(GLO)- Từ những kiến thức tiếp nhận được trong quá trình học tập, nhóm học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương (tỉnh Gia Lai) đã nghiên cứu, chế tạo và phát triển dự án “SCF-Máy hấp cà phê”. Mới đây, sản phẩm này đã giành được giải khuyến khích tại Cuộc thi học sinh-sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp toàn quốc lần thứ IV.
Hướng đến chất lượng hạt cà phê
Chúng tôi gặp nhóm học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương thực hiện dự án gồm: Trần Văn Khải (lớp 12C3B), Trần Văn Chương (lớp 10C3B), Đào Lê Anh Quân (lớp 11A), Vũ Thị Hoàng Ngân (lớp 11A) và Nguyễn Huỳnh Diễm Phúc (lớp 11A) khi các em vừa trở về từ Cuộc thi học sinh-sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp toàn quốc lần thứ IV, tổ chức tại tỉnh Vĩnh Phúc trong 2 ngày (26 và 27-3).
Lần đầu tham gia một sân chơi lớn và đạt giải, nhóm tác giả cảm thấy rất vui mừng và tự hào. Em Trần Văn Chương chia sẻ: “Đến với cuộc thi, em thấy các bạn học sinh các tỉnh, thành phố rất sáng tạo, đầu tư nhiều cho dự án khởi nghiệp. Đem sản phẩm tham gia cuộc thi, chúng em nhận được nhiều sự cổ vũ, định hướng của Ban giám khảo để sản phẩm tạo được lòng tin với khách hàng”.
Thông tin về dự án đạt giải, em Trần Văn Khải cho biết: “Với sự biến đổi khí hậu ngày một gia tăng, việc thu hoạch và phơi cà phê của bà con nông dân ngày càng khó khăn hơn, gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Đồng thời, các kỹ thuật rang cà phê truyền thống chỉ cho phép rang hạt cà phê sau khi đã phơi khô, tách vỏ, phân loại hạt... Nhóm chúng em đã cùng nghiên cứu, cải tiến thiết bị và quy trình chế biến cà phê để có thể khắc phục được các hạn chế và nhược điểm của các loại thiết bị rang cà phê hiện có trên thị trường với mục tiêu “Nâng cao chất lượng cà phê Việt”.
|
Nhóm tác giả Trường THPT chuyên Hùng Vương bên sản phẩm máy hấp cà phê. Ảnh: Phan Lài |
Tháng 7-2021, nhóm học sinh vận dụng các kiến thức được học về cơ khí, điện, vật lý, sinh học để nghiên cứu, xây dựng dự án “SCF-Máy hấp cà phê”. Sản phẩm “SCF-Máy hấp cà phê” gồm 41 chi tiết như: phễu chứa nguyên liệu, van xả liệu, nồi hấp thu nhiệt, vòng nhiệt, đầu dò cảm biến màu, ống dẫn hơi nước… Với công nghệ hấp dùng khí nóng trong nồi hấp làm chín hạt cà phê, giữ nhiệt độ bên trong nồi hấp luôn ổn định 180-190 độ C, giúp hạt cà phê chín đồng đều từ trong ra ngoài, không bị cháy, giữ lại được những giá trị dinh dưỡng, hương vị thơm ngon. Thời gian chế biến một mẻ chừng 1 kg hết 15-20 phút; hấp hạt cà phê có độ ẩm 3,7%, thành phẩm thu được đạt khối lượng cao hơn so với các thiết bị khác.
Trong quá trình hấp, máy hấp cà phê sử dụng điện và nhiệt độ ổn định, giúp tiết kiệm nhiên liệu và chi phí khi vận hành, hiệu quả kinh tế cao hơn. Nếu rang cà phê bằng phương pháp thủ công, 1 kg sẽ thu được 0,7 kg; còn khi dùng máy hấp SCF, 1 kg thu được 0,83 kg cà phê.
