Lãnh đạo bằng sự nêu gương, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu chính là giải pháp “đột phá” của công tác xây dựng Đảng hiện nay.
Mới đây, Quy định số 08 của Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ký ban hành ngày 25/10/2018 được đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân rất đồng tình.
Người dân ở TPHCM, hầu hết đều cho rằng đây là chủ trương kịp thời và đúng đắn, phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra trong thời điểm hiện nay.
Với ông Đặng Văn Nghê, ngụ đường Trường Chinh, phường 12, quận Tân Bình, TPHCM thì đây là một chủ trương đúng hướng, được thể hiện trong suốt quá trình triển khai học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đặc biệt, các chỉ thị, Nghị quyết gần đây của Đảng đã chỉ rõ vai trò nêu gương của người đứng đầu, khiến đảng viên, quần chúng nhân dân rất phấn khởi, mong muốn Đảng ta tiếp tục triển khai thật cụ thể nội dung này, có sự giám sát của các tầng lớp nhân dân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ký ban hành Quy định số 08 về trách nhiệm nêu gương |
Ông Đặng Văn Nghê cho rằng khi cán bộ lãnh đạo thật sự nêu gương thì niềm tin với Đảng ngày càng được nâng cao và quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước sẽ phát triển đúng hướng và đạt hiệu quả.
"Tôi thấy chủ trương, Nghị quyết gần đây của Trung ương về gương mẫu là rất rõ, đặc biệt là người đứng đầu như Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương, quy định đó rất đúng hướng. Bởi vì sự lan tỏa, ảnh hưởng của người đứng đầu rất quan trọng, tất cả Nghị quyết, lời nói là định hướng nhưng bằng hành động, hành vi cụ thể, sự nêu gương, minh bạch trong kê khai tài sản, hiệu quả công tác và các mối quan hệ, nếu người đứng đầu càng cao mà càng nêu gương, càng minh bạch thì sự lan tỏa càng rộng, niềm tin của nhân dân đối với Đảng ngày càng tăng", ông Nghê chia sẻ.
“Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” - mỗi đảng viên đứng đầu nói riêng và đảng viên nói chung trước hết phải nói và làm theo Nghị quyết của Đảng, điều lệ Đảng, thực hiện những điều đảng viên được làm và những điều không được làm thì phải tuyệt đối chấp hành, phải nêu gương sáng. Đó là ý kiến của ông Võ Hoàng Thu, 38 năm tuổi Đảng, Phó Ban đại diện Hội Người cao tuổi huyện Bình Chánh, TPHCM khi bày tỏ mong muốn sự nêu gương của người đứng đầu, nhất là cán bộ lãnh đạo cấp cao có sức ảnh hưởng tích cực trong xã hội.
Nêu gương là một vấn đề rất rộng, nhưng người dân thường quan tâm việc chống tham nhũng, chống quan liêu mệnh lệnh, chống xa rời quần chúng. Do đó người đảng viên trước hết phải gắn bó với nhân dân, lắng nghe, sâu sát, gần gũi quần chúng. Đối với Trung ương thì trách nhiệm càng cao thì việc nêu gương càng lớn và càng phải đi đầu, nói đi đôi với làm, làm nhiều nói ít thì người dân mới phục, để góp phần xây dựng Đảng vững mạnh, xây dựng các phong trào quần chúng nhân dân đoàn kết.
Gần đây có những vụ án tham nhũng mà người dân rất quan tâm, liên quan đến cán bộ cấp cao trong Đảng. Hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng dù đã bị xử lý nhưng ít nhiều gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của Đảng, làm giảm sút niềm tin trong nhân dân. Vì vậy, việc Trung ương ra Quy định 08 đối với cán bộ cấp cao nhằm cụ thể thêm một bước các quy định có liên quan về trách nhiệm của công chức, đảng viên, người đứng đầu, góp phần hạn chế thấp nhất, tối thiểu nhất những vi phạm và phải xử lý vi phạm đối với cán bộ Trung ương.
Bà Nguyễn Thị Thu Hường, ngụ đường Tân Hòa Đông, phường 14, quận 6, TPHCM cho rằng, việc nêu gương của người đứng đầu phải được tăng cường thực hiện tốt hơn. Nêu gương ở đây không chỉ là đạo đức mà phải thực hiện cho được tinh thần trách nhiệm, nói như thế nào thì làm như thế, không được hứa suông với dân. Việc nói tới đâu làm tới đó sẽ tạo niềm tin, không chỉ đạt hiệu quả trong thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước mà người dân cũng đặt niềm tin đối với cán bộ. Đảng viên nếu thực hiện tốt việc nêu gương thì chính sách, Nghị quyết của Đảng mới đi vào thực tiễn cuộc sống.
Có thể nói, từ sau Đại hội Đảng lần thứ XII, Đảng ta có nhiều đổi mới trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là đánh mạnh vào nêu gương, phòng chống tham nhũng, đề cao vai trò của người đứng đầu. Đây là một bước đổi mới thực sự trong phong cách lãnh đạo của Đảng nhằm tiến tới xây dựng cho được đội ngũ cán bộ lãnh đạo vừa hồng vừa chuyên như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.
Người xưa có câu “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”, đó là hệ quả tất yếu trong ứng xử của xã hội. Lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng không phải chỉ từ sách vở, không chỉ bằng lời nói mà chính là qua tấm gương của người lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu.
Ngọc Xuân/VOV-TPHCM