Nên xem xét giảm mức khoán cho hộ dân bị hạn hán

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hạn hán kéo dài trong mùa khô khiến năng suất cà phê bị ảnh hưởng nặng nề. Để vớt vát chi phí đầu tư, công nhân đã làm đơn kiến nghị Chi nhánh Cà phê Ia Phìn (Công ty Cà phê Gia Lai) giảm sản lượng khoán hàng năm nhưng không được chấp thuận.

Mất mùa do hạn hán

Năm 2007, Công ty Cà phê Gia Lai và nông dân ở xã Ia Phìn (huyện Chư Prông) thực hiện hợp đồng giao khoán đầu tư sản xuất cà phê và phân chia thành phẩm. Theo đó, Công ty giao vườn cà phê thuộc quyền sở hữu của mình cho công nhân nhận khoán đầu tư, chăm sóc, quản lý, bảo vệ, thu hoạch và giao nộp sản phẩm trong vòng 10 năm. Tổng sản lượng giao khoán trong 10 năm là 35,3 tấn quả tươi/ha. Hàng năm, công nhân phải nộp đủ số sản lượng khoán được quy định, không để nợ sang năm sau. Cụ thể, trong 2 năm đầu tiên, sản lượng khoán là 3,9 tấn/ha; 4 năm tiếp theo là 3,6 tấn/ha và 2 năm cuối cùng là 3,251 tấn/ha.

 

Nắng hạn kéo dài khiến năng suất cà phê giảm trầm trọng. Ảnh: V.N
Nắng hạn kéo dài khiến năng suất cà phê giảm trầm trọng. Ảnh: V.N

Ông Nguyễn Đức Độ-Chủ tịch Công đoàn Đội sản xuất số 15, Chi nhánh Cà phê Ia Phìn cho biết: “Tôi nhận giao khoán 1,08 ha cà phê. 9 năm qua, thời tiết tương đối thuận lợi nên tôi đều nộp đủ sản lượng cho Công ty và nộp bảo hiểm bằng cà phê tươi. Trừ đi các khoản chi phí, tôi cũng có dư một ít. Năm nay, hạn hán kéo dài so với mọi năm nên sản lượng cà phê tụt giảm rất nhiều. Chắc chắn lỗ vốn rồi”.

Cũng theo ông Độ, nếu thời tiết thuận lợi, 1 ha cà phê nếu được chăm sóc đầy đủ có thể đạt 14-20 tấn quả tươi. Tuy nhiên, năm nay do cà phê mất mùa nên năng suất giảm sút đáng kể, có nơi thiệt hại hơn 80%. Theo thống kê của Đội sản xuất số 14 (Chi nhánh Cà phê Ia Phìn) thì ước tính năng suất trung bình năm 2016 giảm 40-45%.

Ông Bùi Văn Phát-Công nhân Đội sản xuất số 14, buồn bã: “Trong vòng 10 năm nhận giao khoán thì vụ mùa cà phê năm nay thiệt hại nặng nhất. Đã thế chi phí đầu tư lại cao, nhất là tiền đầu tư tưới nước. Vì lượng mưa không đủ nên chúng tôi phải thuê máy bơm hút nước từ hồ lên tưới, với giá 50 ngàn đồng 1 giờ. Vườn ở cao nên phải dùng tới 3 máy bơm mới đẩy nước lên được. Tính ra 1 ha cà phê phải mất hơn 3 triệu đồng tiền tưới nước mà một vụ thì ít nhất cà phê phải có 3 lần tưới. Riêng nhà tôi năm vừa qua phải đào giếng rồi mua các thiết bị tưới tiêu cũng hết hơn 50 triệu đồng. Đã đầu tư nhiều như thế nhưng cà phê vẫn mất mùa…”.

 

Ông Trần Văn Duân-Chủ tịch UBND xã Ia Phìn, cho biết: “Hiện tại, chính quyền xã chưa nhận được đơn thư kiến nghị của công nhân thuộc Chi nhánh Cà phê Ia Phìn về việc đề nghị giảm mức khoán. Khi nhận được đơn thư, chúng tôi sẽ đề nghị phía Chi nhánh xem xét giảm mức khoán cho công nhân. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ làm việc với các ngân hàng để kiến nghị cho công nhân vay vốn đáo hạn và tăng thêm nguồn vốn vay cho bà con”.

Không giảm mức khoán

Theo công nhân ở Công ty, chi phí đầu tư 1 ha cà phê, mỗi vụ hơn 50 triệu đồng. Nếu cà phê được mùa thì trừ mọi chi phí công nhân vẫn có lãi khoảng vài chục triệu đồng một năm. Thế nhưng, riêng năm 2016, đa số công nhân trồng cà phê của Chi nhánh Cà phê Ia Phìn đều lo ngay ngáy vì không đủ sản lượng nộp khoán.

Đang hái cà phê trong vườn, chị Hoàng Thị Thu-công nhân Chi nhánh Cà phê Ia Phìn, chia sẻ: “Vườn cà phê của tôi năm nay chỉ thu được khoảng hơn 4 tấn quả tươi. Quả vừa thưa lại nhỏ hạt nên chất lượng cũng không đạt như mọi năm. Nếu nộp sản lượng khoán cho Chi nhánh hơn 3 tấn, trừ chi phí tiền hái nữa thì năm nay xem như làm không công. Tiền phân bón, công chăm sóc coi như mất trắng rồi”. Cũng chung hoàn cảnh với chị Thu, anh Diêm Đăng Thăng-công nhân Đội sản xuất 15, tâm sự: “Các năm trước thì vườn của tôi đạt sản lượng trung bình 14 tấn quả tươi. Thế nhưng năm nay chỉ được 6 tấn. Trừ sản lượng khoán và bảo hiểm thì chẳng còn gì”.

Trước tình cảnh này, các đội sản xuất đã làm đơn đề nghị Chi nhánh cho giảm mức khoán mong vớt vát được ít vốn. Thế nhưng, phía Công ty quyết định không giảm vì cho rằng mức độ ảnh hưởng của thời tiết ở địa bàn xã Ia Phìn nói chung, Chi nhánh Ia Phìn nói riêng không đáng kể.

Nhận được công văn trả lời từ phía Công ty, anh Trần Xuân Thu-Phó Chủ tịch Công đoàn Đội sản xuất 15, bức xúc: “Công ty chỉ biết nhận sản lượng giao khoán chứ không hề biết người dân chống hạn cho cây cà phê thế nào. Tới lúc chuẩn bị thu hoạch thì đoàn kiểm tra của Công ty cũng đi khảo sát phía bên ngoài vườn, rồi cho rằng cây vẫn đạt năng suất chứ không vào bên trong để biết được nhiều cây chỉ được có 2 đến 3 kg trái tươi; thật là làm khó cho công nhân chúng tôi”.

Anh Thu cũng cho hay, trước đây khi Công ty gặp khó khăn, đứng trước bờ vực phá sản, công nhân đã ủng hộ mỗi người gần 700 kg cà phê tươi. “Thế mà bây giờ, khi chúng tôi đang trong tình trạng khốn đốn họ lại làm ngơ. Hầu như anh em công nhân trồng cà phê năm nay ai cũng lỗ vốn. Năm sau lấy đâu ra vốn để sản xuất vụ tiếp theo”-anh Thu nói.

Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm