Một vùng đất thuốc ở Kon Tum, dân sẽ đổi đời nhờ trồng loài sâm này, cứ 1ha cho thu 400 triệu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum)-nơi có 100% dân số là đồng bào Xơ Đăng đang tích cực phát huy thế mạnh và lợi thế tập trung phát triển kinh tế các loại cây dược liệu, trong đó có trồng sâm Ngọc Linh, sâm dây, xây dựng Ngọc Lây trở thành vùng đất trù phú trong tương lai gần.
Ngọc Lây là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Tu Mơ Rông, 100% dân số là đồng bào Xơ Đăng. Những năm gần đây, đời sống người dân nơi đây đang dần đổi thay từng ngày.
Ấn tượng những đổi thay
Lâu lắm tôi với có dịp trở lại Ngọc Lây - một xã vùng sâu khó khăn của huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum). Đến từ đầu xã, tôi đã cảm nhận sự đổi thay đáng mừng ở mảnh đất này. 
 
Hạ tầng giao thông ở Ngọc Lây ngày càng phát triển. Ảnh: VP
Hạ tầng giao thông ở Ngọc Lây ngày càng phát triển. Ảnh: VP
Không còn cảnh “mưa lầy, nắng bụi” như vài năm trước; con đường lởm chởm sỏi đá, đất đỏ, toàn “ổ voi, ổ trâu” từ trung tâm huyện vào Ngọc Lây được thay thế bằng con đường nhựa to, rộng.
Không chỉ đường trục chính, mà hầu hết các con đường vào 10 thôn, làng của Ngọc Lây cũng được bê tông hóa, đi lại thuận lợi. Cùng với đó là hệ thống cơ sở hạ tầng khác như điện, trường, trạm được xây dựng khang trang.
Sự đổi thay ở Ngọc Lây còn được thể hiện qua nếp sống, cách nghĩ, cách làm kinh tế của đồng bào Xơ Đăng nơi đây. Những cây trồng như sâm dây, sâm Ngọc Linh, cà phê catimor là những cây trồng chủ lực đã và đang được người dân Ngọc Lây phát triển mạnh, giúp cải thiện đời sống từng gia đình, góp phần đưa kinh tế của xã ngày càng phát triển.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Đặng Quốc Dũng - Chủ tịch UBND xã Ngọc Lây bày tỏ: Điều mừng nhất là sự chuyển biến về nhận thức của bà con. Sau khi được tuyên truyền, vận động, bà con đã thay đổi được nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đi sâu vào sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, phù hợp với điều kiện tự nhiên và lợi thế của địa phương. 
Bà con đang chuyển dần đất trồng lúa kém hiệu quả, từ đất trồng mì sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn. Con số thống kê toàn xã hiện có gần 200 ha cà phê, gần 90 ha bời lời và hàng chục ha cây dược liệu như sâm dây (gần 30 ha), đương quy (15ha), gần 14 ha sâm Ngọc Linh… không phải tự nhiên mà có.

"Đó là cả sự cố gắng của bà con trong xã. Sự nỗ lực đó đã được đền đáp xứng đáng. Cái đói đã được xóa, tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm nhiều, hiện chỉ còn 172/482 hộ dân. Thu nhập bình quân đầu người 15 triệu đồng/năm và lương thực đầu người đạt 360kg/năm…” - ông  Đặng Quốc Dũng cho biết.

Đúng như những gì mà Chủ tịch UBND xã Đặng Quốc Dũng chia sẻ. Về thăm các làng, chúng tôi cảm nhận rõ đời sống của bà con nơi đây đang ngày càng ấm no, đổi mới. Những ngôi nhà mới khang trang nằm san sát quanh nhà rông; những ngôi nhà ở khu tái định cư được xây dựng cùng một thiết kế nằm ngay hàng thẳng lối, mang vẻ đẹp rất riêng của vùng rừng núi Ngọc Linh.
Ghé thăm nhà chị Y Blút ở làng Tu Bung, chỉ vào căn nhà gần 100m2 mới xây xong, chị phấn khởi: Gia đình xây được nhà mới cũng nhờ cả vào cây sâm dây, cà phê mới trồng mấy năm nay. Lúc đầu, khi cán bộ vận động gia đình không dám trồng, phần thì chưa quen, phần thì không có vốn. 
Biết gia đình khó khăn, cán bộ huyện, cán bộ xã hướng dẫn kỹ thuật, rồi còn cho vay vốn. Đến nay, gia đình đã thoát được hộ nghèo. Cả nhà mừng lắm. Bây giờ chỉ lo chăm sóc phát triển thêm diện tích sâm dây, xen với cà phê, bời lời…để nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Còn anh A Nô (41 tuổi) ở làng Măng Rương 2 được biết đến là người đầu tiên trong phát triển kinh tế hộ gia đình trên địa bàn và giờ đây trở thành hộ khá của xã. Nhớ lại thời kì gian khó, A Nô không thể quên. Khi ấy, tài sản của vợ chồng chỉ có căn nhà tạm, vách nứa, cơm ăn không đủ no, áo mặc không đủ ấm. 
Được chính quyền địa phương giúp đỡ, anh quyết định xóa đói giảm nghèo bằng cách “lấy ngắn nuôi dài”, trồng 3 ha mì, 2 sào lúa nước vừa đảm bảo lương thực vừa tiết kiệm để đầu tư cây trồng. Với sự cần cù chịu khó lao động và tiết kiệm, anh quyết định vay thêm vốn đầu tư vào trồng sâm dây, ngũ vị tử và sâm Ngọc Linh. 
Cứ thế, bằng sức lao động và sáng tạo của mình, đến nay, A Nô đã xây dựng mô hình phát triển kinh tế với đa dạng cây trồng, vật nuôi, mang về thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm. Gia đình anh không những thoát khỏi hộ nghèo mà còn vươn lên làm giàu.
Triển vọng vùng đất thuốc
Dù Ngọc Lây đã có nhiều đổi thay nhưng dường như vẫn chưa tương xứng so với tiềm năng, lợi thế. Ngọc Lây được thiên nhiên ưu đãi khi có khí hậu mát mẻ. 
Đặc biệt nơi đây là địa điểm có sự phân bố và triển vọng phát triển dược liệu, trong đó đáng chú ý là sâm Ngọc Linh - một loại cây dược liệu đặc hữu chỉ có ở vùng núi Ngọc Linh, đã được gọi là “Quốc bảo”...
Vài năm trở lại đây, khi giá trị của cây sâm Ngọc Linh được nhiều người biết đến thì bà con bắt đầu trồng sâm Ngọc Linh. Kết hợp với đó, người dân cũng đã tiến hành trồng thêm các loại cây dược liệu khác như  sâm dây, sâm đương quy, ngũ vị tử, sơn tra…
 