Sau khi máy hấp cà phê được chế tạo thành công, nhóm tác giả đã đưa vào thử nghiệm hấp cà phê và kiểm tra độ an toàn tại Viện Khoa học Vật liệu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam. Sản phẩm cà phê sau khi hấp đạt tiêu chuẩn hàng Việt Nam chất lượng được Công ty TNHH phân tích, kiểm nghiệm Việt Tín, Cục An toàn thực phẩm công nhận. Thầy Mai Ngọc Linh-giáo viên Vật lý Trường THPT chuyên Hùng Vương-nhận xét: “Khi các em trình bày ý tưởng, tôi thấy rất hay và động viên các em cố gắng. Các em tự mày mò, nghiên cứu thực hiện, tôi chỉ hỗ trợ thêm một số kiến thức Vật lý để hoàn thiện dự án. Máy hấp cà phê được chế tạo thành công, góp phần nâng cao đáng kể giá trị cà phê thành phẩm”.
Ấp ủ dự án khởi nghiệp
Do được tích hợp công nghệ tự động nên khi sử dụng máy hấp cà phê không phải mất thời gian phơi khô cà phê và phân loại kích thước hạt. Cách vận hành máy đơn giản, an toàn, người không có chuyên môn vẫn có thể sử dụng. Máy có công suất 1 kg/lần được bán ra thị trường với giá 75 triệu đồng/máy. Tùy vào nhu cầu khách hàng, nhóm học sinh sẽ lắp ráp sản phẩm phù hợp với quy mô, công năng sử dụng.
|
Nhóm tác giả thuyết trình về sản phẩm tại Cuộc thi học sinh-sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp toàn quốc lần thứ IV. Ảnh: Trần Khải |
Cô Mai Thị Vui-Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hùng Vương: “Nhà trường luôn khuyến khích và cử giáo viên hướng dẫn, hỗ trợ học sinh nghiên cứu, sáng tạo. Việc tham gia Cuộc thi học sinh-sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp toàn quốc lần thứ IV vừa tạo cơ hội để các em giao lưu, học hỏi kinh nghiệm khởi nghiệp từ học sinh, sinh viên các tỉnh, thành phố khác. Dự án được Ban giám khảo đánh giá cao vì tính thiết thực và đây là động lực để các em nỗ lực phát triển dự án trong thời gian tới”. |
Đến nay, sản phẩm được 5 đơn vị sử dụng, tất cả đều phản hồi tích cực về sự an toàn, hiệu quả, thân thiện với môi trường, dễ sử dụng, không tốn nhân công. Ông Trần Trọng Huỳnh-Giám đốc Công ty cổ phần cà phê Thành Gia Lai (số 238 Lê Duẩn, TP. Pleiku) đang sử dụng một máy hấp cà phê nói trên-cho biết: Nếu sử dụng máy rang sấy đang bán trên thị trường, người sử dụng phải mất nhiều thời gian để theo dõi, điều chỉnh nhiệt độ tránh để cà phê bị cháy. Còn với máy hấp cà phê của các học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương, nhờ công nghệ phân tách tạp chất ngay trong quá trình chế biến, cà phê thành phẩm cho ra chất lượng đồng đều, không xảy ra hiện tượng sống hoặc cháy khét và không bị lẫn chung với vỏ lụa.
Tham gia cuộc thi khởi nghiệp tại tỉnh Vĩnh Phúc, nhóm tác giả mang theo 40 kg cà phê hấp để giới thiệu và được khách hàng các tỉnh ưa chuộng, đánh giá cao. Nhiều khách hàng xin địa chỉ liên hệ để nhóm tác giả gửi cà phê khi cần. Em Vũ Thị Hoàng Ngân chia sẻ: “Sắp tới, chúng em chú trọng cải tiến máy, mở một quán cà phê nhằm xây dựng, quảng bá thương hiệu “cà phê hấp” cũng như quảng bá máy hấp cà phê với khách hàng, hướng tới mục tiêu tăng doanh số".
THỦY BÌNH