Nga giải mật vật thể 'E' thám hiểm Mặt Trăng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo phóng viên TTXVN tại Nga, trong khuôn khổ kỷ niệm 60 năm ngày phóng trạm liên hành tinh tự động (AMS) 'Luna-2' (Mặt Trăng-2) – thiết bị vũ trụ đầu tiên trên thế giới hạ xuống bề mặt vệ tinh tự nhiên của Trái Đất là Mặt Trăng, Cơ quan vũ trụ LB nga - Roscosmos đã giải mật các tài liệu về chương trình 'Mặt Trăng' đầu tiên của Liên Xô.

 

 Nga lên kế hoạch lập căn cứ thám hiểm thường trực trên Mặt Trăng. Ảnh: sputniknews.com
Nga lên kế hoạch lập căn cứ thám hiểm thường trực trên Mặt Trăng. Ảnh: sputniknews.com



Trong số các tài liệu được giải mật lần này, đáng chú ý là quyết định số 343-166 ngày 20/3/1958 của Chính phủ Liên Xô, xác định việc phát triển thiết bị vũ trụ đầu tiên bay lên Mặt Trăng, ký hiệu là các vật thể "E", “đảm bảo đạt vận tốc vũ trụ thứ hai và hạ xuống Mặt Trăng (phương án 1), cũng như bay quanh Mặt Trăng (phương án 2)”, đồng thời quy định thời điểm chuẩn bị và phóng lần đầu tiên là tháng 10/1958.

Một thông tin khác cho biết ngày 22/5/1958, công trình sư Sergei Korolev đã phê duyệt dữ liệu ban đầu các thông số chính tầng thứ 3 của tên lửa R-7 để phóng vật thể “E”, vốn được cho là được phát triển theo 2 phiên bản động cơ đẩy tầng 3 khác nhau– phiên bản 1 (sản phẩm 8K72) được lên kế hoạch trang bị động cơ RO5-154, trong khi phiên bản 2 (sản phẩm thứ 8K73) sẽ sử dụng động cơ 8D711.

Được phóng đi ngày 2/1/1959, Luna-1 trở thành vật thể nhân tạo đầu tiên trên thế giới đạt vận tốc vũ trụ thứ 2, vượt qua lực hấp dẫn của Trái Đất và trở thành vệ tinh nhân tạo của Mặt Trời. Được phóng đi ngày 12/9/1959, Luna-2 trở thành vật thể nhân tạo đầu tiên trên thế giới hạ cánh xuống Mặt Trăng.

 

Duy Trinh (TTXVN)


 

Có thể bạn quan tâm