Giờ đây, làng Đăk Wơ Yốp (xã Hơ Moong, H.Sa Thầy, Kon Tum) đã trở thành một làng văn hóa kiểu mẫu của tỉnh Kon Tum.
|
Bờ sông Pô Kô, nơi người dân Đăk Wơ Yốp từng dựng lều, lẩn trốn cán bộ ẢNH: ĐỨC NHẬT |
Nhiều năm về trước, tin theo lời kẻ xấu, hàng chục hộ dân làng ở Đăk Wơ Yốp bị ảnh hưởng bởi lòng hồ thủy điện đã từ chối đến khu tái định cư, từ chối những chính sách, hỗ trợ của nhà nước. Sau nhiều năm vận động không ngừng nghỉ của các cấp chính quyền địa phương, người dân đã tỉnh ngộ, không còn tin lời kẻ xấu, bắt tay vào ổn định cuộc sống. Không chỉ vậy, giờ đây họ đã xây dựng khu tái định cư thành một trong những làng văn hóa kiểu mẫu của tỉnh Kon Tum.
Bước đi sai lầm
Dưới cơn mưa tầm tã, làng Đăk Wơ Yốp vẫn sáng bừng lên bởi rực rỡ cờ hoa. Đây là một làng văn hóa kiểu mẫu của tỉnh Kon Tum. Đặt chân đến Đăk Wơ Yốp hôm nay chẳng ai ngờ được trước đó nó từng là vùng đất của tà đạo. Những người dân bản địa tin theo tà đạo đã chối bỏ tất cả những chính sách, hỗ trợ của nhà nước, để rồi họ dựng chòi, sống tạm bợ ven sông như những người tiền sử.
Theo ông Mai Nhữ Nam, Chủ tịch UBND xã Hơ Moong, làng Đăk Wơ Yốp hôm nay có 87 hộ và đã trở thành làng điển hình về phát triển kinh tế của xã, là làng văn hóa kiểu mẫu của tỉnh. Người dân ở đây ngoài trồng cây công nghiệp, còn có nghề đánh bắt cá ở lòng hồ thủy điện. Từ khi từ bỏ tà đạo Hà Mòn, từ người già cho đến các thanh niên trong thôn đều lo làm ăn, phát triển kinh tế cho gia đình. Nhờ đó, tình hình an ninh trật tự luôn được đảm bảo. |
Chúng tôi ghé thăm căn nhà nằm ở cuối làng của già làng A Nui (57 tuổi). Nghe có khách đến chơi, ông A Phung (60 tuổi), thầy thuốc của làng, cũng tìm đến trò chuyện. Những cái bắt tay, những lời hỏi han sức khỏe, công việc… rôm rả quanh bếp lửa hồng.
Bên chén trà đãi khách, già A Nui kể, năm 1999, xã Hà Mòn (H.Đăk Hà) xuất hiện một tôn giáo mới và thu hút rất nhiều người gia nhập. Tôn giáo này thường hay xuyên tạc các chính sách đại đoàn kết dân tộc, kích động người dân chống lại chủ trương của Đảng, Nhà nước. Cũng bởi những tác động tiêu cực mà sau đó tôn giáo này có tên gọi là tà đạo Hà Mòn.
Làng Đăk Wơ Yốp trước đây thuộc xã Hà Mòn. Năm 2005, dự án thủy điện Pleikrong bắt đầu được triển khai. Việc xây dựng thủy điện sẽ khiến đất đai, nhà cửa của người dân ở khu vực này bị ảnh hưởng. Bởi vậy làng Đăk Wơ Yốp phải di dời về khu tái định cư và nhập vào xã Hơ Moong.