Người dân Ngọc Lây phát triển sâm dây. Ảnh: VP
Người dân Ngọc Lây phát triển sâm dây. Ảnh: VP
Theo ông Đặng Quốc Dũng, từ khi bắt đầu canh tác các loại cây dược liệu và đặc biệt là các loại sâm thì đời sống của người dân địa phương cũng dần đổi thay. Đặc biệt, ở xã có 10 thôn thì có đến 5 thôn có người dân tự trồng sâm Ngọc Linh. 
Đầu tư mạnh vào sâm Ngọc Linh, đến nay, ở xã đã có hàng chục hộ bán trâu bò để mua giống sâm. Ngoài sâm Ngọc Linh, sâm dây là loại cây trồng được hầu hết người dân trong xã trồng phát triển kinh tế.
Ông Dũng cho hay, trước đây trên 1 ha đất bà con trồng mì trong thời gian 18 tháng chỉ thu được khoảng 50 triệu đồng. Sau khi trồng mì đất bị bạc màu nhanh chóng và phải mất 3 năm sau đất mới phục hồi lại được.
Tuy nhiên, đối với cây dược liệu thì khác. Theo tính toán, với mỗi ha sâm dây trong 18 tháng sẽ cho thu nhập 400 triệu đồng. Còn với sâm Ngọc Linh, chỉ sống được dưới tán rừng và ở độ cao từ 1.200 mét trở lên nên khi người dân muốn trồng sâm thì việc tất yếu phải giữ rừng.
Từ những lợi thế đó, để phát triển theo hướng bền vững, xã Ngọc Lây đã tiến hành quy hoạch 4 vùng để phát triển các loại dược liệu. Đồng thời, xã thực hiện tốt chủ trương dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp ở những nơi có điều kiện để xây dựng cánh đồng lớn phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và phát triển dược liệu.
Điều này giúp Ngọc Lây từng bước xây dựng và phát triển xã thành vùng chuyên canh trồng dược liệu gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, tạo ra thương hiệu sản phẩm của xã. Xã cũng đã xây dựng kế hoạch, trình UBND huyện điều chỉnh bổ sung quy hoạch đất sản xuất nông nghiệp xã định hướng đến năm 2025 với tổng diện tích 700 ha. Đây cũng là tiền đề để Ngọc Lây kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh vào đầu tư. 
Cho đến nay, Ngọc Lây đã có 2 doanh nghiệp là Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông Kon Tum và Hợp tác xã Dược liệu hữu cơ Tu Mơ Rông đầu tư liên kết với người dân trong xã phát triển dược liệu.
Ông Nguyễn Tiến Thuật-Giám đốc HTX Dược liệu hữu cơ Tu Mơ Rông cho biết: Hiện chúng tôi đang liên kết với người dân phát triển vùng nguyên liệu dược liệu hơn 20 ha và sẽ bao tiêu sản phẩm cho người dân. Từ nguồn dược liệu đó, sau này chúng tôi sẽ tinh chế thành các sản phẩm như trà túi lọc, sâm linh chi, trà thảo mộc, các loại thuốc nam dạng cao…lấy nguồn gốc xuất xứ từ vùng núi Ngọc Lây (huyện Tu Mơ Rông).
Giờ đây, đi dọc các con đường bê tông uốn lượn theo triền núi đến các thôn, làng ở Ngọc Lây, bao quanh những khu tái định cư khang trang là màu xanh bạt ngàn của cà phê, bời lời… Ngọc Lây đang đổi thay mạnh mẽ và triển vọng về một vùng đất trù phú sẽ ở trong tương lai không xa.
Hiện nay, xã Ngọc Lây có 3 sản phẩm OCOP được UBND tỉnh cấp chứng nhận, trong đó có 2 sản phẩm Collagen Sâm Ngọc Linh và sản phẩm Trà Sâm Ngọc Linh hòa tan của Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông Kon Tum đạt 4 sao và sản phẩm cà phê Rang xay của HTX Dược liệu hữu cơ Tu Mơ Rông đạt 3 sao. Cả 2 doanh nghiệp này đều đóng chân trên địa bàn xã.
Văn Phương (Báo Kon Tum/Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm