(GLO)- Không đành lòng nhìn nghề dệt thổ cẩm truyền thống- niềm tự hào của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên bị mai một, chị Rơ Lan Pel (dân tộc Jrai) đã quyết tâm khôi phục và gìn giữ nghề truyền thống ấy. Sau nhiều đêm trằn trọc không ngủ, chị quyết định vừa học, vừa làm, vừa tìm kiếm thị trường… Đến nay, chị đã gây dựng lại và tìm được chỗ đứng cho sản phẩm dệt thổ cẩm trên thị trường, đồng thời tạo ra việc làm cho nhiều phụ nữ bà con dân tộc thiểu số, nhờ đó cuộc sống của họ ngày một cải thiện hơn.
Theo chân một người bạn dẫn đường, chúng tôi tìm đến nhà chị Rơ Lan Pel (tại thôn Phung 1, xã Biển Hồ, TP.Pleiku, Gia Lai), trong ngôi nhà nhỏ của chị là ngổn ngang những khung cửi, chỉ màu, cùng những sản phẩm thổ cẩm rất tinh xảo do chính tay chị tạo ra…
Ngồi tiếp chuyện chúng tôi nhưng tay chị vẫn thoăn thoắt dệt cửi, thỉnh thoảng lại bị ngắt quãng vì có người chạy lại hỏi về kỹ thuật dệt một vài chi tiết khó. Chị chia sẻ: Bản thân chị cũng như những người con gái Jrai khác, năm lên 10 tuổi đã được bà, mẹ truyền cho nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Ban đầu, chị chỉ dệt những chiếc khăn, chiếc váy để làm đẹp cho mình, dần dần quen rồi cho gia đình và làm quà tặng cho bạn bè, người thân… Song không biết từ khi nào nghề dệt đã ăn sâu vào máu thịt và trở thành niềm đam mê không dứt của chị. “Ngày ấy, con gái Jrai mình ai cũng biết dệt thổ cẩm. Sau những giờ lên nương rẫy, con gái tụ tập lại ở sân làng cùng nhau dệt thổ cẩm và hát hò rất vui”.
Chị Rơ Lan Pel hướng dẫn chị em phụ nữ trong làng dệt thổ cẩm. Ảnh: Hải Anh |
Do những năm gần đây, bà con dân tộc có điều kiện tiếp xúc với đời sống hiện đại nhiều hơn, nên người dân ở các buôn làng dần thay những sản phẩm thổ cẩm truyền thống bằng những chiếc quần jean, áo sơ mi..., khiến cho nghề dệt thổ cẩm đứng trước nguy cơ mai một. Nhìn những khung cửi bị vứt chỏng chơ vào một xó, còn phụ nữ Jrai lại không còn mặn mà với khung cửi nữa, Rơ Lan Pel rất buồn. Chị lo, đến một ngày nào đó, phụ nữ Jrai sẽ không còn biết dệt thổ cẩm và những sản phẩm thổ cẩm truyền thống của người dân tộc thiểu số sẽ bị lãng quên.
Quyết tâm không để nghề dệt bị mai một, trong một thời gian dài, chị đã đến từng nhà để động viên những người phụ nữ trong làng, trong xã trở lại với khung cửi, nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu từ chối. Sau nhiều ngày kiên trì vận động, thuyết phục từ làng trên, xóm dưới, một vài phụ nữ đã đồng ý bắt đầu quay lại với khung cửi. Từ đó, chiều chiều, các chị tập trung trong căn nhà nhỏ của chị Pel tại thôn Phung 1 để cùng nhau dệt vải và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, tiếng cười nói, tiếng lách cách của khung cửi lại rộn vang cả một góc thôn. Sau niềm vui vận động được những người phụ nữ quay lại với nghề dệt, Rơ Lan Pel lại đau đáu tìm cách để cải thiện mẫu mã, đầu ra và cải thiện đời sống cho chị em. Chị bảo: “Phụ nữ Jrai từ nhỏ đã rất khéo tay, những sản phẩm thổ cẩm mà họ tạo ra rất đẹp. Nếu chỉ để dùng trong gia đình thì rất phí, mình đang cố gắng để quảng bá các sản phẩm này ra thị trường”.
