Đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, Bộ Nội vụ đề xuất người được bổ nhiệm phải có ít nhất 3 năm đảm nhiệm và hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ
Bộ Nội vụ đưa ra dự thảo nghị định quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước để lấy ý kiến các bên liên quan.
Kinh nghiệm 3 năm
Thời gian qua, không ít trường hợp cán bộ được bổ nhiệm "thần tốc" hoặc "nâng đỡ không trong sáng" lên các vị trí lãnh đạo khiến dư luận bức xúc. Điều này cho thấy có những lỗ hổng trong quy định về tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý.
Điển hình như trường hợp bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo làm Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam trong khi hồ sơ của ông Bảo không được kê khai trung thực. Dư luận cũng từng bức xúc trước vụ bà Trần Vũ Quỳnh Anh được giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa bỏ qua hàng loạt quy định về tiêu chuẩn, trình độ để bổ nhiệm chức phó phòng, rồi trưởng phòng.
Tại kỳ họp gần đây của Quốc hội (QH), đại biểu (ĐB) QH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân về cụm từ "đúng quy trình" trong công tác cán bộ đã bị lợi dụng và chính là bàn đỡ, rèm che bảo hộ cho một số cán bộ lãnh đạo suy thoái thực hiện thành công việc chọn người nhà mà không chọn người tài.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng việc bổ nhiệm cán bộ phải thực hiện đúng tiêu chuẩn, điều kiện và quy trình theo quy định. Trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc tham mưu không đúng tiêu chuẩn, điều kiện thì phải đưa ra và rút lại những quyết định đã bổ nhiệm.
Điểm chung của các trường hợp được bổ nhiệm "thần tốc" là không đáp ứng đủ tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý. Để bịt lỗ hổng này, trong dự thảo, Bộ Nội vụ quy định cán bộ được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo phải có tối thiểu 3 năm đảm nhiệm và hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của chức danh lãnh đạo, quản lý cấp dưới trực tiếp; đối với lãnh đạo cấp phòng phải có thời gian làm chuyên môn tối thiểu 3 năm. Quy định này nếu được thông qua sẽ áp dụng cho 19 chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước từ thứ trưởng, tổng cục trưởng, vụ trưởng, cục trưởng… đến giám đốc sở, trưởng phòng và phó phòng cấp huyện.
Theo Bộ Nội vụ, việc bổ sung quy định về năm kinh nghiệm là phù hợp Quy định số 89 về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và Quy định 214 về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Đồng thời, quy định này hạn chế việc bổ nhiệm "thần tốc" đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Đánh giá về quy định này, ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương, cho rằng việc cụ thể hóa tiêu chuẩn về kinh nghiệm là rất cần thiết. Bởi thực tế không ít trường hợp dù chưa kinh qua các vị trí cần thiết nhưng lại "nhảy" lên vị trí lãnh đạo ở các cơ quan, đơn vị. Trong công tác cán bộ có nhiều tiêu chuẩn nhưng tiêu chuẩn về kinh nghiệm là rất quan trọng, để chứng minh quá trình công tác của cán bộ được đề bạt.
Tại kỳ họp 43, tổ chức ngày 2 và 3-3, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét và kết luận Đảng ủy Thanh tra Bộ Xây dựng đã để xảy ra nhiều vi phạm trong công tác cán bộ. Ảnh: TTXVN
Cần có cơ chế đặc thù
ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của QH, cho rằng tiêu chuẩn đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp đều có yêu cầu cán bộ, công chức phải kinh qua và hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của chức danh lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp dưới trực tiếp nhưng chưa quy định cụ thể kinh nghiệm bao nhiêu năm. Do đó, dự thảo đưa ra 3 năm kinh nghiệm là phù hợp, nhất là tình trạng bổ nhiệm "thần tốc" đối với cán bộ trẻ trái quy định đang gây bức xúc trong nhân dân.
"Cán bộ trẻ được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo nhưng thiếu kinh nghiệm, chưa có thời gian trau dồi, rèn luyện sẽ rất dễ mắc sai lầm trong quá trình công tác" - ông Hòa lo ngại.
Tuy nhiên, theo ông Hòa, cần có cơ chế đặc thù đối với cán bộ có tài, có tâm. Bởi, nếu phải chờ 3 năm kinh nghiệm, có thể cơ hội sẽ trôi qua đối với người tài, trong khi chúng ta đang có chính sách trọng dụng nhân tài. "Thực tế có một số cán bộ rất giỏi, có tâm, có tầm nhưng không đáp ứng được yêu cầu về 3 năm kinh nghiệm. Do đó, cơ quan soạn thảo cần đưa ra cơ chế đặc thù để xem xét, thẩm định chặt chẽ những trường hợp này, bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý mà không cần đủ 3 năm kinh nghiệm" - vị ĐBQH đề xuất.
Ông Lê Quang Thưởng cho biết ngoài quy định "cứng" về số năm kinh nghiệm, cơ quan có thẩm quyền sẽ có ưu tiên đối với trường hợp đặc biệt, người tài, người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ dù chưa đủ về số năm theo tiêu chuẩn. Cán bộ trẻ, có tài, có tâm sẽ được các cơ quan, đơn vị phát hiện từ sớm để có chính sách đào tạo, bồi dưỡng. Những cán bộ này nếu thể hiện được năng lực, được nhân dân tin tưởng thì hoàn toàn có thể được bổ nhiệm với quy trình chặt chẽ, công khai, minh bạch.
Còn đối với những trường hợp khác, ông Thưởng nhấn mạnh cần tuân thủ các quy định về kinh nghiệm, không để lọt vào bộ máy những người không đủ khả năng, phẩm chất.
Không phải điều tra, xác minh lại Bộ Nội vụ cũng vừa đưa ra lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có cán bộ về hưu. Dự thảo bổ sung nguyên tắc xử lý kỷ luật: "Việc xử lý kỷ luật hành chính đối với hành vi vi phạm trong thời gian công tác của người đã nghỉ việc, nghỉ hưu được thực hiện sau khi có quyết định xử lý kỷ luật về Đảng". Trường hợp này được sử dụng kết luận của cấp ủy, tổ chức Đảng theo quy định phân cấp quản lý của Đảng hoặc kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hành vi vi phạm của người đã nghỉ việc, nghỉ hưu để xử lý kỷ luật mà không phải điều tra, xác minh lại. Ngoài ra, dự thảo cho phép xử lý kỷ luật người đã nghỉ việc, nghỉ hưu có vi phạm trong thời gian công tác mà không phải thành lập hội đồng kỷ luật. |
Minh Chiến (NLĐO)