Nghệ sĩ blouse trắng - Kỳ 2: Nhạc sĩ của bệnh nhân tâm thần

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nguyên giám đốc Bệnh viện Tâm thần trung ương II, phó viện trưởng Viện Giám định pháp y tâm thần trung ương, hiện là trưởng khoa y dược Trường ĐH Văn Lang. Trong suốt sự nghiệp, thầy thuốc nhân dân Nguyễn Thọ đã sáng tác khoảng 100 ca khúc.
PGS.TS Nguyễn Thọ - nhạc sĩ của bệnh nhân tâm thần - Ảnh: QUANG ĐỊNH
PGS.TS Nguyễn Thọ - nhạc sĩ của bệnh nhân tâm thần - Ảnh: QUANG ĐỊNH
"Tôi tưởng lấy anh cho lành manh áo
Chứ lấy anh rồi tôi bán áo cưới anh
Gió đưa bụi chuối sau hè
Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ".
Không ai ngờ rằng các ca từ đẫm chất tự sự ấy lại được cất lên đầy ngẫu hứng bởi giọng ca của một nữ bệnh nhân tâm thần.
Hát nơi "ý thức đi vắng"
Quả thật là một kỳ tích, bởi trước đó bệnh nhân này được đưa vào bệnh viện điều trị tâm thần khi vừa trải qua một "cú sốc" hôn nhân nghiệt ngã. Người có công giúp bệnh nhân này trở lại là "chính mình" không ai khác ngoài bác sĩ Nguyễn Thọ.
Khoảng 50 năm nước, khi còn là sinh viên Trường ĐH Quân y (Học viện Quân y bây giờ), chàng trai Nguyễn Thọ khá nổi khi cùng hai người bạn sáng tác ca khúc Tuổi 20 cho trường.
Bài hát sau đó được nhạc sĩ Vũ Trọng Hối (cán bộ sáng tác Phòng văn nghệ Quân đội) thẩm định và gây được tiếng vang tại nhiều hội diễn văn nghệ của trường. Từ một "tay" mê nghe nhạc, chàng trai ngành y bắt đầu bén duyên sáng tác nhạc từ đó.
Ra trường, cơ duyên đưa ông gặp cố PGS.TS Lê Hải Chi, nguyên chủ nhiệm khoa tâm thần Viện Quân y 108. Từ đó, ông bắt đầu được tiếp cận với liệu pháp âm nhạc dùng điều trị cho bệnh nhân tâm thần.
Thế nhưng phải mãi đến năm 2000, khi về quản lý Bệnh viện Tâm thần trung ương II (Đồng Nai), ông mới có cơ hội "hiện thực hóa" việc áp dụng liệu pháp âm nhạc điều trị bệnh nhân tâm thần - điều mà lúc bấy giờ ở Việt Nam còn quá mới mẻ.
"Âm nhạc là cuộc chơi của cảm xúc, luôn có sự lôi cuốn. Chỉ trừ các bệnh nhân thể cấp tính, còn lại khi trạng thái ổn định được sử dụng âm nhạc có thể thấy được cảm xúc dồn nén về gia đình, tình yêu, kinh doanh bên trong người bệnh mà lúc bình thường họ không bao giờ chia sẻ" - bác sĩ Thọ chia sẻ.
Không "rập khuôn" máy móc theo các nước, các liệu pháp âm nhạc của ông áp dụng đều là sản phẩm mang đặc trưng văn hóa vùng miền, với các đặc sản "cây nhà lá vườn" như hòa tấu nhạc cụ Tây Nguyên, hát ứng tác hò Nam Bộ, âm nhạc với múa, vẽ, tập thể dục nhịp điệu...
Tùy vào loại hình, các bệnh nhân được chia nhóm để hướng dẫn cách hát và cách sử dụng các nhạc cụ cá nhân như tre, nứa, gỗ, bộ gõ, đàn dây, kèn đồng, trống, guitar, harmonica... Nhờ đó mà bác sĩ dễ dàng theo dõi diễn biến của người bệnh từ sự tuân thủ, ứng xử, các biểu hiện bất thường, và đưa ra can thiệp phù hợp.
Để một người bị bệnh tâm thần có thể chơi nhạc là điều "không tưởng". Bác sĩ Thọ nói đó là cả một hành trình gian nan, đòi hỏi các bác sĩ phải kiên trì thuyết phục, thậm chí "chiều chuộng" bằng việc phát phiếu uống nước, ăn bánh như... con nít.
"Lúc mới áp dụng hầu hết bệnh nhân đều có tâm lý khó chịu, căng thẳng, thậm chí chống đối bác sĩ, đòi bỏ cuộc. Các trục trặc kỹ thuật như hát sai nhịp điệu, hát nhanh, hát lạc giọng thường xuyên xảy ra khiến việc tập đi tập lại rất nhiều lần. Nhưng khi vào khuôn khổ họ trở nên cởi mở, cười nhiều hơn và các buổi tập trở nên hứng khởi hơn" - bác sĩ Thọ chia sẻ.
Sau những ngày tập luyện mướt mồ hôi, những người bệnh có hẳn một sân chơi để "thi thố" tài năng với đa dạng các tiết mục đơn ca, song ca, tốp ca, hợp ca, hợp xướng. Ở đó, từ dàn nhạc đến ca sĩ đều là người bệnh tâm thần.
Bằng liệu pháp âm nhạc của bác sĩ Nguyễn Thọ, nhiều bệnh nhân tâm thần đã tìm lại chính mình - Ảnh: NVCC
Bằng liệu pháp âm nhạc của bác sĩ Nguyễn Thọ, nhiều bệnh nhân tâm thần đã tìm lại chính mình - Ảnh: NVCC
Tìm lại chính mình
