, dù là phóng viên viết hay phóng viên ảnh, nếu không đi cơ sở, không nắm và không hiểu cơ sở thì sẽ chẳng bao giờ cho ra những bài viết hay tấm ảnh đẹp, có hồn được!

Không được đào tạo chính quy, song nói về ảnh báo chí trên địa bàn, hẳn ông tự hào vì mình là… “đầu tàu”. Thậm chí, gọi ông là kho lưu trữ hình ảnh về các sự kiện chính trị của tỉnh có lẽ không ngoa, vì tất cả các sự kiện từ khi đất nước mới giải phóng cho đến sau này, ông đều lưu trữ và gìn giữ cẩn thận. Hiện tại, ông có hàng triệu tấm ảnh tư liệu, thế nhưng chỉ cần nhìn vào mỗi tấm-dù đã chụp rất lâu-ông đều có thể nhớ rõ về nội dung, không gian, thời gian. Ông cũng là người “thức thời”, vì ngay khi có công nghệ lưu trữ hình ảnh bằng các ổ cứng, ông đã scan tất cả hình ảnh để lưu trữ. Hiện kho ảnh tư liệu của ông được lưu trữ đầy 4-5 ổ cứng di động và mỗi khi cơ quan, ban ngành… cần lục tìm những hình ảnh về giai đoạn lịch sử nào, ông đều có thể cung cấp.  

2. Gọi điện thoại hẹn gặp, ông bảo: “Chú dạo này bỏ phố ra ngoại ô để trồng rau, nuôi gà rồi!”. Theo lời chỉ dẫn, gần cuối ngày, tôi xách xe máy chạy lòng vòng ra ngoại ô thăm ông. Giữa một khu đất rộng, hình ảnh ông cần mẫn vun từng luống đất để chuẩn bị trồng rau xanh, đậu phộng, đinh lăng… khiến tôi cứ ngỡ mình đang gặp một “lão nông tri điền”. Mà đâu chỉ có trồng trọt, ông còn khá thành thạo trong việc chăn nuôi, từ gà, vịt, chim bồ câu cho đến nuôi cá. Ông bảo, già rồi cứ quẩn quanh trong nhà cũng chán, ra đây làm trang trại để “vui thú điền viên”, lại có không gian để cuối tuần con cháu tập trung nghỉ ngơi, vui chơi. Tuy nhiên, thỉnh thoảng nhớ nghề, ông xách máy ảnh “trốn” về các làng gần thành phố. Như để minh chứng cho lời nói của mình, ông chỉ về phía góc nhà, nơi để chiếc máy ảnh và chiếc xe máy cũ kỹ đã theo ông hơn 20 năm.

Nhắn nhủ với các phóng viên trẻ, ông cho rằng: Ảnh phản ánh nội dung của sự việc, hiện tượng nên phải cẩn trọng. Khi chụp cũng không nên vội vã, không cần chụp quá nhiều mà phải biết quan sát để chớp được những khoảnh khắc đẹp. Đặc biệt khi tham gia các sự kiện có nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo cấp cao, kinh nghiệm để có tấm hình đẹp là phải tiếp cận gần và quan sát gương mặt, chờ những khoảnh khắc tươi tắn và bấm máy. Theo ông, đội ngũ phóng viên hiện nay, nhất là phóng viên trẻ rất chịu khó đi cơ sở, lại có kỹ thuật nhưng dường như còn “chưa chín” về góc nhìn và cách tiếp cận đối tượng. Vì vậy, để có những bức ảnh nêu bật gương mặt, hành động, tâm tư tình cảm,… phóng viên cần thay đổi “tư duy” và góc máy.

 Phương Dung

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.