(GLO)- Ngày 21-8, em bé Lê Nguyên Sang tròn 3 tuổi. Theo bố mẹ em và những người hàng xóm cho biết, ngay từ đầu tháng 4-2014, Lê Nguyên Sang đã bắt đầu biết đọc.
Tình cờ nghe ông Nguyễn Trị-Giám đốc Trung tâm Y tế Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang nhắc tới chuyện, ở thị trấn Đak Đoa (huyện Đak Đoa) có một bé trai mới 3 tuổi đã biết đọc, tôi liền nhờ ông liên hệ để được gặp gỡ bé. Lúc đầu tôi bị bố và mẹ em khước từ. Tuy nhiên, sau nhiều lần thuyết phục, anh Lê Đình Yên và chị Nguyễn Thị Hằng (tổ 5, thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa) mới đồng ý cho tôi gặp cậu con trai bé bỏng đang “sở hữu” những điều khác biệt của mình.
Bé Sang say sưa đọc các từ có trên gói đường của quán cà phê. Ảnh: Thu Huế |
Không để tôi mất công tìm nhà, anh Yên hẹn tôi đứng chờ ngay trước cổng chợ trung tâm của thị trấn Đak Đoa. Anh Yên nói như phân trần: “Do bé Sang rất thích được đi uống cà phê nên sẵn dịp mời cô đi cùng cho vui”. Trong không gian thoáng mát của quán cà phê Thủy Quỳnh (đường Đinh Tiên Hoàng, thị trấn Đak Đoa), câu chuyện của chúng tôi được mở ra.
Anh Yên quê gốc ở Thanh Hóa, là cư dân của thị trấn Đak Đoa cũng đã gần 20 năm. Hai anh chị lấy nhau hồi tháng 12-2009, đến ngày 21-8-2011 sinh cháu Lê Nguyên Sang, tên thường gọi ở nhà là Bill. Anh Yên làm thợ hồ, công việc lúc có lúc không. Khi vợ sinh con thì anh ở nhà chăm vườn cà phê. Khi Sang được hơn một tuổi, hai vợ chồng cũng tính cho con đi gửi trẻ để chị Hằng có thêm thời gian phụ giúp chồng trong việc gia đình nhưng cứ đi vài bữa thì cậu bé lại bị ốm. Xót con, chị Hằng cho con ở nhà với mình và bấm bụng chờ đến khi bé Sang đủ 3 tuổi thì mới cho con đi học mẫu giáo.
“Khi bé Sang được hơn 2 tuổi mà vẫn chưa tập nói được từ nào, cả hai vợ chồng tôi cứ lo lo, lại nghĩ chắc con mình chậm nói. Tuy nhiên, gần Tết Nguyên đán 2014, Nguyên Sang bắt đầu bi bô những tiếng đầu tiên. Vợ chồng tôi rất vui”-anh Yên kể. Cũng theo anh Yên, anh chị còn phát hiện ra con mình rất thích nhìn lên cuốn lịch treo tường, thích xem ti vi, đặc biệt là chương trình quảng cáo; khi được bố mẹ chở đi chơi thì bé đặc biệt thích nhìn biển số xe, các pa nô quảng cáo hay biển hiệu nhà hàng. Và, niềm vui như vỡ òa khi hồi tháng 4-2014, anh chị phát hiện ra con mình biết đọc. “Lúc đầu, em thấy bé đọc các chữ số, em nghĩ chắc là do mình lâu lâu cũng chỉ cho nên con nhớ mà đọc thôi chứ cũng không để ý lắm; tới khi bé đọc bất cứ con số nào, dòng chữ nào bé nhìn thấy thì cả hai vợ chồng mới tin là có một điều kỳ diệu đang đến với con mình”- người mẹ chia sẻ.
Kể lại chuyện lần đầu phát hiện ra con mình có khả năng đọc, anh Yên cười hỉ hả: “Hôm ấy tôi vừa mua bì phân vi sinh về bón cho đám cà phê trong vườn, đang loay hoay tìm chỗ hướng dẫn sử dụng thì cậu con trai cứ sán lại, nhìn nhìn ngó ngó, bảo ra chỗ khác chơi cho bố làm thì nhất định không chịu. Bực quá, tôi đẩy bì phân ra ngoài, rồi nói với con: “Đây, con tìm được thì đọc đi…”. Không ngờ, bé Sang đọc rõ ràng các từ: “Phân vi sinh”. Tôi quá bất ngờ, quay ra nhìn con, sau một đỗi định thần thì bắt con đọc đi đọc lại. Thấy con vẫn đọc rõ ràng từng tiếng một, tôi bèn bế cháu chỉ vào các bloc lịch treo trên tường, không ngờ chỉ đến đâu cháu đọc đến đấy.
Bé Sang đọc báo Gia Lai cùng bố. Ảnh: Thu Huế |
Hai vợ chồng thấy con như thế vừa mừng vừa lo. Nói thật, hai vợ chồng đều làm nông, sinh con đầu lòng nên thời gian và kinh nghiệm nuôi con còn hạn chế, hầu như hai vợ chồng đều chưa nghĩ đến việc dạy chữ cho con. Bên cạnh đó, vì kinh tế eo hẹp nên chuyện ăn uống của con cũng không được chu toàn, có gì ăn nấy”. Chị Hằng cho biết thêm: “Bé Sang rất hiếu động, không lạ ai cả, dường như không sợ điều gì ngoài việc sợ cắt tóc. Sang thích xem ti vi, đặc biệt là những chương trình quảng cáo và rất thích được vào trang Facebook của mẹ. Về ăn uống, Sang thích ăn chả ram, xúc xích, trứng chiên và không thích ăn rau, ăn cơm cũng biếng, em đã làm mọi cách mà Sang cũng vẫn rất lười ăn. Khi biết đọc, bé Sang thích đọc nhất là các chữ, các số trên các biển hiệu ở các nhà hàng ngoài phố, từ trên vỏ hộp diêm, vỏ thuốc lá, vỏ hộp thuốc Tây, sách báo và tất cả những gì cháu nhìn thấy”.
Có một điều khác lạ là dù đã đọc được tất cả các từ, đọc lưu loát được cả các ký hiệu như % (phần trăm), ha (héc ta), đọc liên tục những câu văn dài nhưng Sang lại mới chỉ biết được một vài chữ cái như A, B, C, K, S, X; những chữ còn lại trong bảng chữ cái tiếng Việt thì cậu bé chưa biết, do chưa được bố mẹ dạy. Vì thế, với những từ bao gồm những chữ cái viết tắt in hoa hoặc là những từ tiếng nước ngoài như tiếng Anh, Sang không đọc được. Ví dụ, với cụm từ “Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang”, cậu bé bỏ qua không đọc cụm từ viết tắt “TNHH MTV”; với cụm từ “kẹo sữa ca-ra-men Alpenliebe”, Sang đọc rất rõ những từ “kẹo sữa ca-ra-men” còn từ Alpenliebe thì không đọc được. Về chữ số, Sang đếm làu làu từ 1 đến 100 và đếm ngược lại từ 100 trở về số 1; với những số hàng trăm, hàng triệu; thường cậu bé chỉ đọc tên số, ví như số 652 thì đọc “sáu năm hai” chứ chưa đọc được là “sáu trăm năm mươi hai”. Theo anh Yên, lúc nào thích lên thì Sang mới đọc nhiều, khi không thích thì bố mẹ có năn nỉ mấy cháu cũng bỏ qua. Đặc biệt, sang rất quý và rất thích chơi với bà Thuận-người hàng xóm của gia đình, thường khi có bà Thuận, Sang rất chăm chỉ đọc.
Quả đúng như lời anh Yên nói, khi chúng tôi cho bé Sang tới nhà bà Thuận chơi, cậu bé vui hẳn lên, nói luôn miệng. Với tất cả những tờ lịch, đôi câu đối, mấy tờ báo bà Thuận đem ra và với quyển truyện tranh thiếu nhi và tờ báo Gia Lai, tờ tạp chí cao su tôi mang tới, Sang đều chú tâm ngồi đọc theo tay chỉ của bà Thuận. Không chỉ thế, khi bà Thuận ngồi nắn nót viết từng từ lên giấy, Sang cũng đọc theo, không bỏ sót từ nào. Trò chuyện với tôi, bà Thuận nói: “Tôi rất ngạc nhiên trước khả năng đọc của bé Sang, vì thế lại càng yêu quý và hay dành thời gian chơi với cậu bé này nhiều hơn. Lần ấy, cô Hằng bận việc nên nhờ tôi trông giúp cháu. Có việc đột xuất ở cơ quan (bà Thuận làm tại Trung tâm Y tế Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang-N.V) nên tôi chở bé đi theo. Đi đường, thấy bé bi bô đọc những chữ trên biển hiệu ở các hàng quán, tôi cũng không để ý lắm, vì cứ nghĩ chắc cậu bé đang tự nói chuyện một mình. Khi tới Trung tâm, thấy Sang cứ nhẩn nha đọc tất cả những từ mà cậu bé nhìn thấy trên các phòng bệnh nhân, phòng làm việc như nội quy, bảng tên thì không chỉ tôi mà tất cả anh chị em có mặt ở Trung tâm Y tế đều rất ngạc nhiên. Những lần sau, mấy anh chị em vẫn thường nhờ tôi chở Sang tới Trung tâm chơi để có thêm cơ hội trò chuyện với cậu bé đặc biệt này”.
Thu Huế