"Với âm nhạc, họ tìm về đúng con người của chính mình. Và nhờ âm nhạc giúp họ phục hồi được các chức năng về cảm xúc, trí nhớ và thay đổi hành vi, nhận thức bị lãng quên. Phương pháp hòa tấu nhạc cụ Tây Nguyên là một sáng tạo độc đáo của bệnh viện, giải thoát nhiều người khỏi bệnh tâm thần" - bác sĩ Thọ chia sẻ.
Bằng việc cải tiến cây đàn T’Rưng và K’lôngput, bác sĩ Thọ cùng với êkip của mình tạo ra một dàn nhạc với Hoàng "mi", Trang "đô", Quân "fa", Thảo "sol"...
Từ những người không biết gì về nhạc, các nghệ sĩ "tâm thần" gây kinh ngạc cho nhiều người xem khi biểu diễn đầy ngẫu hứng một cách nhuần nhuyễn các nhạc phẩm khó như Tiếng chày trên sóc Bom Bo, Sông Đắk K’rông mùa xuân về, Cô gái vót chông, Trống cơm...
Từ liệu pháp âm nhạc, nhiều người bệnh tưởng rằng mãi ngây dại đã tỉnh táo về với đời thường. Với bác sĩ Thọ, mỗi bệnh nhân ông từng tiếp xúc là một câu chuyện đầy éo le, nghịch cảnh...
Từ một cô gái xinh đẹp, học giỏi, H.T.H.T. (20 tuổi, quê Phú Yên) rơi vào tình trạng rối loạn cảm xúc giai đoạn trầm cảm sau biến cố cha mẹ ly thân. Dè dặt, ít giao tiếp, thường biểu lộ vẻ buồn rầu và đặc biệt hay khóc lóc là "đặc trưng" của T. khi vào bệnh viện.
Suốt 5 tháng tham gia dàn nhạc hòa tấu, T. trở thành con người hoàn toàn khác. Vui vẻ, yêu đời và cởi mở giao lưu với các đồng bệnh trong dàn nhạc.
"Em từng có một lần tự tử vì quá buồn chán nhưng mẹ kịp thời phát hiện đưa đi cấp cứu. Vào đây, em mới biết còn rất nhiều bạn khổ hơn em nhiều. Bây giờ em nhớ mẹ, muốn trở về để đỡ đần mẹ". Và chỉ sau hai năm, cô gái T. đã thực hiện được giấc mơ của mình.
Trong những bệnh nhân tìm lại chính mình, có lẽ trường hợp của L.H.P. (31 tuổi, ngụ Q.8) là đặc biệt hơn cả. Cha mẹ ly dị từ lúc P. còn nhỏ, buộc cậu bé phải sống với cô chú.
Sống cảnh "ăn nhờ ở đậu" không được ai uốn nắn, P. giao du với thanh niên xấu rồi hư hỏng, nghiện rượu và bị tâm thần lúc nào không hay.
"Ít ngủ hoặc không ngủ, cười vô duyên vô cớ, nói nhiều, nói không rõ nội dung, bỏ nhà đi lang thang, tác phong bê tha, thường xuyên say rượu ngủ ngoài công viên hoặc hè phố", mới 31 tuổi nhưng P. có lý lịch trích ngang khiến ai nghe đều khá "sốc".
Trong những ngày lang bạt đầu đường xó chợ ấy, P. chỉ có duy nhất điểm tích cực là "biết chơi đàn organ một cách không bài bản". Từ một cuộc đời tưởng hết đường cứu, suốt 9 tuần với 26 buổi trị liệu bằng âm nhạc, chàng trai khiến các bác sĩ vô cùng ngạc nhiên.
Tuần thứ 7 anh đã tự biểu diễn toàn bộ bản nhạc Maman oh maman với phong thái khoan thai, vui vẻ, miệng luôn cười tươi trước sự chứng kiến của "khán giả".
Chẳng bao lâu, anh còn bỏ được thuốc, chú ý đến trang phục của mình nhiều hơn khi tay đeo đồng hồ, ngón tay đeo nhẫn inox.
"Em đang cố gắng từ bỏ cả thuốc và rượu. Từ bỏ các chất kích thích em thấy trong người khỏe hơn, cuộc sống ý nghĩa hơn nhiều" - P. tâm sự. Với P., học đàn bây giờ không chỉ để thoát khỏi căn bệnh đeo bám bấy lâu nay mà mang đến cho anh giấc mơ thật đặc biệt - giấc mơ làm nhạc sĩ.
Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Thọ - nguyên giám đốc Bệnh viện Tâm thần trung ương II, nguyên phó viện trưởng Viện Giám định pháp y tâm thần trung ương. Ông là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Hiện ông đang là trưởng khoa y dược Trường ĐH Văn Lang.
Trong suốt sự nghiệp, ông sáng tác khoảng 100 ca khúc. Một số ca khúc được giải thưởng gồm Hương đêm bệnh viện, Biên Hòa quê tôi, Thăm chiến khu xưa, Hợp xướng tuổi 20, Giữ lại sự sống từng phút giây.
Ông là tác giả cuốn sách Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý, âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần xuất bản năm 2009.

"Nghe nhạc riết, một ngày tôi chợt nghĩ sao mình không thử viết một bài nhỉ?". Và từ đó vị bác sĩ trẻ bắt đầu lấn sân vào con đường sáng tác âm nhạc.

>> Kỳ tới: Một bước vào showbiz
Theo HOÀNG LỘC (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.