Mưu sinh bằng nghề may sửa quần áo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chỉ cần một chiếc xe đẩy, chiếc máy khâu, hộp kim, chỉ đủ các màu, kéo, phấn... và tấm pano nhỏ là những người thợ may đã có một "cửa hàng" cho riêng mình.

Chị Phạm Thị Đông theo chồng từ huyện Phú Thiện ra TP. Pleiku lập nghiệp từ hai bàn tay trắng. Bản thân mang bệnh trong người nên chị chọn nghề may cho phù hợp. Chị chọn thuê một góc nhỏ trên đường Cách Mạng Tháng Tám với giá rẻ để hành nghề. Với 4 năm làm nghề sửa quần áo mà cuộc sống gia đình chị ngày càng ổn định hơn. “Nếu đông khách thì một ngày cũng kiếm được gần 200.000 đồng, còn hôm nào trời mưa thì khoàng 30-50.000 đồng. Vất vả nhất là phải hứng nắng, hứng mưa cả ngày ngoài đường”. Chị Đông kể.

 

Nghề sửa đồ không cần vốn nhiều mà cần sự kiên trì, tỉ mỉ trong từng mũi kim, sợi chỉ. Ảnh: N.T
Nghề sửa đồ không cần vốn nhiều mà cần sự kiên trì, tỉ mỉ trong từng mũi kim, sợi chỉ. Ảnh: N.T

Những người thợ sửa quần áo này đa phần là những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, từ nơi xa đến lập nghiêp. Không có vốn và sức khỏe nên họ chọn nghề may, sửa đồ để có thu nhập nuôi con ăn học. Những người thợ thường chọn vỉa hè làm nơi hành nghề để giảm chi phí tiền thuê mặt bằng, vừa dễ dàng cho việc nhận và trả đồ cho khách.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Thanh từ tỉnh Nam Định vào TP. Pleiku may mắn xin nhờ được một góc trên đường Phan Đình Phùng. Cứ 6 giờ sáng là chị dọn đồ ra đến 6 giờ tối chị mới thu đồ về. Là tuyến đường xe lưu thông với mật độ cao, hàng ngày chị phải bao bịt mặt thật kỹ để giảm bớt phải hít khói bụi. Với thu nhập 150.000 đồng/ngày, chị phụ vào cùng chồng nuôi 2 con ăn học, thuê nhà cửa, cuộc sống cũng bớt nhọc nhằn. “Nghề sửa quần áo đòi hỏi phải tỉ mẩn, kiên trì. Gặp khách dễ tính thì không phải sửa lại chứ còn gặp khách khó tính là phải xin lỗi khách và sửa đi sửa lại nhiều lần, có khi phải đền đồ cho khách. Mỗi lần như vậy, tôi lại tự động viên mình phải cố gắng thật nhiều”. Chị Thanh chia sẻ.

 

Các thợ sửa đồ thường rất nhớ đồ của khách giao. Ảnh: N.T
Các thợ sửa đồ thường rất nhớ đồ của khách giao. Ảnh: N.T

Còn tiệm sửa quần áo của chị Lan trên đường Cách Mạng Tháng Tám thì được nhiều khách biết đến vì sự chịu khó, tỉ mẩn trong từng đường kim, mũi chỉ. Có những khi không kịp đồ cho khách, chị mang đồ về nhà làm đến 23 giờ khuya mới nghỉ. Cũng nhờ nghề sửa quần áo mà chị trang trải được cuộc sống gia đình.

Nghề sửa quần áo không phải ai cũng gắn bó được lâu dài, bởi nghề này cần nhất sự khéo tay, tỉ mỉ, thân thiện thì mới đông khách thế nên những người thợ không kiên trì, chịu khó, giao hàng không đúng hẹn thì rất dễ mất khách.

Điều đáng ghi nhận từ những người thợ sửa quần áo là họ nhớ từng khách hàng với từng loại quần áo đến sửa rồi xếp ngay ngắn trong bì nilon, để gọn trong tủ đồ. Khách đến lấy đồ chưa bao giờ phàn nàn vì bị giao nhầm đồ. Có những ai mà thiếu một khúc chỉ hoặc đứt một hột nút áo thì các chị cũng sẵn sàng cho chỉ hoặc đơm lại hột nút áo cho mọi người mà không lấy tiền.

Ngọc Thu

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.