Lưng áo mẹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chính sự lặng lẽ đã làm nổi lên đức khiêm nhường, chịu thương chịu khó của mẹ. Phải sau này, lớn hơn chút, tôi mới cảm được sức nặng của chiếc áo đầm mồ hôi
Năng động, tháo vát là tính cách nổi trội nhất của mẹ. Công việc chính là làm ruộng nhưng mẹ bảo nếu chỉ làm đúng mấy sào ruộng nhà thì đói sấp mặt. Rồi lấy gì cho bầy con ăn, học? Vì như vậy nên vừa làm ruộng nhà vừa xếp lịch làm thuê, ai kêu gì mẹ làm nấy. Từ cày, cuốc, cấy dặm, nhổ cỏ, cắt lúa, phơi rơm đến đào khoai, nhổ mì, bẻ bắp, bê gạch… mẹ nhận tất tật công việc trong khả năng theo thời gian, mùa vụ.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Là người đàn bà của công việc, chỉ trừ những ngày sức khỏe ẩm ương mới thấy mẹ ở không chứ mẹ đi làm từ tờ mờ sáng, lúc còn chưa rõ mặt người và về tới nhà khi trời đã chập choạng tối.
Mẹ về nhà, việc đầu tiên là từ ngoài cổng, vừa đi vừa cởi áo khoác. Luôn luôn như vậy, mẹ chạy đua với thời gian. Về nhà không kịp uống gáo nước mà đi ngay vào bếp lo cơm chiều. Mẹ áy náy kêu: "Chết rồi, tối thui mà chưa có cơm, cha con chờ chút nghen, xong liền!". Và tôi, những chiều như vậy có nhiệm vụ cầm áo khoác của mẹ vắt lên sợi dây cột ngang hiên. Chiếc áo bà ba cũ mèm, xâm kim hết trọi. Áo đầm đìa mồ hôi, phần lưng áo ướt rượt, như vừa được nhúng ngập vào thau nước. Tôi cảm thán nói to: "Mẹ ơi, con vắt chiếc áo mà sợi dây oằn xuống". Mẹ vừa làm bếp vừa nói vọng ra: "Ráng học cho giỏi, mai mốt mặc đồ đẹp đi làm chứ đừng để phải ra đồng "măn tro mò trấu" như mẹ…". Phải sau này, lớn hơn chút, tôi mới cảm được sức nặng của chiếc áo đầm mồ hôi.
Tôi ở nhà nhưng nhìn áo mẹ là biết trạng thái của cánh đồng. Mùa đi cấy, áo mẹ bết bùn thành vệt. Mùa cắt lúa, áo mẹ dính rơm, cầm giũ thì những hạt thóc rớt ra từ trong túi. Bận rộn nhất là những ngày vào mùa gặt, mẹ gần như không có thời gian để giặt áo khoác. Có hôm làm về, mẹ cởi chiếc áo vứt bạch dưới đất mắng: "Dính phấn lúa, ngứa chịu không nổi". Mắng xong rồi đem ra giếng giặt trong bóng tối.
Đồng xong việc, mẹ liền vô rừng. Làm đủ thứ. Từ đi tìm lá sâm nam, hái đỏ hái sặc, chặt đác đến kiếm củi. Giỏi lắm, mẹ gần như làm được tất tần tật những công việc ở rừng mà một người đàn ông có thể làm. Những hôm đi rừng về, áo mẹ sũng mồ hôi, ngai ngái hương rừng. Chiếc áo mẹ móc bên hiên, ngồi trước sân chơi, tôi cũng ngửi được mùi lá vàng úa, mùi cây khô và cả mùi chua của trái đỏ, trái sặc. Hồi đó còn nhỏ quá, tôi chưa thể ra đồng, vô núi để nhìn mồ hôi mẹ đổ như mưa nhưng những lúc thấy mẹ vung cuốc trồng rau ngoài vườn, tôi đã quan sát "diễn biến" lưng áo mẹ. Ban đầu là những mảng ướt loang lổ, sau đó đẫm giữa lưng và từ từ sũng hết lưng áo. Chiếc áo mỏng tanh, ướt nhẹp, bết vào da, để lộ cả chiếc sẹo lồi trên lưng sau lần mẹ bị ngã trên núi.
Những ngày không thể ra đồng, vô rừng, mẹ cũng tìm việc để làm ở nhà. Mẹ bảo ở không tay chân ngứa ngáy, bứt rứt khó chịu. Khéo tay, tỉ mỉ và chịu khó, mẹ nhận lá chuối khô về đan ghế, đợt nào đứt hàng thì nhận hạt đào về bóc vỏ. Hai công việc này đòi hỏi sự chăm chút nhưng tiền công rẻ bèo. Nhưng mẹ không nề hà mà cặm cụi làm. Những ngày làm ở nhà thường là những ngày có mưa. Hơi lạnh nhưng trên trán mẹ vẫn lóng lánh những giọt mồ hôi. Làm một lát, mẹ than nóng rồi lột áo ngoài ra. Tôi cười hi hi bảo mẹ lúc nào cũng có thể đổ mồ hôi. Mẹ bảo tại tốt mồ hôi chứ không bao giờ đả động gì tới chuyện quanh năm làm lụng. Chính sự lặng lẽ đó đã làm nổi lên đức khiêm nhường, chịu thương chịu khó của mẹ. 
Nguyễn Thị Bích Nhàn (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.