Mỗi năm lãi 700 triệu đồng từ cây công nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bản tính cần cù, dám nghĩ, dám làm đã giúp ông Vi Văn Đình, dân tộc Tày (thôn Tân Thủy, xã Ia Vê, huyện Chư Prông) vươn lên làm giàu từ việc trồng các loại cây công nghiệp cho giá trị kinh tế cao như: cà phê, hồ tiêu… Hàng năm, sau khi trừ chi phí, ông thu lãi trên 700 triệu đồng.

Vượt qua một quãng đường dài hơn 25 km, sau nhiều lần hỏi thăm người dân thôn Tân Thủy, chúng tôi tìm đến nhà ông Vi Văn Đình. Qua trò chuyện được biết, vợ chồng ông là người dân tộc thiểu số ở tỉnh Cao Bằng. Tình cờ trong một lần gọi điện thoại hỏi thăm sức khỏe chị gái ở huyện Chư Sê và nghe chị bảo đất đai ở đây màu mỡ, phì nhiêu, rất thích hợp để trồng trọt, chăn nuôi. Đầu năm 2000, sau nhiều đêm suy nghĩ, tìm hiểu kỹ càng, ông Đình đã quyết định khăn gói đưa vợ con lên đường vào xã Ia Vê (huyện Chư Prông) lập nghiệp.

 

Vợ chồng ông Vi Văn Đình bên vườn cà phê của gia đình. Ảnh: L.H.H
Vợ chồng ông Vi Văn Đình bên vườn cà phê của gia đình. Ảnh: L.H.H

Để giúp cho gia đình sớm ổn định cuộc sống, với chút vốn liếng dành dụm sau nhiều năm làm thuê, làm mướn ở quê kết hợp với số tiền vừa bán ruộng vườn, trâu bò…, ông Đình đã mạnh dạn bỏ ra 40 triệu đồng mua 2 ha đất và trồng được 2.000 cây cà phê. Cũng trong thời gian này, nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ cây điều, ông tiếp tục trồng thêm 200 cây điều xen canh trong vườn cà phê.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà vừa mới mua, ông Đình cho biết: “Khi bắt tay vào chăm sóc cây cà phê, tôi gặp nhiều bỡ ngỡ lắm. Lúc đầu tôi không nghĩ đến tưới nước, cứ nghĩ trồng cây cà phê như cây ăn trái ở ngoài quê, đến mùa là cắt cành đi một ít rồi mùa sau nó tự ra hoa, đậu trái. Sau nhiều lần nhìn thấy người ta cắt cành tôi học theo và chỉ vài ba vụ tôi đã biết làm cành cà phê. Để có tiền trang trải thêm cho gia đình, vợ chồng tôi mua một cái máy phun thuốc sâu và 3 năm trời ngày nào cũng đi phun thuê cho người ta, số tiền làm thuê đủ mua phân bón cho cây trồng gần 2 năm”.

Kể từ khi vườn cà phê cho thu hoạch, cuộc sống của vợ chồng ông Đình đã bắt đầu có nhiều đổi thay, không còn phải vất vả làm thuê, làm mướn như những ngày đầu gian nan trên đất khách quê người. Năm 2007, từ số tiền tích góp bán cà phê nhân trữ 3 năm trong nhà, ông Đình đã xây được một căn nhà cấp IV để trú mưa, trú nắng. Nhờ điều kiện thời tiết ổn định, mưa thuận gió hòa mà vườn cà phê của gia đình ông Đình luôn xanh tốt và cho sản lượng cao. Từ số tiền bán nông sản qua từng mùa vụ, trong 3 năm (2008-2010) vợ chồng ông Đình đã mạnh dạn bỏ ra hơn 1,3 tỷ đồng để mua thêm 2,2 ha đất đã có hồ tiêu trồng xen canh với cà phê đang trong thời kỳ thu hoạch. Không dừng lại ở đó, năm 2016, từ số tiền dành dụm, ông Đình tiếp tục mua thêm gần 2 ha đất trong đó có 1.300 trụ hồ tiêu và 1.500 gốc phê kinh doanh. Hiện nay, gia đình ông có 4.000 cây cà phê kinh doanh; 4.000 trụ hồ tiêu và 200 gốc điều. Trung bình mỗi năm gia đình ông thu được trên 15 tấn cà phê nhân, 3,5 tấn hồ tiêu và 1 tấn điều, trừ các khoản chi phí về nhân công, vật tư nông nghiệp, thuốc trừ sâu, phân bón…, mỗi vụ cũng lãi trên 700 triệu đồng.

Cách đây nhiều năm, trong lúc xây miệng giếng, ông bị ngã xuống giếng sâu 20 m nên bị tật 1 chân. “Kể từ khi bị gãy một chân, tôi đi khám ở đâu bác sĩ cũng lắc đầu. Giờ tôi chỉ làm một số việc nhẹ như buộc dây hồ tiêu, cho gà ăn…, chủ yếu là thuê nhân công làm. May vợ con khỏe chứ không thì gia đình tôi cũng vất vả. Trung bình mỗi mùa vụ gia đình tôi cũng tạo việc làm cho trên 10 lao động tại địa phương”-ông Đình tâm sự.

Lê Huy Hoàng

Có thể bạn quan tâm