Lên cổng trời xem thầy cô gieo chữ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Để đến được điểm trường tiểu học Ea Rớt thuộc trường tiểu học Cư Pui 2, xã Cư Pui, huyện Krông Bông (tỉnh Đak Lak) và điểm trường mầm non Ea Rớt, chúng tôi phải qua những con đường đất bùn lầy lội, dốc dựng đứng và nguy hiểm. Người dân vẫn gọi đây là “cổng trời” Cư Pui. Ở chốn sát chạm “thiên đình” ấy cuộc sống vẫn bộn bề khó khăn, vất vả chồng chất. Nhưng, lạ là học sinh ở đây chưa từng phải nghỉ học, ngừng học vì thiếu giáo viên.

Yêu nghề gieo chữ

Mỗi ngày cô Nguyễn Thị Trang (SN 1989-trú tại xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) phải thức dậy từ khi con gà rừng cất tiếng gáy đầu tiên, chạy xe máy trên con đường dài hơn 50 km đến trường. Cô Trang gắn bó với điểm trường tiểu học Ea Rớt hơn 3 năm nay. Theo quy định của nhà trường, mỗi giáo viên phải vào “đi sứ” tại điểm trường này ít nhất là 1 năm, sau đó luân chuyển đến điểm trường khác. Riêng cô Trang xin gắn bó lâu dài tại đây để đi về nhà... gần hơn. “Từ điểm trường về nhà tôi 50 km, nếu chuyển dạy đến điểm trường khác dù điều kiện thuận lợi hơn, nhưng về nhà xa hơn. Nên tôi xin lãnh đạo nhà trường không luân chuyển”, cô Trang mở đầu câu chuyện.

 

Giáo viên và học sinh điểm trường Ea Rớt.
Giáo viên và học sinh điểm trường Ea Rớt.

Lịch trình của cô Trang luôn được “lập trình” sẵn, tối về nhà soạn bài, sáng hôm sau thức giấc lúc tờ mờ sáng, ngồi trên “chiến mã” một mình băng băng trong màn đêm để đến trường. “Về mùa khô mất hơn 2 tiếng, về mùa mưa khó biết bao lâu... Chạy xe cơ cực lắm, phải thức dậy sớm hơn để kịp giờ lên lớp. Có những đêm trời mưa lớn, sáng hôm sau đường bị ngập, tôi phải thuê dịch vụ chở xe và người. Chỉ đi đoạn đường 20 mét nhưng phải trả 20 nghìn. Cả đi và về ngày hôm đó mất 40 nghìn. Nhưng tôi cảm thấy rất vui, vì không để các em học sinh phải chờ cô”, cô Trang kể.

Từ nhà đến trường, cô Trang phải đi qua 3 huyện. Khi chiếc xe gắn máy đến gần lòng hồ chứa nước khá lớn ở thôn Ea Rớt, cô Trang cho xe máy vào trong bụi cây để giấu, rồi tiếp tục di chuyển trên con đò… mới đến được điểm dạy. “Ngày 2 chuyến đều đặn sáng đến trường, trưa về nhà, mỗi lần qua phí 10 nghìn cho bác lái đò”, cô Trang kể. Nói là đò, nhưng thực chất là những cây gỗ, tre ghép lại, rồi gắn 4 cái thùng phuy ở phía dưới. Sau đó, có một sợi dây thừng rất dài nối bên này bờ sang bên kia bờ. Chủ con đò bám vào dây thừng, rồi nhẹ nhàng đưa người qua bên kia bờ. “Nước lòng hồ mùa mưa, cũng như ngày thường không chảy xiết, không có sóng… nên qua lại khá yên tâm”, người lái đò tự tin khẳng định.

Điểm trường Ea Rớt có 8 giáo viên, trong đó 1 giáo viên mầm non, thì có tới 6 cô ở lại. Hai cô đã lấy chồng, do con còn nhỏ nên cứ sáng đi, trưa về. Cô giáo H’Duyên RCăm (giáo viên mầm non) cho biết, vợ chồng cô ở gần trung tâm xã Cư Pui, cứ 2 ngày phải về một lần. Còn gia đình cô Trần Thị Duyên (SN 1989-trú tại xã Ea Kpam, huyện Cư M’ga) cách điểm trường Ea Rớt hàng trăm km, nên thứ 2 đến trường, cuối tuần cô mới về nhà dù con nhỏ của cô mới 2 tuổi. “Do đi dạy xa, con được 1 tuổi phải cai sữa mẹ. Tôi rất may mắn, có bố mẹ chồng và người chồng hiểu và luôn động viên… giúp tôi vượt lên khó khăn để thực hiện nhiệm vụ”, cô Duyên tâm sự.

Thời gian gần đây, học sinh ở thôn Ea Rớt không còn bỏ học giữa chừng. Đây là niềm hạnh phúc, đồng thời cũng là công lao của đội ngũ giáo viên đã thường xuyên đến tuyên truyền, động viên phụ huynh tạo điều kiện cho con em đi học. Tuy nhiên, học sinh ở đây chủ yếu là con em đồng bào người Mông luôn theo bố mẹ vào rừng, lên nương, làm rẫy nên việc truyền dạy kiến thức bộn bề khó khăn. “Do các em chỉ quen với ngôn ngữ mẹ đẻ, ít khi tiếp xúc với bên ngoài nên việc phát âm, nghe hiểu kiến thức rất chậm. Tôi phải sử dụng cử chỉ để diễn đạt. Sau một thời gian, các em mới dần hiểu. Mưa dầm thấm lâu, rồi mọi chuyện cũng suôn sẻ”, cô RCăm chia sẻ.

Thiếu thốn trăm bề

 

Hàng ngày cô Trang phải qua đò để về nhà.
Hàng ngày cô Trang phải qua đò để về nhà.

Điểm trường Ea Rớt được xây dựng khá khang trang, kiên cố. Tuy nhiên, nơi ăn chốn ở của giáo viên “cắm bản” vẫn còn thiếu thốn đủ đường. Căn nhà rộng khoảng hơn 40m2, mái lợp tôn, 4 phía thưng ván và được bày trí gồm nhà bếp và các phòng ngủ. Nói là phòng ngủ, thực ra các cô mua sắm ri đô bằng vải, sau đó dùng dây cước căng lên, thưng thành vách. Thế là mỗi cô có một khoảng trời riêng. “Đêm về ở đây rất lạnh, vì nhiệt độ xuống thấp kết hợp với gió luồn khe hở. Ban ngày, nắng to hầm hập nóng nực do mái lợp ngói xi măng phả hơi xuống”, cô Duyên nói.

Nấu được bữa cơm tươm tất cũng là cả một vấn đề. Ở nơi này, người dân vẫn hay ví von có tiền cũng chẳng biết tiêu pha vào việc gì. Để có nguồn nước nấu cơm và uống, các cô thường phải chạy xe máy hơn 5km để mua và đổi bình nước lọc, mất hơn 1 tiếng di chuyển. Phía sau khu bán trú có giếng nước đào, nhưng không sử dụng được do bị nhiễm phèn nặng.

“Thôn Ea Rớt có quán tạp hoá bán thức ăn, nhưng khi mưa xuống thì không còn gì để mua. Mỗi món trứng chiên, trứng luộc là món ăn lâu dài. Vất vả nhất vào mùa khô, chúng tôi phải sang thôn khác mua bình nước dung tích 20 lít, sử dụng nước “siêu” tiết kiệm”, cô Duyên tâm sự.

Điểm trường Ea Rớt đến nay vẫn chưa có điện, cô trò sử dụng pin năng lượng mặt trời, ban đêm dùng bình ắc quy để chiếu sáng. “Năm trước chỗ này vẫn chưa có sóng điện thoại, muốn gọi điện về nhà chúng tôi phải leo lên cây cao, ngồi đó 5 đến 10 phút máy mới bắt được sóng. Nay được lắp cột thu sóng cũng đỡ vất vả hơn. Nhưng ở đây vẫn chưa có mạng internet. Hằng ngày chúng tôi ít khi tiếp cận được thông tin ngoài xã hội”, cô Trang cho biết.

Giáo viên dạy tại điểm trường Ea Rớt được luân chuyển thường xuyên. Năm tới, họ lại chuyển đến điểm trường khác. Tất cả giáo viên của trường tiểu học Cư Pui đều phải “nếm” cảm giác vượt qua những con dốc đường đất dựng đứng vào tận “cổng trời”, gieo con chữ cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số. Hơn bao giờ hết, đội ngũ giáo viên mong muốn trường lớp của học sinh được đầu tư khang trang hơn, giáo viên có chỗ ở kiên cố hơn, mơ bể chứa nước sạch, mơ điện sáng. Mơ về một con đường đỡ hiểm nguy trơn trượt. Lại cả mơ về một chế độ đãi ngộ sao cho những người gieo chữ yên tâm và ấm lòng… Bao giấc mơ ấy, có lẽ vẫn còn xa…

Thầy Vũ Đình Tùng, hiệu trưởng trường tiểu học Cư Pui 2 cho biết: Hiện nay tiểu học Cư Pui có 6 điểm trường, trong đó điểm Ea Rớt thuộc diện đặc biệt khó khăn, nên giáo viên đang nhận được trợ cấp thu hút. Đa số giáo viên còn trẻ và có gia đình, có con nhỏ nên có người sáng đi trưa về, có người phải xa chồng con cả tuần mới gặp một lần, nhưng tất cả vẫn chấp hành nghiêm túc giờ lên lớp. Ngoài ra, khi nhà trường tổ chức họp, điều động các cô đều có mặt và tham gia đầy đủ. Chỉ có tình người và trách nhiệm với nghề nghiệp cao quý mới khiến các thầy cô gắn bó được dài lâu với những học trò vùng sâu khát chữ.

Thời gian qua, thông qua dư luận điểm trường tiểu học Ea Rớt đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều nhiều tổ chức, cá nhân. Cụ thể, Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh (GreenID, Hà Nội) bàn giao hệ thống cung cấp điện và nước sạch sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời, với tổng kinh phí gần 500 triệu.

Hệ thống cung cấp điện và nước sạch có công suất lắp đặt 6,24 KWp, sử dụng các tấm thu điện mặt trời để tạo ra năng lượng điện phục sinh hoạt và cung cấp điện cho hệ thống lọc nước tinh khiết RO (uống trực tiếp không qua đun nấu) cho người dân. Hệ thống có công suất thết kế đạt 20kWh/ngày, đáp ứng đủ nhu cầu thắp sáng cho 24 gia đình và cung cấp 700 - 1000 lít nước sạch/ngày cho người dân trong thôn. Với hệ thống này, người dân địa phương cũng như cô trò tại điểm trường tiểu học Ea Rớt bớt cảnh cơ cực thiếu nước mùa khô, thiếu điện chiếu sáng.

Vũ Long/tienphong

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.