Mưa lũ gây vỡ đê, hàng trăm ha lúa ở Đắk Lắk ngập trong biển nước

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Mưa lũ kéo dài khiến cho nước sông Krông Ana dâng cao, gây vỡ khoảng 200m đê bao ở xã Buôn Triết, huyện Lắk ( Đắk Lắk ) rồi nhấn chìm hàng trăm ha lúa đang giai đoạn làm đòng, trổ bông của bà con nông dân.
Mưa lũ khiến 2 đoạn đê tại xã Buôn Triết bị vỡ, đe dọa gây ngập hàng ngàn ha lúa. Ảnh: Tiến Thoại

Mưa lũ khiến 2 đoạn đê tại xã Buôn Triết bị vỡ, đe dọa gây ngập hàng ngàn ha lúa. Ảnh: Tiến Thoại

Khoảng 200m đê bao bị vỡ

Sáng 30.7, hàng chục người dân tại xã Buôn Triết, huyện Lắk (Đắk Lắk) vẫn thay nhau túc trực, gia cố các điểm đê xung yếu trên sông Krông Ana.

Ở những đoạn đê thấp, nước tràn vào, người dân phải dầm mình dưới sông để đóng cọc, đắp đất ngăn nước lũ vào ruộng lúa.

“Hôm qua 29.7, đê vỡ 2 đoạn. Chúng tôi cùng lực lượng dân quân, công an xã đã ra khắc phục tạm. Hôm nay, chúng tôi phải gia cố thêm, bồi đắp các chỗ trũng thấp"’ - anh Mai Phú Kiên, người dân xã Buôn Triết cho biết.

Người dân dầm mình dưới nước để căng bạt ni-lông, che chắn bờ đê vừa đắp. Ảnh: Tiến Thoại

Người dân dầm mình dưới nước để căng bạt ni-lông, che chắn bờ đê vừa đắp. Ảnh: Tiến Thoại

Theo anh Kiên, gia đình anh có 4ha lúa tại cánh đồng Buôn Triết. Rạng sáng 29.7, nghe tin có 2 đoạn đê (đê đất) bị vỡ, bà con đã báo chính quyền xã và cùng nhau ra hộ đê. Đến chiều tối cùng ngày, 2 đoạn đê bị vỡ với tổng chiều dài dần 200m đã được đắp tạm lại.

Theo anh Kiên, do mưa lớn nên nước từ thượng lưu đổ dồn về sông Krông Ana. Trong khi đó, cánh đồng phía huyện Lắk chưa có đê bao kiên cố, dễ xảy ra ngập lụt.

Anh Kiên chia sẻ: “Tính riêng cánh đồng xã Buôn Triết có hơn 2.000ha lúa vụ hè thu. Cánh đồng chỉ có đê bằng đất nên năm nào cũng thường xuyên bị ngập lụt”.

Ghi nhận thực tế cho thấy, những hộ dân có ruộng ngay đoạn đê vỡ đã hiến một phần ruộng lúa của mình để vá đê, bởi các đoạn đê bị vỡ nằm ở vị trí khó đi lại, không thể chở đất từ nơi khác vào.

Gần 200m đê bao tại xã Buôn Triết bị vỡ đã được đắp lại. Ảnh: Tiến Thoại

Ông Nguyễn Bá Hạnh, trú tại xã Buôn Triết cho biết, nhà ông có 4ha lúa ngay điểm đê bị vỡ. Để cứu vựa lúa của mình và cả cánh đồng, ông đã hiến một phần diện tích ruộng lúa để cho máy múc đất, đắp lên thân đê.

“Tôi làm như vậy là để cứu ruộng của mình và cứu lấy ruộng của bà con. Nếu không chung tay, không trách nhiệm thì nước tràn vào, nhấn chìm cả hàng ngàn ha lúa” - ông Hạnh chia sẻ.

Hơn 750ha lúa bị nước lũ nhấn chìm

Có mặt trên tuyến đê bao để theo dõi tình hình, ông Bùi Mạnh Hải - Chủ tịch UBND xã Buôn Triết cho biết, diện tích lúa hè thu năm 2023 của xã Buôn Triết khoảng 2.100ha. Hiện, lúa đang ở thời kỳ làm đòng và trổ bông.

Theo ông Hải, mưa lớn kéo dài nhiều ngày đã gây ngập hơn 320ha lúa vụ hè thu của người dân ở xã Buôn Triết. “Nhiều diện tích lúa ngập sâu, khả năng thiệt hại trên 70%. Nếu nay mai tiếp tục mưa thì khả năng diện tích lúa bị ngập sẽ tăng lên” - ông Hải lo lắng.

Mưa lũ đã nhấn chìm khoảng 750ha lúa vụ hè thu của huyện Lắk. Ảnh: Tiến Thoại

Theo ông Nguyễn Viết Quang - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Lắk, tính từ ngày 26 - 29.7, mưa lũ đã khiến hơn 750ha lúa của huyện bị ngập nặng. Trong đó, các xã bị ngập nhiều nhất là: Buôn Triết (hơn 320ha), Đắk Liêng (268ha) và Buôn Tría (106ha).

Theo ông Quang, đợt lũ năm nay xảy ra sớm hơn so với các năm trước. Hiện, nước từ thượng nguồn đổ về khiến mực nước sông Krông Ana đang tiếp tục dâng cao. Dự kiến trong 2 - 3 ngày tới, diện tích lúa, hoa màu ngập úng tiếp tục tăng.

Để ứng phó với tình hình mưa lũ, UBND huyện Lắk đã chỉ đạo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các xã, thị trấn tăng cường công tác trực phòng chống thiên tai 24/24h. Trong đó, các đơn vị thường xuyên báo cáo tình hình ngập lụt trên địa bàn phụ trách về huyện.

UBND huyện Lắk cũng yêu cầu các đơn vị liên quan thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở, chú ý bảo đảm an toàn cho người dân vũng ngập lụt. Trường hợp cần thiết phải chủ động di dời dân khỏi vùng nguy hiểm để hạn chế tối đa thiệt hại.

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.