Mùa con ong đi lấy mật

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Mùa xuân, cũng là mùa hoa cà phê, hoa điều… ở Tây Nguyên nở rộ. Đây cũng là mùa của hàng vạn con ong theo chủ nhân “di cư” vào Tây Nguyên hút mật.

Khoảng thời gian trước, sau Tết Nguyên Đán đến cuối tháng Giêng, những người nuôi ong lấy mật trong Nam, ngoài Bắc vận chuyển ong vào các tỉnh Tây Nguyên để khai thác mật từ hoa cà phê, hoa điều, cao su...


 

Đắk Nông có khí hậu ôn hòa, cây cà phê, cây điều ra hoa nhiều nên cung cấp cho đàn ong lượng phấn hoa, mật hoa lớn
Đắk Nông có khí hậu ôn hòa, cây cà phê, cây điều ra hoa nhiều nên cung cấp cho đàn ong lượng phấn hoa, mật hoa lớn



Tại các vùng chuyên canh cà phê như ở tỉnh Đắk Nông, nhiều người đã vận chuyển ong về nuôi, chuẩn bị cho mùa “đánh mật” mới. Nhờ thời tiết ôn hòa, chất lượng hoa tốt nên nuôi ong ở Đắk Nông cho sản lượng mật cao và hương thơm đặc trưng.

Có thâm niên gần 4 năm trong nghề nuôi ong mật, anh Trần Văn Long (hộ khẩu tỉnh Bình Thuận) vừa đưa gần 400 thùng ong đến xã Đắk Ha (Đắk Glong) nuôi và chờ ngày lấy mật.


 

Anh Long kiểm tra cầu ong trước khi lấy mật
Anh Long kiểm tra cầu ong trước khi lấy mật


Theo anh Long, Đắk Nông có khí hậu ôn hòa, cây cà phê, cây điều ra hoa nhiều nên cung cấp cho đàn ong lượng phấn hoa, mật hoa lớn nên việc khai thác mật hoa luôn thuận lợi.

Anh Long cho biết: “Mỗi năm phải có 3-4 lần cho ong “di cư”. Mùa này chọn Đắk Nông vì diện tích cà phê, điều lớn, hoa nở đều. Đến tháng 3, tháng 4 lại đưa ong ra các tỉnh phía Bắc để đón mùa hoa vải, hoa nhãn. Sau đó lại đưa ong về Bình Dương, Bình Phước vì những rừng cao su bắt đầu thay lá nở hoa.

 

Mỗi lít mật ong anh Long bán tại vườn từ 80.000-100.000 đồng
Mỗi lít mật ong anh Long bán tại vườn từ 80.000-100.000 đồng


Mỗi lít mật ong anh Long bán tại vườn giá dao động từ 80.000-100.000 đồng. Với gần 400 thùng ong hiện có, mỗi năm anh Long quay được khoảng 50 tấn mật, sau khi trừ mọi chi phí thu về bình quân trên 200 triệu đồng.

Là một trong số ít người phụ nữ theo nghề nuôi ong lấy mật, mưu sinh, bà Nguyễn Thị Hoa (trú tại tỉnh Đồng Nai) bám đuổi với nghề đã hơn 10 năm. Mỗi năm 4 lần, bà di chuyển 600 thùng ong của mình đi dọc các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam bộ.

Theo bà Hoa, những ngày phải ăn ngủ dưới tán cao su, chăm sóc ong không khó khăn bằng thời điểm di chuyển ong đi địa phương khác. Các thùng ong đến khu vực mới phải thực hiện trong đêm, nơi đặt tổ kín gió để không làm ảnh hưởng đến đàn. Đàn ong di chuyển đến nơi ở mới phải ở xa khu dân cư.


 

Bà Hoa theo đuổi nghề nuôi ong hơn 10 năm nay
Bà Hoa theo đuổi nghề nuôi ong hơn 10 năm nay



Thời điểm thu hoạch mật, người nuôi đều phải mặc quần áo che kín tay chân, đầu đội mũ lưới nhằm tránh bị ong đốt. Đặc biệt, để ong khỏi đốt, ong không bám vào cầu thì phải đốt củi ẩm tạo khói, khói càng nhiều, ong càng bay ra xa.

"Cả năm nuôi ong chỉ trông chờ vào ngày quay mật. Mật ngon hay dở phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên nghề nuôi ong chúng tôi chỉ mong thời tiết thuận hòa, mưa nắng đúng vụ để ong làm mật", bà Hoa chia sẻ.

Với các chủ trại ong, nghề nuôi ong tuy vất vả nhưng là niềm vui vì mang lại nguồn thu nhập khá cao. Khi hết mùa hoa cà phê, hoa điều, người nuôi ong lại “di cư” đến những miền đất khác, bản thân họ cần cù, chăm chỉ như chính những chú ong thợ để góp mật ngọt cho đời.

 

Bài, ảnh: Quang Vũ
(Dẫn nguồn baodaknong)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.