(GLO)- Kỳ họp thứ 5, Hội đồng Nhân dân tỉnh Gia Lai khóa X diễn ra từ ngày 15 đến 18-7 sẽ lần đầu tiên triển khai việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng Nhân dân tỉnh bầu. Vấn đề này hiện đang thu hút sự quan tâm, chú ý của đông đảo người dân trong tỉnh. Để rõ hơn về điểm mới này, P.V Báo Gia Lai đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Đình Thu-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy-Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh trước kỳ họp.
- P.V: Tại kỳ họp thứ 5 Hội đồng Nhân dân (HĐND) tỉnh sắp tới sẽ tiến hành tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ các chức vụ do HĐND tỉnh bầu. Đây cũng là lần đầu tiên HĐND tỉnh thực hiện việc này. Vậy, ông có thể cho biết, HĐND tỉnh sẽ thực hiện cụ thể việc này như thế nào và công tác chuẩn bị hiện nay đã được triển khai đến đâu?
Ông Phạm Đình Thu: Đây là lần đầu tiên HĐND tỉnh tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với những người do HĐND tỉnh bầu, chưa có kinh nghiệm nên Thường trực HĐND tỉnh đã triển khai rất thận trọng. Tuyệt đối tuân thủ quy trình, thủ tục lấy phiếu tín nhiệm quy định tại Nghị quyết số 35/2012/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn và các văn bản hướng dẫn, trả lời một số vấn đề liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ các chức vụ do HĐND bầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tại kỳ họp lần này, HĐND tỉnh sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với 18 chức danh, gồm: Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND, Ủy viên Thường trực HĐND, Trưởng ban của HĐND; Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND, các thành viên khác của UBND. Việc lấy phiếu tín nhiệm ở HĐND tỉnh lần này cũng được tổ chức lấy phiếu theo 3 tiêu chí là tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp như đã làm ở Quốc hội vào cuối tháng 5 vừa qua.
Căn cứ để đánh giá mức độ tín nhiệm là việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ và đạo đức chính trị, lối sống của người được lấy phiếu tín nhiệm. Dựa trên 2 tiêu chí đó, đại biểu sẽ bỏ phiếu kín, được tự do thể hiện chính kiến của mình. Đối với người có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp có thể từ chức, đối với người có trên 2/3 tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp hoặc 2 năm liên tiếp có quá nửa số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp thì HĐND tỉnh sẽ xem xét…
Đến giờ này, mọi việc chuẩn bị cho lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND tỉnh bầu đã sẵn sàng, báo cáo của 18 vị được lấy phiếu tín nhiệm đều đã được gửi đến các vị đại biểu HĐND tỉnh trước 10 ngày theo quy định.
- P.V: Ông có thể cho biết mục đích, ý nghĩa của việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu?
Ông Phạm Đình Thu: Mục đích lấy phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của HĐND, giúp người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm để phấn đấu, rèn luyện hơn nữa, nâng cao trách nhiệm với công việc được giao. Đây cũng là cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, đánh giá, bố trí sử dụng cán bộ hợp lý.
- P.V: Đây là việc làm mới và cử tri rất kỳ vọng vào việc lấy phiếu tín nhiệm, coi đây là “thước đo” đánh giá năng lực, hiệu quả hoạt động của người cán bộ HĐND tỉnh bầu. Vậy chúng ta cần phải làm gì để việc làm trên phát huy được hiệu quả theo đúng chủ trương cũng như đáp ứng kỳ vọng của cử tri?
Ông Phạm Đình Thu: Theo tôi, việc Quốc hội quy định lấy phiếu tín nhiệm sẽ được tiến hành hàng năm là một trong những biện pháp đánh giá chất lượng đại biểu HĐND và năng lực những người “công bộc” của nhân dân. Vì thế, để phát huy hiệu quả theo đúng chủ trương cũng như đáp ứng kỳ vọng của cử tri, cần phải có sự tổng hòa các hoạt động sau:
Một là, việc lấy phiếu tín nhiệm là cách để đại biểu HĐND thể hiện chính kiến, cách đánh giá đối với từng chức danh đã được mình bầu chọn và cũng là cách để đại biểu HĐND giám sát công việc của những chức danh này, những việc đã làm được, chưa được, thông qua lá phiếu để đánh giá sự nỗ lực của người được lấy phiếu. Vì thế, đòi hỏi các đại biểu HĐND phát huy bản lĩnh, ý thức trách nhiệm, nhận thức rõ tầm quan trọng cho mỗi đối tượng được bầu chọn, thực hiện quyền của mình một cách công tâm, minh bạch và chính xác, không vụ lợi cá nhân, vì lợi ích cục bộ. Bên cạnh đó, đại biểu cũng cần phải được cung cấp đầy đủ thông tin về những người sẽ được lấy phiếu tín nhiệm (bằng nhiều kênh thông tin khác nhau, như báo cáo kết quả công tác của ngành người được lấy phiếu tín nhiệm phụ trách, kết quả giám sát của đại biểu, của HĐND...) thì mới có đủ điều kiện có thể có được quyết định đúng đắn với lá phiếu của mình, để lá phiếu đáp ứng được sự kỳ vọng của cử tri.
Hai là, người được lấy phiếu tín nhiệm phải có ý thức chuẩn bị báo cáo đầy đủ, trung thực về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của mình để giúp cho người bỏ phiếu có được những thông tin cần thiết, nghiên cứu, cân nhắc trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Từ kết quả lấy phiếu tín nhiệm, mỗi người được lấy phiếu tín nhiệm đều phải tự rút ra cho mình suy nghĩ và hành động riêng. Nếu đạt phiếu tín nhiệm cao cũng không được thỏa mãn, không bằng lòng mà tiếp tục phấn đấu để đạt kết quả tốt hơn. Những vị có phiếu đạt tín nhiệm thấp cần có kế hoạch, chương trình để tự hoàn thiện mình, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện hơn nữa để nâng cao trách nhiệm đối với nhiệm vụ, công việc được giao.
Ba là, Chủ tọa kỳ họp phải quán triệt sâu sắc, đầy đủ mục đích, yêu cầu, quy trình của việc lấy phiếu đến tất cả các vị đại biểu HĐND tỉnh và các chức danh được lấy phiếu; cung cấp đầy đủ thông tin tới các vị đại biểu HĐND tỉnh.
- P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi vừa rồi!
Minh Thi- Lê Hòa (thực hiện)