Lập kế hoạch theo định hướng cộng đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Công tác lập kế hoạch năm 2017 và giai đoạn 2017-2019 được Ban Điều phối Trung ương (CPO) và Ngân hàng Thế giới (WB) đặc biệt quan tâm. Đây là công việc liên quan mật thiết đến tiến độ hoàn thành dự án. Không những thế, việc lập kế hoạch là từ đề xuất của người hưởng lợi đưa lên, do đó, phải thực hiện kỹ càng, công trình nào cấp thiết thì đề xuất lập kế hoạch trước, thực hiện trước.

Để công tác lập kế hoạch có tính khả thi cao nhất, từ giữa tháng 8-2016, CPO đã có văn bản hướng dẫn một số nội dung liên quan đến công tác lập kế hoạch năm 2017 và giai đoạn 2017-2019 cho các địa phương hưởng lợi. Theo đó, thời gian hoàn thành công tác lập kế hoạch cấp xã vào ngày 31-8, cấp huyện ngày 15-9 và cấp tỉnh đến 15-10-2016. Ban Quản lý Dự án tỉnh sẽ trình CPO, WB xem xét, chấp thuận trong tháng 11; trình UBND tỉnh phê duyệt trong tháng 12-2016 để đưa vào thực hiện sớm các hợp phần của dự án từ đầu năm 2017.

 

Kiểm tra việc lập kế hoạch và các tiểu dự án sinh kế ở huyện Ia Pa. Ảnh. H.T
Kiểm tra việc lập kế hoạch và các tiểu dự án sinh kế ở huyện Ia Pa. Ảnh. H.T

Ông Lê Quang Đạt-Phó Giám đốc Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tỉnh Gia Lai cho biết: Thời gian qua, 25 ban phát triển xã, 5 ban quản lý dự án huyện đã nỗ lực thực hiện lập kế hoạch. Đến nay đã có 4/5 huyện hưởng lợi từ dự án gửi kế hoạch về Ban Quản lý tỉnh. Ban Quản lý tỉnh cũng đi khảo sát, kiểm tra việc lập kế hoạch tại các huyện. Qua khảo sát, kiểm tra cho thấy, Ban Quản lý Dự án các huyện thực hiện đúng thời gian quy định, nội dung lập kế hoạch theo yêu cầu của CPO, nhất là nguồn vốn phân bổ giai đoạn 2017-2019 đúng theo lượng kinh phí được giao và đáp ứng được tiến độ của dự án.

Còn theo ghi nhận của phóng viên, thời gian qua, việc lập kế hoạch năm 2017 và giai đoạn 2017-2019 đã được 25 ban phát triển xã và 5 ban quản lý huyện phát huy tính dân chủ, có sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các hộ nghèo và phụ nữ. Trong thời gian lập kế hoạch ở thôn, xã, các ban quản lý huyện, ban phát triển xã đã tổ chức trên 200 cuộc họp thôn, khu dân cư với trên 70% hộ tham gia. Qua đó, những công trình, tiểu dự án sinh kế cần kíp nhất đã được lựa chọn để triển khai thực hiện trong năm 2017 và những năm tiếp theo, phù hợp với nguồn lực, mục tiêu hỗ trợ của dự án.

Để có được kết quả đó,  nhiều ban phát triển xã, nhất là cán bộ hướng dẫn cộng đồng (CF) luôn nhiệt tình, thúc đẩy việc lập kế hoạch thành công. Chị Trương Phương Thúy-cán bộ CF xã Đak Tơ Pang (Ban Quản lý Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên huyện Kông Chro) cho biết: Đầu tháng 7-2016, chúng tôi được Ban Quản lý Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên hướng dẫn phương pháp triển khai lập kế hoạch đầu tư cho giai đoạn 2017-2019. Sau đó, tôi lên lịch họp cụ thể với Ban Phát triển xã và các hội, đoàn thể. Để buổi họp thành công, tôi soạn nội dung chi tiết buổi họp, có các biểu mẫu đi kèm về quy trình lập kế hoạch; đồng thời, chuẩn bị đầy đủ các tài liệu: giới thiệu thông tin về Dự án; thông qua kế hoạch phân bổ vốn năm 2017 cho xã, phân bổ cụ thể cho từng hợp phần để cán bộ Ban Phát triển xã nắm nội dung lập kế hoạch. Khi tiến hành họp dân, tôi đề xuất để trưởng thôn và cán bộ thôn chủ trì cuộc họp, hướng dẫn việc lập kế hoạch để người dân nắm nội dung. Sau đó, bà con đề xuất những công trình nào cần thiết nhất thì chúng tôi viết lại nội dung để làm cơ sở lập kế hoạch.

Một trong những địa phương làm tốt việc lập kế hoạch là Ban Quản lý Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên huyện Ia Pa. Tại 5 xã hưởng lợi của dự án, những CF đã vẽ sơ đồ hiện trạng thôn, làng một cách sinh động, dễ hiểu trên giấy để tuyên truyền, hỗ trợ bà con chọn những công trình, tiểu dự án cần kíp nhất để đề xuất hỗ trợ, tránh trùng lặp với sự hỗ trợ của các dự án khác trên địa bàn. “Việc làm này giúp chúng tôi không phải thuyết trình dài dòng nhưng bà con vẫn hiểu và dễ dàng tham gia ý kiến. Việc lập kế hoạch là từ đề xuất của người dân, do vậy, vẽ sơ đồ sẽ giúp người dân bao quát được toàn bộ ranh giới, địa giới hành chính của xã, thôn và có thể trao đổi về các tiềm năng, thuận lợi, khó khăn của địa phương. Đồng thời, cán bộ CF và Ban Phát triển xã định hướng cho bà con về nhóm cây, con mới, đem lại lợi nhuận để bà con tham khảo. Bà con thấy cây, con đó phù hợp với điều kiện của địa phương thì đề xuất để lập kế hoạch cuối cùng”-ông Võ Tấn Công-Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên huyện Ia Pa cho biết.

Hà Tây

Có thể bạn quan tâm