* Ông Dương Văn Trang-Bí thư Tỉnh ủy được bầu giữ chức Chủ tịch HĐND tỉnh
(GLO)- Ngày 10-12, kỳ họp thứ 11-HĐND tỉnh khóa X tiếp tục diễn ra tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku) với phiên trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri và thảo luận tại hội trường. HĐND tỉnh cũng đã tiến hành miễn nhiệm và bầu bổ sung một số chức danh lãnh đạo trong Thường trực HĐND và UBND tỉnh vào ngày làm việc thứ ba này.
Quang cảnh ngày làm việc thứ ba. Ảnh: Hồng Thi |
Tại kỳ họp, các ý kiến, kiến nghị của cử tri, của Thường trực HĐND, các Ban HĐND và Ủy ban MTTQ tỉnh tại kỳ họp lần trước cũng như lần này đã được UBND tỉnh giải quyết và trả lời cụ thể, trách nhiệm. Trong đó, tại kỳ họp thứ 11 có tất cả 34 ý kiến, kiến nghị của cử tri (21 ý kiến, kiến nghị thuộc lĩnh vực kinh tế; 11 ý kiến, kiến nghị thuộc lĩnh vực văn hóa-xã hội và 2 ý kiến thuộc lĩnh vực nội chính).
Kết quả thảo luận tổ vào ngày 9-12 cũng được tổng hợp và báo cáo tại hội trường. Theo đó, qua 1 ngày thảo luận đã có trên 71 lượt ý kiến tham gia của các đại biểu, trong đó có 50 lượt ý kiến của đại biểu HĐND và 21 lượt ý kiến của đại biểu các sở, ngành, địa phương. Công tác đảm bảo trật tự an toàn xã hội đã nhận được sự quan tâm của nhiều đạt biểu nhất với 10 lượt ý kiến; tiếp đến là lĩnh vực nông-lâm nghiệp với 9 lượt ý kiến, đầu tư-xây dựng cơ bản với 8 lượt ý kiến; an ninh chính trị và nội vụ, mỗi lĩnh vực 7 lượt ý kiến... Các ý kiến đã bày tỏ sự đồng tình cao với các báo cáo của HĐND, các Ban HĐND và UBND tỉnh; đồng thời đóng góp về những tồn tại, một số vấn đề cần lưu ý tại các báo cáo, dự thảo nghị quyết, các tờ trình trình tại kỳ họp.
Tại phần thảo luận tại hội trường, các đại biểu đã nghe các sở, ngành: Lao động-Thương binh và Xã hội; Y tế; Kế hoạch và Đầu tư; Giáo dục và Đào tạo; Ủy ban MTTQ tỉnh cùng đại diện doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bàn luận, giải trình các vấn đề “nổi cộm” trong thời gian vừa qua, như: công tác giảm nghèo bền vững; đầu tư cơ sở hạ tầng, trang-thiết bị cho các bệnh viện, trạm y tế chưa đúng mức; an toàn vệ sinh thực phẩm; các dự án chuyển tiếp chậm tiến độ; phân bón giả, kém chất lượng tràn lan trên thị trường; tai nạn giao thông tăng đột biến; lãng phí đầu tư trang-thiết bị điện tử, đồ dùng dạy học thông minh ở các trường học; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giảm và ở mức thấp, không có tính bền vững…
Đối với công tác giảm nghèo, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số, bà Trần Thị Hoài Thanh-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, (đại biểu HĐND tỉnh đơn vị TP. Pleiku) cho rằng, đây là một chỉ tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội và là một trong hai tiêu chí khó đạt trong xây dựng nông thôn mới. Từ 2016-2020 sẽ triển khai thực hiện chuẩn nghèo mới nên việc tiếp cận sẽ gặp khó khăn. Vì vậy, đại biểu Thanh đề nghị HĐND tỉnh cần có một Nghị quyết chuyên đề, tập trung vào hai nội dung cơ bản là cơ chế, chính sách và tổ chức triển khai thực hiện. Đặc biệt, Ban chỉ đạo giảm nghèo của tỉnh và các địa phương cần tập trung đánh giá, rà soát hộ nghèo thật sự chính xác theo tiêu chí mới gồm: Nhà ở, y tế, giáo dục, nước sạch-vệ sinh môi trường và tiếp cận thông tin kết hợp với đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả.
Tặng hoa cho các vị miễn nhiệm. Ảnh: Hồng Thi |
Giải trình về vấn đề các công trình chuyển tiếp thi công chậm tiến độ, ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho hay: “Hiện nay, tỉnh ta đang vướng 2 công trình rất lớn gồm kè Ayun Pa và công trình kè suối Hội Phú. Kè Ayun Pa được làm theo công nghệ mới nên năm 2014, Bộ Khoa học-Công nghệ chỉ cho tỉnh làm 1 km với số vốn 60 tỷ đồng và phải đánh giá hiệu quả 1 km này mới cho đầu tư tiếp. Sau khi có ý kiến của Bộ Khoa học-Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã thẩm định và ủy quyền cho Sở Nông nghiệp và PTNT đến nay mới lập hồ sơ xong. Riêng kè suối Hội Phú, năm 2014 bố trí vốn 28 tỷ đồng, năm 2015 bố trí 30 tỷ đồng nhưng do còn vướng khâu giải phóng mặt bằng nên không có mặt bằng để triển khai. Do đó, năm 2015 mới tập trung triển khai phần việc của năm 2014 dẫn đến chậm tiến độ”.
