(GLO)- Đã lâu tôi mới có dịp trở về phố huyện nơi mình từng gắn bó suốt cả tuổi thơ và không khỏi vui mừng khi thấy vùng đất nghèo nàn ngày nào giờ đã “thay da đổi thịt” với những con đường nhựa thẳng tắp, phẳng lì, nhà xây vững chãi san sát thay thế cho đường đất nắng bụi mưa lầy, nhà ván ọp ẹp khi trước.
Trong miên man chuyện cũ, chuyện mới, mẹ tôi kể: “Bữa nay nhà cô Thanh chơi lại với nhà cô Oanh rồi, không giận nhau nữa. Hôm đám cưới con trai cô Thanh, cả hai cùng chụp hình rồi đăng lên Facebook thân thiết lắm, còn mặc váy giống nhau nữa”. Thì ra sau vụ cãi nhau vì chuyện vay mượn tiền bạc cách đây cũng khá lâu rồi, 2 người vốn là chị em họ hàng xa, lại ở cạnh nhà nhau đã có một thời gian dài không qua lại.
Tôi bật cười vì chợt nhận ra rằng, chuyện xích mích rồi giận nhau cả thời gian dài giữa những người hàng xóm chẳng phải chỉ của riêng ai. Ngay cả mẹ tôi với cô láng giềng cũng từng có lúc cầm đá ném vào vách nhà nhau chỉ vì chuyện lấn đất cắm cọc hàng rào. Cũng đã có lúc hàng xóm mời đại diện chính quyền xã đến làm việc, kiện gia đình tôi chỉ vì mưa lớn làm nước và đất cuốn trôi cổng nhà của họ. Chưa kể việc gà bay nhầm chuồng, gia súc phóng uế bừa bãi sang nhà nhau và vô vàn “sự vụ” phiền phức khác cũng đủ làm nên xích mích, lời qua tiếng lại. Để rồi có khoảng thời gian dài, những người hàng xóm vốn từng thân thiết trở nên im lặng, ra đường ngó lơ, không chào hỏi nhau câu nào.
Thế rồi, qua thời gian, những sự bực dọc, tức giận kia dần tan biến. Một khoảnh khắc nào đó, trong những câu chuyện chung với nhiều người, họ lại cùng nói, cùng cười rôm rả như trước. Giận hờn, đố kỵ xưa cũ xem như chưa từng có.
Trong mỗi mâu thuẫn, không gì bằng chính những người trong cuộc tự hòa giải. Người dân quê tôi khi không thể tiếp tục “đối thoại”, họ chọn cách im lặng, không tiếp tục cự cãi để tránh đẩy sự việc đi quá xa. Khoảng lặng lúc này là cần thiết để cả hai bên cùng bình tâm suy xét đúng sai, để nghĩ lại những tháng ngày bồi đắp tình cảm xóm giềng bao năm trước. Chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ như không có, theo thời gian tình làng nghĩa xóm được hàn gắn, mọi thứ trở lại như cũ.
Tôi cũng nhận ra rằng, đó là một cách xử sự hay trong cuộc sống.
Giữa náo nhiệt, xô bồ, không ít lần chúng ta đọc hoặc nghe những vụ xô xát giữa những nhà hàng xóm chỉ vì một bất đồng, hiểu lầm không đáng có. Thay vì chọn cách im lặng, ngó lơ hoặc nhờ đến chính quyền, cộng đồng can thiệp, họ tự mình giải quyết mâu thuẫn theo cách tiêu cực nhất. Có người vì tức hàng xóm lắp camera hướng qua nhà mình mà đổ xăng đốt nhà; nhiều nhất là những vụ đánh nhau, chém giết khi bị nhắc nhở vì làm ồn, gây mất vệ sinh chung… Phải chi mỗi khi như vậy, mỗi người nhường nhịn nhau một chút, đặt vào hoàn cảnh của nhau thì hẳn sẽ không xảy ra những sự việc đáng tiếc, quan hệ hàng xóm vẫn vui vẻ, tốt đẹp.
KHÔI NGUYÊN