(GLO)- Sau 3 năm đi vào hoạt động, Trường THPT Dân tộc Nội trú Đông Gia Lai đã và đang khẳng định vị trí quan trọng trong việc đào tạo học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số các huyện phía Đông và Đông Nam tỉnh. Tuy nhiên, có một nghịch lý là đến nay, trường vẫn chưa xét tuyển được học sinh nào tại thị xã An Khê-ngoài một trường hợp được đặc cách nhưng hiện đã không còn theo học.
Thị xã An Khê có điều kiện kinh tế-xã hội phát triển hơn so với các huyện lân cận. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là trên địa bàn không còn những học sinh người dân tộc thiểu số ở các làng vùng sâu, vùng xa đời sống còn khó khăn, nguy cơ bỏ học giữa chừng luôn hiện hữu. Trường THPT Dân tộc Nội trú Đông Gia Lai đứng chân ngay tại địa bàn thị xã An Khê, là một trong những trường nội trú có quy mô, được đầu tư bài bản bậc nhất của tỉnh hiện nay. Vậy nhưng, suốt 3 mùa tuyển sinh, chưa có trường hợp con em đồng bào dân tộc thiểu số nào ở An Khê đủ điều kiện để được xét tuyển vào học tại trường.
Học sinh Trường THPT Dân tộc Nội trú Đông Gia Lai. Ảnh: L.H |
Trao đổi với chúng tôi, thầy giáo Hà Hữu Phúc-Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc Nội trú Đông Gia Lai, chia sẻ: Nguyên nhân tình trạng này là bởi xét theo tiêu chí tuyển sinh của các trường nội trú do Bộ Giáo dục-Đào tạo quy định thì điều bắt buộc là học sinh phải tốt nghiệp trường nội trú cấp THCS mới được xét tuyển vào các trường THPT nội trú. Trong khi đó, thị xã An Khê lại không có trường THCS nội trú. Con em đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại An Khê hoặc phải lên học nhờ tại Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Đak Pơ, hoặc theo học tại các trường THCS công lập bình thường khác. Do vậy, theo tiêu chí tuyển sinh, các em này đều không đủ điều kiện được xét vào học tập tại trường.
“Hai năm học trước, không có trường hợp học sinh nào tại An Khê đủ điều kiện xét tuyển vào học tại trường. Năm học 2016-2017, do có một học sinh chuyển đi nơi khác và sau khi xem xét, xin ý kiến của ngành chủ quản, mới có một em học sinh người dân tộc thiểu số tại An Khê là Đinh Thị Dư (xã Song An) được vào học thay cho em học sinh đã chuyển trường. Đây chỉ là trường hợp đặc biệt, còn đúng theo tiêu chí, em Dư cũng không thuộc diện được xét tuyển”-thầy Phúc chia sẻ. Điều đáng buồn là mặc dù nhận được sự ưu ái nhưng em Dư hiện cũng không còn theo học tại trường nữa.
Năm học 2016-2017, Trường THPT Dân tộc Nội trú Đông Gia Lai tuyển sinh 400 học sinh tại 7 huyện phía Đông và Đông Nam tỉnh, bao gồm: Đak Pơ, Kbang, Kông Chro, Ia Pa, Krông Pa, Phú Thiện và Mang Yang. Kết thúc học kỳ I, tổng số học sinh của trường còn 396 em, trong đó học sinh khá giỏi đạt 34,8%. |
Trường đóng tại địa bàn nhưng con em đồng bào dân tộc thiểu số thị xã An Khê lại không được theo học tại ngôi trường có điều kiện tốt, mà lý do không thuộc về phía các em. Thực tế vẫn còn rất nhiều học sinh người dân tộc thiểu số trên địa bàn có hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng vẫn muốn được đến trường. “Vấn đề trên, trường và ngành chuyên môn, lãnh đạo địa phương rất trăn trở và từng nhiều lần ngồi lại bàn bạc, thống nhất để tìm phương án hợp lý giúp các em. Tuy nhiên, đây là quy định của Bộ Giáo dục-Đào tạo nên địa phương và nhà trường không thể làm khác được. Chúng tôi rất mong Sở Giáo dục-Đào tạo, UBND tỉnh sớm cho nhà trường một chủ trương linh động để có thể được tuyển sinh những học sinh người dân tộc thiểu số tại địa bàn An Khê”-thầy Phúc bày tỏ.
Hy vọng rằng, ngành chủ quản và chính quyền địa phương sẽ sớm chung tay cùng thị xã An Khê, Trường THPT Dân tộc Nội trú Đông Gia Lai tìm ra giải pháp cho vấn đề này, giúp con em đồng bào dân tộc thiểu số ở An Khê có cơ hội được học tập, rèn luyện trong ngôi trường có nhiều thuận lợi.
Lê Hòa