Mang áo mưa đi... chúc Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nếu gặp mưa thì mang áo mưa là chuyện bình thường. Nhưng chuyện tôi muốn kể ở đây là dù ngày nắng nhưng nhiều người đi chúc Tết lại mang áo mưa. Và, đây cũng không phải xứ Nghệ để có chuyện ngược đời là ngày nắng người ta lại mang áo tơi ra đồng “Cùng em khoác chiếc áo tơi ra đồng/Dù trời đổ nắng chang chang vẫn quàng...” (Ca dao em và tôi-An Thuyên).
Chư Sê đã có mạng lưới giao thông từ đô thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa khá hoàn chỉnh, một trong những yếu tố cấu thành tiêu chí để nơi đây sớm trở thành thị xã!
Chư Sê đã có mạng lưới giao thông từ đô thị đến nông thôn khá hoàn chỉnh, một trong những yếu tố cấu thành tiêu chí để nơi đây sớm trở thành thị xã (ảnh internet)
Ấy là chuyện cách đây cũng đã khá lâu, hồi năm 1993, người viết bài này được Ban Thường vụ Tỉnh ủy  điều động và chỉ định tham gia cấp ủy của huyện Chư Sê. “Lính mới”, chân ướt chân ráo vừa nhận việc, tôi đề nghị Chánh Văn phòng Huyện ủy và Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy sắp xếp lịch và hướng dẫn tôi tiếp cận cơ sở, vừa làm quen, vừa nắm tình hình ở đó, nhất là đội ngũ cán bộ xã, thôn. Bao nhiêu chuyện vui buồn xảy ra trong thời gian đầu tôi tiếp cận với công việc. Nhưng được cái là mọi người vô cùng quý mến, tận tình giúp đỡ, chỉ bảo những việc... thường ngày ở huyện. Nhờ đó, tôi cũng tiếp cận với công việc điều hành của Đảng bộ và chính quyền, Mặt trận khá tốt. Chư Sê tuy “sinh sau đẻ muộn” (thành lập ngày 17-8-1981) nhưng ngày ấy thuộc vào diện khá về phát triển kinh tế so các huyện của tỉnh. Tuy nhiên vẫn có những khó khăn nhất định. Nhất là giao thông đi lại, mùa mưa đi xuống làng, xã, nhiều khi chúng tôi phải dùng máy cày, xe cọc cạch, công nông làm phương tiện. Mùa nắng, nhiều con đường lầy bụi, bụi đỏ ngập cả nửa bánh xe ô tô, mỗi khi có xe qua hoặc gió thổi là bụi bốc lên mù trời. Cho nên, muốn không trở thành “người đỏ”, anh em cán bộ xã nảy ra sáng kiến mang áo mưa đi công tác xuống làng. Tình cờ thấy cảnh đó, mới đầu tôi lấy làm lạ, nhưng dần rồi cũng quen, rồi thì làm theo.
Tưởng chuyện mang áo mưa vào mùa nắng chỉ có ở xã, nào ngờ... Tết năm ấy, vào đúng sáng mùng Một, bà xã nhà tôi giật mình khi thấy một đoàn sáu bảy người xuất hiện trước nhà, đang tụm lại cởi áo mưa, trước khi vào nhà chúc Tết. “Nếu không có áo mưa, từ Bờ Ngoong bọn tôi lên đến đây, có mà thành người... ngoài hành tinh, anh chị thông cảm cho nhé”-một thành viên trong nhóm bảo vậy. Không chỉ có đường về xã Bờ Ngoong, mà cả 17 xã của Chư Sê khi ấy đều chưa có đường nhựa từ huyện đến xã, việc đi lại, giao thương của cán bộ và nhân dân địa phương cả 2 mùa mưa nắng đều vô cùng vất vả.  
Ngày nay, Chư Sê là huyện điển hình về đầu tư làm giao thông. Hệ thống giao thông thị trấn Chư Sê là một điển hình, tất cả các con đường đều được bê tông nhựa, rộng rãi, thông thoáng, bền chắc; cùng với hệ thống cấp thoát nước và cây xanh tạo nên đường phố vừa đẹp, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị. Được biết, Chư Sê đang cố gắng đầu tư chỉnh trang đô thị để đề nghị cấp trên thành lập thị xã trong tương lai gần. Trò chuyện với tôi, Chánh Văn phòng Huyện ủy Chư Sê Dương Mạnh Mẫn cho hay, đến nay, 100% số xã trong huyện đã có đường giao thông từ xã về huyện được nhựa hóa. Những nơi đường bị xuống cấp huyện đã kịp thời đầu tư duy tu, bảo dưỡng, đảm bảo giao thông thông suốt cả 2 mùa mưa nắng; đường từ xã đến hầu hết các làng cũng đã được đổ bê tông, cấp phối.
Giao thông thuận lợi đã tác động tích cực đến phát triển sản xuất, trao đổi giữa các vùng trong huyện. Và, nhờ giao thông phát triển cùng với nguồn điện lưới quốc gia ổn định, lao động tại chỗ dồi dào, Chư Sê đã tạo ra vùng nguyên liệu cho sản xuất, chế biến trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp khá tốt, thu hút được các nhà đầu tư bỏ vốn phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực nông-lâm nghiệp. Đã rất xa rồi cảnh mọi người mang áo mưa đi làm trong mùa nắng và có khi cả... đi chúc Tết. Giờ đây, Chư Sê đã có mạng lưới giao thông từ đô thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa khá hoàn chỉnh, một trong những yếu tố cấu thành tiêu chí để nơi đây sớm trở thành thị xã!
Đoàn Minh Phụng

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.