Trong “vụ án Viện Mắt”, những người lãnh đạo Bệnh viện này thậm chí đã “bổ sung tiêu chí chấm kỹ thuật” để loại nhà thầu theo ý muốn. Họ, không thiếu kiến thức về đấu thầu, chỉ thừa tham thôi.
Hai trong số các bị can gồm ông Nguyễn Trí Dũng - Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM; Phan Thị Bích Hạnh - Trưởng Phòng Tài chính - Kế toán Bệnh viện Mắt TPHCM, gây thiệt hại 14,2 tỉ cho hơn 9.000 nạn nhân/bệnh nhân. Ảnh: BCA |
Viện Kiểm sát vừa hoàn thành cáo trạng vụ án vi phạm các quy định về đấu thầu xảy ra tại Viện Mắt TPHCM.
Nhìn lại vụ án, có nhiều con số, nhiều tình tiết thật sự sốc.
Theo cáo trạng, với các hợp đồng mua 14.800 thủy tinh thể của Công ty Tâm Hợp và Hào Tín (khoảng 50 tỉ đồng), số tiền chênh lệch lên tới hơn 14,2 tỉ đồng. 14.800 thủy tinh thể này đã được Viện Mắt sử dụng mổ phẫu thuật Phaco, thay thủy tinh thể nhân tạo cho người bệnh.
Cơ quan Cảnh sát điều tra đã làm việc với 11.161 người bệnh, xác định có tới 9.182 người phải trả tiền chênh lệch… Tổng số tiền chênh lệch mà những bị hại/người bệnh phải trả tới gần 9 tỉ đồng.
Quỹ Bảo hiểm y tế cũng là một “bị hại” khi phải thanh toán chênh lệch tăng hơn 5,2 tỉ đồng.
Theo cơ quan điều tra, để can thiệp hoạt động đấu thầu mua sắm thủy tinh thể nhân tạo, khi phê duyệt hồ sơ mời thầu, Giám đốc Bệnh viện Mắt - khi đó là ông Nguyễn Minh Khải - đã chỉ đạo bổ sung tiêu chí chấm kỹ thuật “ý kiến đánh giá của Hội đồng đánh giá hàng mẫu trên mẫu dự thầu”.
“Sáng tạo” ra một tiêu chí mới, hoàn toàn không có trong hồ sơ mời thầu - và sau đó, sử dụng hội đồng này loại bỏ thẳng cánh các nhà thầu không mong muốn.
Và hậu quả cuối cùng là 14,2 tỉ chênh lệch giữa giá đưa ra thấp nhất và giá trúng thầu, cho cùng một loại sản phẩm.
Và người gánh hàng tỉ đồng chênh lệch - không ai khác - chính là những người dân/bệnh nhân vốn đã chật vật, khốn khổ vì bệnh tật.
Tại buổi làm việc với Bệnh viện Chợ Rẫy chiều 25.8, Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan đã đề nghị Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho ra đời một "bộ cẩm nang" về quy trình đấu thầu để các nơi áp dụng. Trong trường hợp phải mua trang thiết bị này thì như thế nào, mức nào là phù hợp và hồ sơ gì đi theo... Trên cơ sở này, anh em triển khai công việc sẽ yên tâm và tự tin nhất.
Và đây là giải pháp xuất phát từ thực tế: Ở nhiều nơi, cán bộ đấu thầu đa phần là các bác sĩ, không có nghiệp vụ về kinh tế.
Nói thế cũng chưa chắc phải vậy đâu.
Nhìn ngay vụ Viện Mắt, khi người ta đã “sáng tạo” ra cả tiêu chỉ để có thể loại bỏ giá thấp, chọn đúng giá sân sau khi không phải là thiếu chuyên môn nghiệp vụ kinh tế mà chỉ là thừa lòng tham.
Một gói thầu y tế, chênh giá đến 14,2 tỉ, gần 10.000 bệnh nhân trở thành bị hại. Và chẳng có cái lỗi “không nghiệp vụ” nào cả.
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/mot-goi-thau-y-te-9182-benh-nhan-thanh-bi-hai-1089384.ldo
Theo Đào Tuấn (LĐO)