Nghèo khó trên đất đai phì nhiêu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Chính sách đất đai còn nhiều hạn chế dẫn đến khó tích tụ đất để tổ chức sản xuất lớn, gia tăng giá trị và cải thiện đời sống nông thôn
Diễn đàn nông nghiệp 2019 với chủ đề "Chính sách đất đai và sự phát triển nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế" do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) với sự hỗ trợ của tổ chức Oxfam Việt Nam được tổ chức ngày 24-10 tại Hà Nội.
Năng suất sử dụng đất thấp
Đề cập đến chính sách đất đai tại diễn đàn, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, cho rằng chủ trương tích tụ và tập trung ruộng đất được đặt ra từ nhiều năm qua nhưng kết quả thực hiện không đạt được mục tiêu kỳ vọng. "Một trong những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là thị trường đất nông nghiệp chưa phát triển do các bất cập trong chính sách đất nông nghiệp hiện hành" - ông Thành nêu.
Có cùng nhận định về vướng mắc chính sách, TS Trần Công Thắng, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nhìn nhận dù quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ nhưng diện tích đất nông nghiệp vẫn còn rất lớn, nhất là đất lúa, thu nhập từ canh tác trên đất nông nghiệp vẫn thấp. Theo ông Thắng, diện tích đất bình quân hiện nay chỉ ở mức dưới 0,5 ha/hộ, việc tích tụ chưa được như kỳ vọng nên năng suất sử dụng đất cũng rất kém, chỉ khoảng 1.000 USD/ha, tương đương với Lào và chỉ bằng một nửa Philippines, thậm chí là bằng 1/3 của Indonesia và Thái Lan.
TS Trần Công Thắng nhấn mạnh rào cản chính sách trong tích tụ và tập trung đất trong nông nghiệp nằm ở hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quy định tại Luật Đất đai năm 2013. Ví dụ, người có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất lại không được nhận chuyển quyền vượt hạn mức cho phép, khiến nhiều trường hợp như bị "trói tay" bởi chính sách.
Bên cạnh đó, mức thuế và phí liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp bị áp chung như các bất động sản khác. "Đặc biệt, doanh nghiệp tư nhân trong nước không được giao đất có thu tiền sử dụng đất nông nghiệp mà chỉ được thuê đất để đầu tư sản xuất nông nghiệp. Hơn nữa, quyền tài sản đối với đất nông nghiệp chưa được bảo đảm như các loại đất khác" - ông Thắng chỉ rõ.
 
Sản xuất nhỏ, hiệu quả thấp nên đời sống nông dân còn rất khó khăn. Ảnh: NGỌC TRINH
Tăng quy mô sản xuất
Từ quá trình khảo sát sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm với cây điều ở tỉnh Bình Phước, TS Hoàng Thị Thu Huyền, Giám đốc Trung tâm Kinh tế học (Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ), chỉ ra rằng yếu tố cần thiết đầu tiên để sản xuất theo chuỗi giá trị chính là quy mô sản xuất phải đủ lớn. Do đó, vấn đề tích tụ, tập trung đất đai nông nghiệp hiện nay có ý nghĩa hết sức quan trọng. "Trong bối cảnh cạnh tranh của ngành hàng nông sản ngày càng gay gắt hơn, cùng với các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, thì vấn đề quy mô sản xuất càng phải được quan tâm hơn" - bà Huyền nói.
Bà Hoàng Thị Thu Huyền dẫn chứng kết quả khảo sát ở Bình Phước cho thấy diện tích cây điều hiện nay của tỉnh dao động từ khoảng 134.000 - 180.000 ha nhưng diện tích điều nhỏ, manh mún vẫn chiếm phần lớn khi có tới hơn 77.600 hộ trồng phân tán. Chính đặc điểm này đã làm cho cây điều khó phát triển như kỳ vọng.
Để đất đai trở thành động lực cho phát triển nông nghiệp, sản xuất theo chuỗi giá trị, TS Trần Công Thắng đề xuất bỏ hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, quy định và giám sát chặt chẽ diện tích tối thiểu để tránh tách thửa gây manh mún ruộng đất. Đồng thời, giảm thuế, phí liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp để tăng cường chính thức hóa giao dịch đất nông nghiệp.
Ông Thắng cho rằng một giải pháp cần đặc biệt quan tâm là có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các khu, cụm hoặc trung tâm công nghiệp - dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp thông qua việc thuê đất nông nghiệp hoặc liên kết với trang trại, hợp tác xã. "Xây dựng chính sách hỗ trợ các cá nhân đăng ký làm trang trại, gia trại tích tụ đất nông nghiệp; hỗ trợ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuê đất nông nghiệp của các hộ nông dân…" - ông Thắng kiến nghị.
Minh Chiến (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.