Lợi dụng việc xây dựng thủy điện, những kẻ cầm đầu tà đạo Hà Mòn đã nhỏ to xúi giục người dân không hợp tác với chính quyền địa phương. Cũng bởi vậy dù được nhà nước cấp đất, xây nhà, đền bù tiền nhưng cả làng Đăk Wơ Yốp đều từ chối. Dọc bờ sông Pô Kô, 42 căn lều như chòi vịt được dựng lên, tạm bợ và hoang tàn.
“Nghe theo tà đạo cả làng xuống bờ sông dựng chòi ở, không nhận nhà tái định cư của nhà nước. Chòi được dựng bằng cây rừng rồi lấy cỏ tranh che lại. Mỗi lúc trời mưa là cả nhà ở trong chòi ướt hết. Cứ hôm nào thấy bóng cán bộ đến là đàn ông chèo thuyền ra giữa sông. Đàn bà với con nít ở trong chòi giả điếc hoặc không hiểu tiếng phổ thông nên không tiếp chuyện. Khi nào cán bộ đi rồi đàn ông mới quay về”, già Nui nhớ lại.
|
Cổng làng Đăk Wơ Yốp |
Sinh con dưới gốc le
Cả làng Đăk Wơ Yốp đi theo tà đạo, chấp nhận cuộc sống tách biệt với xã hội, quyết không nghe cán bộ tuyên truyền.
“Cả làng cứ sống như bầy thú trên rừng. Tất cả những đứa bé hồi đó đều được sinh ra trong các bụi le, gốc cây, chứ không có ai đỡ đẻ. Để có cái ăn, mọi người đi bẻ măng, hái rau rừng, đánh cá. Những lúc mưa lớn, nước sông dâng lên dân làng bồng bế, dắt díu nhau chạy lên chỗ cao hơn để tránh nước lũ. Cuộc sống khổ cực lắm, nhưng lúc ấy cả làng u mê chỉ tin theo tà đạo, không ai tin cán bộ cả”, già A Nui ngậm ngùi kể.
Sau này, để tránh mưa lũ dân làng mới di dời về ở gần khu tái định cư, tuy nhiên người dân vẫn lảng tránh giao tiếp với người lạ và đặc biệt là cán bộ. Việc tiếp cận với người dân thôn Đăk Wơ Yốp lúc bấy giờ là nhiệm vụ khó khăn nhất của chính quyền địa phương.
Tiếp lời A Nui, ông A Phung tâm sự rằng, đến giờ ông vẫn không hiểu vì sao ngày ấy làng mình chối từ sự giúp đỡ của nhà nước để sống cuộc sống như người rừng. Dù không có cơm ăn, cuộc sống cực khổ nhưng mọi người vẫn u mê mà tin tưởng và đi theo tà đạo.
Việc trốn chạy cứ thế tiếp diễn cho đến một ngày, người em họ của ông A Phung từ làng khác đến xin thuốc chữa đau bụng. Nhìn thấy hoàn cảnh của ông A Phung, người này mới hỏi sự tình. Ông A Phung đem hết sự tình ra kể cho em nghe. Thương gia đình A Phung đói cái ăn, các cháu không được học hành, người em họ tìm cách khuyên nhủ A Phung không trốn chạy nữa. Khi thấy A Phung đã xuôi lòng, người em họ liền gọi điện thông báo cho cán bộ xã. Ngay lập tức, Chủ tịch xã Hơ Moong liền tìm gặp ông A Phung thuyết phục.
|
Già làng A Nui (trái) và thầy thuốc A Phung kể về những tháng ngày lầm lạc |
Đăk Wơ Yốp bừng tỉnh
Ông A Phung kể: “Nghe em họ khuyên nhủ, mình như tỉnh cơn mê và đồng ý gặp cán bộ xã. Cán bộ nói chuyện chân tình và cởi mở nên mình cũng dần tin tưởng. Thời gian sau đó, mình không chạy trốn cũng không ngại gặp cán bộ nữa. Mình bắt đầu nhận gạo, thuốc được cấp. Mặt khác mình tìm đến già làng bàn chuyện. Nghe mình nói rõ lợi hại, già làng cũng xuôi lòng và muốn chấm dứt quãng đời cực khổ”.
