Lớp học giữa đại ngàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mới khai giảng từ cuối tháng 6-2018 nhưng lớp học dành cho những người chưa một lần đến trường ở buôn Drai (xã Ea Na, huyện Krông Ana, tỉnh Đak Lak) đã thu hút đến gần 40 học viên. Đã trên dưới 40 tuổi nhưng sau giờ lao động, họ đều háo hức đến lớp để học chữ.

Trong tiết trời se lạnh, buôn Drai tối đen như mực. Giữa không gian mịt mùng sâu thẳm, chỉ có ánh điện le lói xuyên qua từ khe cửa một lớp học nằm trong khuôn viên của sân cộng đồng buôn. Lớp học xóa mù chữ cho gần 40 học viên người Ê Đê hiện hữu trước mắt tôi lúc này là mảng màu sinh động nhất của sự đồng cảm và sẻ chia. Những phụ nữ luống tuổi, những người đàn ông nước da đen sạm đang bập bẹ tập đánh vần. Cạnh họ, các thầy-cô giáo mang màu áo xanh tình nguyện vừa dạy các ông bố bà mẹ đánh vần, vừa kiên nhẫn hướng dẫn viết từng nét chữ.

 

Các học viên say sưa viết chữ. Ảnh: D.Y.T
Các học viên say sưa viết chữ. Ảnh: D.Y.T

Vừa nắn nót từng con chữ, chị H’Rem Niê (SN 1993), đang mang bầu 7 tháng, tâm sự: Gia đình 2 bên đều nghèo nên vợ chồng chị đều học hành dang dở, lấy nhau xong phải lăn lộn kiếm sống chứ không còn nghĩ đến chuyện có ngày được đi học tiếp. Khi biết thông tin có lớp học xóa mù chữ, vợ chồng chị quyết tâm đi học để một ngày được ký tên trên giấy đăng ký kết hôn.

Hai học viên khác cũng khá đặc biệt là vợ chồng bà H’Rú. Đã ngoài 50 tuổi, hàng ngày tất bật công việc làm thuê, làm mướn nhưng tối đến là ông bà lại ôm sách vở lên lớp học chữ. Bà H’Rú chia sẻ: “Tôi chưa từng được đi học, mỗi lần làm việc gì đụng tới chữ là gặp khó khăn. Thấy có lớp xóa mù chữ, vợ chồng tôi cố gắng đi học để biết ký tên mình, và biết bấm điện thoại gọi cho con lúc cần thiết”.

Trò chuyện cùng chúng tôi, chị Hòa Thị Hằng-Bí thư Đoàn xã Ea Na-cho biết: Lớp học xóa mù chữ ở buôn Drai khai giảng ngày 26-6-2018, thời gian học từ 19 đến 21 giờ các ngày thứ hai, tư, sáu trong tuần. Tuy nhiên, công tác vận động người dân tham gia lớp học cũng gặp một số khó khăn do có nhiều người chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc học, hoặc ngại đến lớp do đã lớn tuổi. “Có lúc phải đến vận động bằng cách đánh vào tâm lý họ, rằng nếu không biết ký tên sẽ không được vay vốn ngân hàng thì họ mới đồng ý đến lớp”-chị Hằng kể.

Anh Nguyễn Xuân Tiến-cán bộ Huyện Đoàn Krông Ana-thông tin thêm: Lớp học ở buôn Drai có 5 giáo viên đứng lớp, 15 tình nguyện viên và cán bộ Đoàn xã kèm cặp, hỗ trợ. Sau khi kết thúc khóa học (2 tháng), Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện còn hỗ trợ 110.000 đồng/học viên. Tất nhiên, học viên phải qua một bài kiểm tra để được cấp chứng chỉ phổ cập xóa mù chữ.

Sau nửa tháng tham gia lớp học, anh Y Wik H’Đơk (SN 1980) vui mừng nói: “Không biết cái chữ xấu hổ lắm, đi đâu người ta cũng khinh mình ngu dốt. Bây giờ được thầy cô dạy viết chữ, tôi đã biết ký tên mình, biết bấm điện thoại gọi cho họ hàng rồi”. Chị H’Bela Ađrơng cũng phấn khởi chia sẻ: “Từ khi có lớp dạy chữ của các tình nguyện viên ở buôn, nhiều hôm lên rẫy cứ nôn nóng để về sớm cho kịp buổi học. Tối nào không phải đi học, người lớn trẻ con lại cùng ngồi ôn bài. Những lúc vậy cứ thấy mình như hồi lên 9, lên 10”.

Dạ Yến Thảo

Có thể bạn quan tâm