Tuy khi mới bắt tay vào khôi phục nghề dệt, chị gặp rất nhiều khó khăn do một mình chị phải tự thân vận động, nhưng sau một thời gian thấy việc chị làm rất có ích cho đồng bào nên chính quyền địa phương và các ban ngành, đoàn thể hết sức ủng hộ. Từ đó Câu lạc bộ (CLB) dệt thổ cẩm Biển Hồ do chị làm chủ nhiệm đã ra đời. Lúc đầu CLB chỉ có 20 chị em tham gia, nhưng đến nay đã có trên 100 người tham gia. Không những vậy, chị còn mở các lớp dạy dệt thổ cẩm cho những người chưa biết nghề, tay nghề còn yếu ở các thôn, làng hay ở những xã khác..., thu hút rất đông học viên tham gia. Rơ Lan Pel chia sẻ: “Phụ nữ Jrai chủ yếu sống bằng nông nghiệp, ngoài mùa màng thì không biết làm gì. Thấy vậy, mình mạnh dạn đứng ra thành lập CLB dệt thổ cẩm Biển Hồ. Mình quyết tâm như thế vì biết các mẹ, các chị đều biết dệt và dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của từng gia đình. Vì thế, khi mình vận động chị em phát huy nghề, giữ nghề mà lại có thêm thu nhập, chị em mừng lắm...”.
Nhờ nghề dệt thổ cẩm, chị Dúi đã cải thiện được kinh tế gia đình. Ảnh: Hải Anh |
Để có những sản phẩm làm ra hợp với thị hiếu của công chúng, nghĩa là vừa đẹp, vừa hợp thời trang mà vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống, chị đã mất rất nhiều thời gian, công sức đi tìm hiểu thị trường, làm quen với thị hiếu người dùng rồi về hướng dẫn chị em làm ra những sản phẩm mới, đẹp như túi xách, túi đeo, ví nam, ví nữ, gối..., được thị trường rất ưa chuộng, CLB vì thế đã bắt đầu tiến dần, tiến dần... đến thành công. Đặc biệt, tại Festival cồng chiêng quốc tế 2009 được tổ chức tại Gia Lai, gian hàng trưng bày sản phẩm dệt thổ cẩm của CLB được rất nhiều người quan tâm và đặt hàng. Nhờ nghề dệt thổ cẩm được phục hồi và có đầu ra nên cuộc sống của nhiều gia đình tại xã Biển Hồ được cải thiện đáng kể. Điển hình trong số đó có chị Dúi, người thôn Phung 1 (xã Biển Hồ), là một trong những người đầu tiên hưởng ứng sự vận động phát triển nghề dệt chia sẻ: “Cả nhà tôi sống bằng nghề làm ruộng, suốt ngày trên nương, trên rẫy nhưng vẫn không đủ ăn, 2 đứa con có nguy cơ không được đi học. Song nhờ có thêm hơn 1 triệu đồng/tháng thu nhập từ dệt thổ cẩm, nên cuộc sống gia đình đỡ vất vất vả hơn trước rất nhiều, may mắn là 2 đứa con đều được đến trường”.
Ông Phom, trưởng thôn Phung 1 hồ hởi cho biết, “Chị Rơ Lan Pel luôn quan tâm, giúp đỡ những chị em có hoàn cảnh khó khăn bằng việc mở lớp dạy thổ cẩm miễn phí. Trước đây, đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Biển Hồ chủ yếu sống bằng nghề nông, thu nhập rất bấp bênh. Song nay nhờ có nghề dệt thổ cẩm, cuộc sống của các hộ gia đình được cải thiện rõ rệt”.
Với tấm lòng nhiệt huyết và nỗ lực khôi phục nghề dệt, năm 2002, chị Rơ Lan Pel được công nhận là Nghệ nhân Dệt thổ cẩm truyền thống và được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Phung 1 và Chủ nhiệm CLB Dệt thổ cẩm Biển Hồ. Ngoài ra, năm 2009 chị được vinh dự là một trong 45 đại biểu chính thức của tỉnh Gia Lai tham dự Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tại Hà Nội. Chị cho biết, mình rất vui khi nghề dệt thổ cẩm đã sống lại và nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền. Hi vọng trong tương lai, thương hiệu thổ cẩm Tây Nguyên nói chung và thổ cẩm của người Jrai nói riêng sẽ tìm được chổ đứng vững chắc trên thị trường.
Hải Anh