Có sự trợ giúp đắc lực của già làng và thầy thuốc, cán bộ xã đã có thể tiếp cận gần hơn với dân làng. Thay vì lẩn tránh, người dân cũng dần quen với việc cán bộ xã ngủ lại nhà mình sau khi vận động. Nhiều cuộc họp dân bắt đầu được tổ chức. Cán bộ xã nói rõ, mỗi hộ khi chuyển về nơi ở mới sẽ được cấp vườn cà phê, xây nhà, được chính quyền hỗ trợ thủ tục làm hộ khẩu, khai sinh, chứng minh nhân dân, bảo hiểm y tế và các chế độ, chính sách cho con cái đi học. Nhiều hộ dân ưng bụng và về khu tái định cư ngay sau đó.
Tuy nhiên vẫn còn nhiều hộ gia đình không tin vào chính sách hỗ trợ. Họ bị kẻ xấu xúi giục, kích động. Lợi dụng việc một ngôi nhà trong khu tái định cư bị sét đánh, kẻ xấu liền bịa đặt đó là dấu hiệu cảnh báo. Nếu ai vào ở nhà do cán bộ xây sẽ bị trời trừng phạt. Tin lời, nhiều hộ dân không dám vào khu tái định cư sinh sống. Họ tiếp tục dựng chòi tá túc ở bìa rừng.
“Mình, già Nui thường dắt cán bộ đến vận động những gia đình này. Mình nói rất nhiều, nếu họ không nghĩ cho mình thì phải thương lấy các con. Ít nhất phải để con được khám bệnh, được no cái bụng, được học cái chữ. Dần dần, thấy những hộ khác có cái ăn, cái mặc, họ cũng bắt đầu lung lay và chuyển dần ở khu tái định cư”, ông A Phung kể.
Năm 2012, các đối tượng cầm đầu của tà đạo Hà Mòn lần lượt bị bắt. Các đoàn công tác liên tục đến tuyên truyền, vận động người dân không ngừng nghỉ. Mưa dầm thấm lâu, đến giữa năm 2014, cái bụng người dân đã hiểu được tấm lòng cán bộ. Họ nhận ra sự lầm đường lạc lối của mình khi đi theo tà đạo và trở về xây dựng cuộc sống bình thường như trước. Đăk Wơ Yốp được trả về với sự bình yên vốn có.
Ông Mai Nhữ Nam, Chủ tịch UBND xã Hơ Moong, cho biết để người dân từ bỏ tà đạo, trở về ổn định cuộc sống là cả quá trình làm việc kiên trì của các cấp ngành tại địa phương. Khi các gia đình không có gì ăn, cán bộ mang gạo đến tận nhà. Khi có người ốm đau, cán bộ đem thuốc đến chạy chữa.
“Với phương châm “3 bám, 4 cùng”, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến xã cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng học tiếng với bà con; bám địa bàn, bám đối tượng và bám vào người dân để tuyên truyền. Đặc biệt là tuyên truyền cho bà con nhận thức được âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng chống phá, trong đó có tà đạo Hà Mòn để họ không mắc mưu kẻ xấu”, ông Nam nói.
Chia tay chúng tôi, già A Nui cứ khoe mãi về nguồn thu hơn 30 triệu đồng mỗi năm từ vườn cà phê được cấp. Còn nghề bắt cá trên lòng hồ thủy điện cũng đem lại cho gia đình ông thu nhập hơn 200.000 đồng mỗi ngày. 4 người con của ông đã trưởng thành và lập gia đình. Riêng đứa con út được sinh ra ở bụi le ngày nào giờ đã sắp thành người lớn.
Một thời tăm tối đã qua, giờ đây Đăk Wơ Yốp đã khác.
Theo Đức Nhật (Thanh Niên)