Các vị tân lãnh đạo trong Thường trực HĐND, UBND tỉnh ra mắt nhận nhiệm vụ. Ảnh: Hồng Thi |
Tình trạng lãng phí trong đầu tư trang thiết bị điện tử, đồ dùng dạy học thông minh ở các trường học trên địa bàn tỉnh đã thu hút sự quan tâm của các đại biểu ngay từ đầu kỳ họp. Giải trình vấn đề này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thạch phân tích: Từ năm 2011 đến nay, Sở đã cấp 40 màn hình thông minh cho 40 trường THPT và THCS và đến nay đã sử dụng có hiệu quả. Riêng 430 trang-thiết bị dạy học ngoại ngữ chưa hiệu quả là do một số trường học sử dụng không quen, nhiều giáo viên chưa tiếp cận được với công nghệ hiện đại hoặc không dám sử dụng; một số trường khác thì cơ sở vật chất không ổn định, bảo quản chưa được tốt dẫn đến hư hỏng. Trước thực trạng đó, Sở đã tổ chức bồi dưỡng 770 đối tượng là giáo viên, nhân viên thiết bị và Ban giám hiệu các trường và có thông báo đưa việc giảng dạy ngoại ngữ bằng thiết bị này vào xét thi đua hàng năm.
Liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, bà Đặng Thị Mỹ Dung-Đại biểu HĐND tỉnh đơn vị TP. Pleiku, phản ánh: Thủ tục đầu tư ở tỉnh hiện nay khá rườm rà, doanh nghiệp đi làm thủ tục phải có đến 11 chữ ký. Do vậy, đề nghị tỉnh cần phân quyền, có sự phối hợp tốt giữa các sở, ngành để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; đồng thời rà soát đội ngũ cán bộ có tay nghề, đạo đức, có năng lực và chuyên môn phù hợp tại nơi doanh nghiệp đến làm thủ tục để hỗ trợ cho doanh nghiệp; có các chính sách hỗ trợ kịp thời để thu hút doanh nghiệp đầu tư, giải quyết bình đẳng giữa các doanh nghiệp, tránh tình trạng thu hồi đất cấp cho doanh nghiệp mới trong khi năng lực của họ không hơn doanh nghiệp cũ.
Các đại biểu biểu quyết miễn nhiệm các chức danh lãnh đạo tỉnh. Ảnh: Hồng Thi |
Vào chiều cùng ngày, các đại biểu HĐND tỉnh đã tiến hành biểu quyết miễn nhiệm và bỏ phiếu trực tiếp bầu bổ sung một số chức danh lãnh đạo trong Thường trực HĐND và UBND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2011-2016. Theo đó, miễn nhiệm chức danh Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đối với ông Hoàng Công Lự (nghỉ hưu theo quy định) và ông Đào Xuân Liên (do không đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ chức danh theo nhiệm kỳ); miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐND tỉnh đối với ông Phạm Đình Thu và chức danh Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đối với ông Rah Lan Tuấn (nghỉ hưu theo quy định). Kết quả bầu cử, ông Dương Văn Trang-Bí thư Tỉnh ủy, đại biểu HĐND tỉnh trúng cử chức vụ Chủ tịch HĐND tỉnh; bà Ayun H’Bút-Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban dân tộc HĐND tỉnh trúng cử chức vụ Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Nguyễn Đức Hoàng-Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Đak Đoa đã trúng cử chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2011-2016.
Ngày mai (11-12), kỳ họp thứ 11-HĐND tỉnh khóa X sẽ bước vào phiên bế mạc với phần chất vấn và trả lời chất vấn; thông qua các nghị quyết về các tờ trình của Thường trực HĐND, UBND tỉnh và Nghị quyết kỳ họp. GLO sẽ thông tin đến bạn đọc.
Hồng Thi
Phát biểu nhận nhiệm vụ tại kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang khẳng định: “Chúng tôi xin hứa sẽ luôn đại diện cho tâm tư, ý chí, nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của nhân dân và quyết tâm phấn đấu để HĐND tỉnh ngày càng xứng đáng là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Trong thời gian đến cố gắng ra sức tự rèn luyện để không ngừng nâng cao năng lực công tác và phẩm chất đạo đức để hoàn thành nhiệm vụ được giao cùng với tập thể Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của các Ban HĐND và đại biểu HĐND tỉnh đề cao trách nhiệm trước nhân dân; tiếp tục nghiên cứu, đổi mới phương thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh, bảo đảm được thực hiện tốt chức năng, quyết định và giám sát của HĐND đã được pháp luật quy định; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, các ngành, các cấp trong việc triển khai và giám sát việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh ở địa phương”. |