(GLO)- Trong lúc khắp nơi đang chuẩn bị mọi thứ cho Tết cổ truyền của dân tộc thì bà con dân tộc Ca Dong ở vùng núi Ngọc Tem (huyện Kon Plông, Kon Tum) tất bật tổ chức lễ Ting Dok (Tết Khỉ) mừng mùa màng bội thu.
Qua lời kể về một nghi lễ liên quan đến con vật của năm Bính Thân là những chú khỉ tinh nghịch hiện được người Ca Dong lưu giữ. Vượt hơn trăm cây số vào tận vùng núi Ngok Tem, chúng tôi tận thấy nét độc đáo trong Tết Khỉ của người dân nơi đây.
Nhà rẫy của người Ca Dong. Ảnh: N.G |
Tiếp chuyện chúng tôi, anh A Đing-người dân sống tại thôn 8 cho biết: “Cả thôn mình đang chuẩn bị tổ chức lễ Ting Dok, nên mọi người tìm mua các thứ về trang trí, dọn dẹp nhà cửa. Bây giờ thôn mình nhộn nhịp lắm rồi, nhà nào cũng rộn ràng nấu rượu ghè, làm bánh…”.
Tạt vào một quày hàng gần xã, lân la hỏi thêm về Ting Dok-Tết Khỉ, thì ông Đinh Hồng Mô (48 tuổi) ở thôn 9 kể: “Tết Khỉ hay còn gọi là Tết ăn lúa về kho của người dân tộc thiểu số Ca Dong nơi đây. Giống như Tết Nguyên đán, Tết Khỉ là ngày lễ đặc biệt trong năm của người Ca Dong mình. Khi Tết Khỉ diễn ra cũng đồng nghĩa với năm mới bắt đầu đấy”.
Nấu rượu cần. Ảnh: N.G |
Nói là Tết truyền thống nhưng ở mỗi thôn, làng lại tổ chức không cùng một lúc mà phụ thuộc vào thời điểm thu hoạch lúa xong. Qua tìm hiểu, cứ đến khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12 Dương lịch, già làng và trưởng thôn sẽ theo dõi tiến trình thu hoạch lúa ở thôn mình. Sau khi kiểm tra nếu thấy trong mỗi làng, ai nấy đã cắt hết lúa trên rẫy, cho lúa vào kho thì cũng là lúc già làng tổ chức họp làng thống nhất thời gian tổ chức Tết Khỉ. Năm nay, thôn 7 và thôn 8 thu hoạch lúa mùa xong sớm nên hai thôn này đang tất bật chuẩn bị đầy đủ các lễ vật cúng theo nghi lễ xưa.
Gần 2 giờ vượt qua các đồi dốc chúng tôi đến được thôn 8. Vừa bước vào thôn, hình ảnh ban đầu ghi nhận được chính là không khí nô nức của người dân nơi đây. Nhà nào cũng tất bật, mỗi người một việc, người quét nhà, chỉnh trang lại một số đồ đạc, người thì tranh thủ đi hái lá chuối, lá dong gói bánh ốc (một loại bánh làm bằng nếp không thể thiếu trong Tết Khỉ)... “Mỗi năm có một lần thôi nên ai nấy đều chuẩn bị thật tốt. Rượu cần được nấu từ men gạo ngon, bánh ốc cũng phải được làm từ gạo dẻo, tất cả lễ vật làm ra để báo với Yàng vụ mùa đã xong”-già làng Đinh Bay (61 tuổi) sống tại thôn 8 cho biết.
Chòi đựng thóc. Ảnh: N.G |
Giống như Tết Nguyên đán, lễ Ting Dok cũng là dịp đoàn tụ gia đình. Trong ngày vui này, ai đi học, đi làm hoặc lập gia đình ở xa đều tranh thủ tụ họp về nhà, cùng tham dự ngày lễ lớn của làng. Đinh Bay phấn khởi: “Hai ngày nữa cả làng đón Tết, nhưng các con ở xa đã tụ họp về hết rồi đấy. Cả năm, khi tổ chức lễ Ting Dok nhà mình mới đông vui, nhộn nhịp như thế này”. Không chỉ cùng vợ về ăn Tết, năm nay anh Đinh Tỏi (26 tuổi) con của già Đinh Bay bắt vợ và sống ở Bắc Trà Mi-Quảng Nam, còn mời cả bố mẹ vợ ở xa về cùng dự lễ lớn với gia đình.
Sau một thời gian chuẩn bị thì thôn 7, thôn 8 cũng lần lượt vào nghi lễ chính Ting Dok. Nếu như người Kinh cúng Giao thừa trong Tết Nguyên đán thì người Ca Dong cúng Yàng trong Ting Dok. Sáng sớm, mỗi nhà chuẩn bị một con gà đen và dùng tiết đó để rảy vào kho lúa mới. “Đấy là làm phép kho lúa. Chỉ có gà đen mới đem lại may mắn trong mùa sau. Nếu dùng loại gà khác là trái với phép, sang năm mùa màng sẽ mất thu đấy! Nay vì gà đen rất ít nên nhiều gia đình đã bỏ qua bước này”-ông A Hương-một người dân ở thôn 7 giải thích.
Bánh ốc. Ảnh: N.G |
Lễ chính tiếp tục với việc người phụ nữ có uy tín của thôn lấy lúa mới trong kho đi giã. Theo quan niệm của người Ca Dong, đàn bà, con gái là người thường xuyên nấu nướng, tượng trưng cho đầy kho thóc, no ấm nên trong Tết Khỉ, chỉ có phụ nữ, con gái mới được lấy lúa. Trong lúc phụ nữ giã gạo nấu cơm thì các thành viên khác cùng nhau lên rẫy lúa lấy thêm nhiều loại rau, củ. Ngoài nghi thức cúng Yàng để cầu bình an và gửi kho thóc cho Yàng khỉ, người Ca Dong cũng có nghi lễ buộc chỉ cổ tay (như người Lào) để trao may mắn cho người thân trong gia đình.
Cơm mới và thức ăn đã sẵn sàng, từng gia đình sẽ tổ chức cúng Yàng. Theo đó, người đàn ông trụ cột trong nhà sẽ đặt thức ăn rồi khấn, mời Yang ăn cơm lúa mới; cảm ơn Yàng đã phù hộ cho mùa màng tươi tốt và cầu xin Yàng phù hộ sức khỏe, bội thu trong vụ mùa sau. Rồi cả gia đình sẽ quây quần bên nhau cùng ăn cơm lam, uống rượu cần và kể cho nhau nghe những câu chuyện vui.
Dù không phải là khách mời nhưng khi đến, chúng tôi đều được các gia chủ tiếp đón rất nồng nhiệt. Trong không khí ấm cúng bên bếp lửa, chúng tôi cùng với từng gia đình uống rượu cần, ăn cơm lam, bánh ốc.
Nguyễn Giác