Ngân hàng cẩn trọng khi đưa vốn ra thị trường Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cẩn trọng hơn trong việc đưa tín dụng ra thị trường, tập trung kiểm soát chất lượng tín dụng và hướng dòng vốn vào thực chất hoạt động sản xuất kinh doanh là biểu hiện rõ nét nhất của hoạt động ngân hàng từ đầu năm đến nay.

Tín dụng tăng trưởng chậm là dấu hiệu rõ nét nhất trong bức tranh hoạt động ngân hàng 9 tháng năm 2019. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Gia Lai, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn trong 9 tháng qua ước đạt 89.800 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2018 nhưng chỉ tăng 2,6% so với cuối năm 2018. Cụ thể, dư nợ cho vay ngắn hạn chiếm tới 64,2% tổng dư nợ, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2018 và tăng 0,8% so với cuối năm 2018; dư nợ cho vay trung-dài hạn chiếm 35,8% tổng dư nợ, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2018 và tăng 6% so với cuối năm 2018. Đáng lưu ý là tỷ lệ nợ xấu đang có xu hướng gia tăng khi chiếm tới 3,25% tổng dư nợ, tăng 1,29% so với cùng kỳ năm 2018 và tăng 1,54% so với cuối năm 2018. Chỉ số tăng trưởng trên cho thấy, dòng vốn bơm ra thị trường từ đầu năm 2019 đến nay rất thấp so với trước đây.

Lý giải nguyên nhân tín dụng tăng trưởng chậm, ông Nguyễn Văn Cư-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Gia Lai-cho hay: “Những năm trước, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tỉnh rất cao, quy mô tín dụng đã đạt gần 90.000 tỷ đồng, đứng thứ 2 trong các tỉnh Tây Nguyên. Do đó, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại soát xét lại, tập trung vào nâng cao chất lượng và kiểm soát an toàn tín dụng thay vì mở rộng. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng từ tình hình sản xuất kinh doanh các mặt hàng nông sản, tiến độ giải ngân đầu tư công chậm, người dân, doanh nghiệp không đầu tư mở rộng quy mô hoạt động nên khả năng hút vốn của nền kinh tế giảm, tác động rõ rệt đến hoạt động ngân hàng”.

 Cán bộ Phòng Giao dịch Agribank Kbang thăm hỏi, động viên hộ vay vốn. Ảnh: S.C
Cán bộ Phòng Giao dịch Agribank Kbang thăm hỏi, động viên hộ vay vốn. Ảnh: S.C



Đưa vốn tín dụng ra thị trường rất dễ nhưng quan trọng là làm thế nào để đồng vốn phát huy hiệu quả, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Đây chính là mục tiêu lớn nhất trong hoạt động ngân hàng ở giai đoạn này khi quy mô tín dụng trên địa bàn tỉnh đã ở ngưỡng ổn định. Theo ông Dương Công Minh-Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB)-Chi nhánh Gia Lai: “Trong bối cảnh kinh tế năm nay tiềm ẩn nhiều khó khăn, rủi ro nên quan điểm của chúng tôi là phải cẩn trọng trong việc đưa tín dụng ra thị trường, gia tăng gắn kết giữa khách hàng với ngân hàng, đồng thời phát triển các sản phẩm, dịch vụ tiện ích chứa hàm lượng công nghệ cao. Với quy mô dư nợ hiện đạt 1.370 tỷ đồng, thay vì mở rộng tín dụng ồ ạt thì ACB Gia Lai tập trung đầu tư vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh đối với khách hàng hộ kinh doanh, cá nhân vốn là đối tượng chiếm tới 90% tổng dư nợ. Mục tiêu năm nay của đơn vị là tăng trưởng ròng khoảng 200 tỷ đồng dư nợ”.

Cũng từ quan điểm tăng trưởng tín dụng cần đi vào thực chất hoạt động sản xuất kinh doanh, các ngân hàng thương mại đã tập trung vốn cho vay các chương trình, dự án gắn với mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Cụ thể, các dự án mua máy móc, thiết bị sản xuất với dư nợ đạt 81,8 tỷ đồng/193 khách hàng; đầu tư vốn cho 5 nhóm ngành, lĩnh vực kinh tế ưu tiên với dư nợ đạt 7.388 tỷ đồng/2.882 khách hàng; cho vay kết nối ngân hàng-doanh nghiệp với dư nợ 5.718 tỷ đồng/186 doanh nghiệp; cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch với dư nợ 1.439 tỷ đồng/2.460 khách hàng…   

Là lĩnh vực hút vốn ngân hàng rất lớn, dư nợ đầu tư cho thị trường nông nghiệp, nông thôn hiện đã đạt 53.958 tỷ đồng, chiếm tới 60,2% tổng dư nợ trên địa bàn với 278.604 khách hàng. Thế nhưng, từ đầu năm đến nay, tín dụng cho thị trường này đang chững lại, thậm chí có xu hướng giảm mạnh so với cuối năm 2018 ở một số ngân hàng thương mại. Mặc dù các ngân hàng đã tích cực hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn hồ tiêu, tuy nhiên, do số lượng khách hàng bị thiệt hại lớn, cộng với giá hồ tiêu sụt giảm mạnh nên đa số khách hàng gặp khó khăn trong việc trả lãi, trả nợ vay. Không riêng hồ tiêu, các loại cây khác như cao su, cà phê, mía cũng gặp khó khăn do giá cả hoặc tình hình hạn hán, ảnh hưởng đến mức đầu tư và nguồn thu nhập của nông dân, cũng là nguyên nhân làm phát sinh nợ xấu trong thời gian qua.

“Trong 9 tháng qua, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT (Agribank)-Chi nhánh Đông Gia Lai chỉ đạt 3,5%, huy động vốn chỉ đạt 2% so với kế hoạch. Là nhà đầu tư chính ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, chúng tôi nhận thấy kinh tế nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng trả lãi hàng tháng của khách hàng. Do đó, hoạt động ngân hàng cũng không thể thuận lợi hơn được”-ông Phan Tiến Thu-Giám đốc Agribank-Chi nhánh Đông Gia Lai-cho biết.

Cũng theo ông Thu, hiện tại, tổng dư nợ của Chi nhánh đạt 10.500 tỷ đồng, huy động vốn đạt 4.900 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu vẫn trong mức kiểm soát chặt chẽ 1%. Năm nay, Agribank Đông Gia Lai đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 12%, huy động vốn tăng 10%. Tuy nhiên, trên tinh thần tăng trưởng phải gắn chặt với chất lượng tín dụng, không tăng trưởng bằng mọi giá, Chi nhánh sẽ mở rộng tín dụng cho khách hàng có vùng nguyên liệu gắn với nhà máy chế biến, rà soát các doanh nghiệp có dự án, phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, tập trung vào lĩnh vực chế biến sâu, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo…

 

 SƠN CA

 

Có thể bạn quan tâm

Tập huấn kiểm kê tài sản công

Tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công

(GLO)- Ngày 28 và 29-11, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai.