Liên danh Renault-Nissan-Mitsubishi tái cơ cấu trong trung hạn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Do ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nhu cầu sụt giảm, doanh thu của các nhà máy ôtô của cả ba hãng đều sụt giảm nghiêm trọng.
(Nguồn: nowcar.com)
(Nguồn: nowcar.com)
Ngày 27/5, liên danh Renault-Nissan-Mitsubishi đã công bố chiến lược kinh doanh trung hạn mới lần đầu tiên kể từ khi khi cựu Chủ tịch Tập đoàn sản xuất ôtô Nissan Carlos Ghosn bị bắt giữ năm 2018 với các cáo buộc gian lận tài chính.
Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, liên danh trên sẽ tập trung hợp tác nhằm tái cơ cấu theo hướng mở rộng ủy thác sản xuất, phát triển kỹ thuật và khai thác dòng xe thế hệ mới.
Nissan sẽ điều chỉnh cắt giảm khoảng 20% khối lượng sản xuất bằng cách đóng cửa nhà máy tại Tây Ban Nha, tạm dừng xưởng chế tạo tại Mỹ và tăng ủy thác sản xuất cho hãng Renault tại châu Âu và khu vực Nam Mỹ.
Tại thị trường Đông Nam Á, Nissan sẽ ủy thác sản xuất dòng xe sedan cho Mitsubishi và ngược lại sẽ đảm nhận sản xuất máy móc, linh kiện cơ bản cho Mitsubishi.
Renault cũng cho biết sẽ đóng cửa ba nhà máy tại Pháp và cắt giảm mạnh quy mô liên danh sản xuất với Nissan.
Hãng cho biết sẽ hợp tác phát triển dòng xe thế hệ mới, hạ giá thành thông qua giải pháp đồng bộ hóa linh kiện.
Do ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 khiến nhu cầu sụt giảm, doanh thu của các nhà máy ôtô của cả ba hãng đều sụt giảm nghiêm trọng.
Các nhà máy của liên danh này tại Trung Quốc, châu Âu, châu Mỹ và Nhật Bản đã phải liên tục dừng sản xuất do gặp khó khăn về cung ứng linh kiện và tình hình kinh doanh ảm đạm.
Số lượng xe bán ra trên toàn thế giới trong tháng Ba của hãng Nissan đã giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái, Renault và Mitsubishi cũng ghi nhận mức giảm tới 47%.
Để đảm bảo nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, Nissan chủ trương sẽ tiếp nhận khoản vay 50 tỷ yen (tương đương 465 triệu USD), Mitsubishi 30 tỷ yen (khoảng 280 triệu USD) từ các tổ chức tài chính để có thể vượt qua khó khăn do dịch COVID-19.
Việc tái cơ cấu vốn của liên danh này sẽ không được đề cập trong chiến lược kinh doanh trung hạn mới lần này. Renault hiện là cổ đông lớn nhất của Nissan với mức đầu tư là 43%.
Tuy nhiên, tỷ lệ đầu tư của Nissan cho Renault chỉ là 15% và không có quyền biểu quyết. Trên thực tế, doanh thu và số lượng xe bán ra của Nissan lớn hơn rất nhiều so với hãng Renault.
Từ tháng 4/2019, hãng Renault đã thăm dò Nissan về việc sáp nhập, song không nhận được sự hưởng ứng từ phía Mitsubishi.
Theo Đức Thịnh (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Tới thời của xe 'xanh'

Tới thời của xe 'xanh'

Ứng dụng công nghệ xanh là xu hướng tất yếu, buộc các hãng xe bảo thủ như Subaru, Honda... cũng phải nhanh chóng chuyển đổi.

36.585 xe ô tô được bán ra trong tháng 9

36.585 xe ô tô được bán ra trong tháng 9

(GLO)- Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 9-2024, tổng doanh số ô tô của các đơn vị thành viên bán ra thị trường Việt Nam đạt 36.585 xe (tăng 45% so với tháng 8-2024).

Volkswagen Viloran 2023: Định nghĩa mới của mẫu SUV cao cấp

Volkswagen Viloran 2023: Định nghĩa mới của mẫu SUV cao cấp

(GLO)- Với những cải tiến vượt trội và thiết kế sang trọng, Volkswagen Viloran 2023 không chỉ đáp ứng nhu cầu của các gia đình mà còn khẳng định sự vượt trội trong phân khúc xe cao cấp. Mẫu SUV này hứa hẹn mang đến trải nghiệm lái xe đẳng cấp cho những ai yêu thích sự hoàn hảo.