Mưa lũ ở miền Trung đã làm 13 người chết và mất tích. Tình hình ngập lụt đặc biệt nghiêm trọng diễn ra tại nhiều địa bàn thuộc các tỉnh Bình Định; Phú Yên; Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đak Lak.
Thống kê tình hình ngập lụt và thiệt hại bước đầu (tính đến sáng ngày 4-11) của Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT& TKCN cho biết, số người chết và mất tích do mưa lũ đã lên tới 13 người (6 người chết, 7 người mất tích); 35 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi, 45 ngôi nhà bị hư hỏng, 1793 nhà bị ngập nước.
Về nông nghiệp, 1.920 ha lúa và 1.370 ha hoa màu, cây trồng hàng năm, cây trồng lâu năm, cây ăn quả bị ngập, hư hỏng; 243 con gia súc, 29.120 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.
Về thủy lợi: 1.450 mét đê dưới cấp IV, 874 mét kè, 29 đập, cống và một số đoạn đê bao ngăn mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp bị xói lở, hư hỏng.
Về giao thông, một số đoạn thuộc các tuyến đường quốc lộ/ tỉnh lộ: QL 15, ĐT 559, ĐT 564B (Quảng Bình); QL29, ĐT.641, ĐT.642, ĐT.644, ĐT.650, ĐT.647 (Phú Yên); ĐT.676, ĐT.673 (Kon Tum); QL 25 đoạn qua xã Ia Sao, đỉnh Đèo Tô Na (Gia Lai) hiện vẫn đang bị ngập, giao thông chia cắt;
Một số tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã thuộc các huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa (Quảng Bình), TP. Nha Trang (Khánh Hòa); huyện M’Drak, Krông Bông; thị xã Ayun Pa, huyện Krông Pa, huyện Ia Pa, huyện Kbang, thị xã An Khê (Gia Lai) hiện vẫn bị ngập cục bộ sâu từ 0,4 - 1,5 mét.
Ngập lụt đặc biệt nghiêm trọng
Về tình hình mưa lũ, bản tin mới nhất của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, lũ trên các sông ở Hà Tĩnh, Bình Định, Phú Yên và sông Cái Nha Trang (Khánh Hòa) đang xuống; sông Dinh Ninh Hòa (Khánh Hòa), Cái Phan Rang (Ninh Thuận) và các sông ở Đak Lak đang lên.
Cụ thể, mực nước lúc 7 giờ ngày 4-11 trên các sông như sau: sông Ngàn Sâu tại Hòa Duyệt 9,06 m, ở mức BĐ2; sông Kôn tại Thạch Hòa 7,75 m, dưới BĐ3 0,25 m; sông Kỳ Lộ tại Hà Bằng 9,31 m, dưới BĐ3 0,19 m; sông Ba tại Củng Sơn 32,7 m, trên BĐ2 0,2 m, tại Phú Lâm 3,64 m, dưới BĐ3 0,06 m; sông Dinh tại Ninh Hòa 4,79 m, ở mức BĐ2; sông Cái Nha Trang tại Đồng Trăng 10,67 m, dưới BĐ3 0,33 m; sông Cái Phan Rang tại Tân Mỹ 38,0 m, ở mức BĐ3; tại Phan Rang 3,57 m, trên BĐ2 0,07 m; sông Krông Ana tại Giang Sơn 421,11 m, trên BĐ1 0,11 m; sông Srêpốk tại Bản Đôn 170,98 m, ở mức BĐ1.
Dự báo trong 12 giờ tới, mực nước trên các sông ở Hà Tĩnh, Bình Định, Phú Yên tiếp tục xuống; mực nước các sông ở Khánh Hòa, Ninh Thuận còn dao động ở mức cao; các sông ở Đak Lak tiếp tục lên.
Cụ thể, mực nước trên sông Ngàn Sâu tại Hòa Duyệt xuống mức 8,5 m, dưới BĐ2 0,5 m; mực nước sông Kôn tại Thạch Hòa xuống mức 7,4 m, dưới BĐ3 0,6 m; mực nước sông Kỳ Lộ tại Hà Bằng xuống mức 8,2 m, dưới BĐ2 0,3m; mực nước trên sông Ba tại Củng Sơn xuống mức 31,5m, dưới BĐ2: 0,5m, tại Phú Lâm xuống mức 3,1m, trên BĐ2 0,4m; mực nước sông Dinh tại Ninh Hòa ở mức 5,0m, trên BĐ2 0,2m; mực nước sông Cái Nha Trang tại Đồng Trăng ở mức 11,0m, ở mức BĐ3; mực nước sông Cái Phan Rang tại Phan Rang ở mức 3,5m, ở mức BĐ2; mực nước sông Krông Ana tại Giang Sơn 421,5m, trên BĐ1 0,5m; sông Srêpốk tại Bản Đôn ở mức 172,50m, dưới BĐ2 0,5m. Mực nước các sông ở Bình Thuận và Lâm Đồng dao động ở mức BĐ1-BĐ2.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở vùng núi các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bình Thuận, Đak Lak, Lâm Đồng.
Tình trạng ngập lụt ở các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận và Đak Lak vẫn tiếp diễn, đặc biệt nghiêm trọng tại các huyện Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân, Hoài Nhơn, Quy Nhơn (Bình Định); Sông Cầu, Sơn Hòa, Đồng Xuân, Tuy Hòa (Phú Yên); Thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa); Thành phố Phan Rang-Tháp Tràm, Ninh Hải, Ninh Phước (Ninh Thuận); huyện Mdrăk, Krông Bông, Eakar (Đak Lak).
Cần đề phòng mưa lũ ảnh hưởng đến an toàn các hồ chứa trên địa bàn các tỉnh trên, đặc biệt là các hồ chứa thuộc các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên.
Theo chinhphu.vn