(GLO)- Ngôi làng mà chúng tôi muốn nhắc đến là Ea Luh (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai) hay còn gọi là làng Xê Đăng (98% dân số trong làng là người Xê Đăng). Sở dĩ, gọi làng đông con, vì làng có 120 hộ dân nhưng có tới gần 700 nhân khẩu, một số hộ có tới 9-10 người con.
“Tránh thai là có lỗi”
Khi mới nghe cứ tưởng rằng Ea Luh phải nằm khá heo hút, thực chất ngôi làng cách trung tâm xã chưa đầy 3 km. “Trong làng, chuyện đẻ 6-8 đứa con là bình thường, có một số cặp vợ chồng đẻ 9-11 đứa con rồi nhưng vẫn muốn đẻ tiếp. Họ cho rằng, dân tộc Xê Đăng vốn ít người hơn so với các dân tộc anh em khác nên cần đẻ nhiều để cho cân bằng. Hơn nữa, một số hộ còn tư tưởng ỷ lại, đẻ nhiều để khi Nhà nước hỗ trợ gạo, mắm… sẽ được nhận phần hơn”-ông Khê-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Ea Luh cho biết. Chính vì lối suy nghĩ và so sánh tiêu cực này nên tình trạng đông con vẫn tồn tại trong làng như một hệ lụy.
Chị A In bên các con. Ảnh: P.D |
Dẫn chúng tôi xuống làng, chị Trần Thị Thanh Nga-cán bộ Dân số xã Nghĩa Hưng cho hay: “Chẳng cần nói đâu xa, ngay vợ chồng Trưởng thôn Kpăh Hon cũng có tới 9 đứa con. Con trai lớn vừa cưới vợ năm ngoái cũng sống cùng cha mẹ, con thứ 9 mới khoảng 8 tháng tuổi”. Khi chúng tôi ghé nhà, chị A In-vợ anh Kpăh Hon cùng 3 cô con gái nhỏ đang ngồi bệt dưới hiên nhà với rổ khoai luộc. Thấy có khách, chị A In vội địu con đứng lên đi tìm chiếu để mời khách ngồi. Chị xởi lởi: “Ngồi ngoài này cho mát chứ trong nhà chật chội và nóng lắm”. Thật vậy, căn nhà cấp 4 rộng chừng 100 m2 chẳng có gì đáng giá ngoài vài chiếc giường được kê làm chỗ ngủ cho 12 thành viên trong gia đình.
Ở tuổi 42, chị A In nhìn già hơn rất nhiều so với những người phụ nữ cùng tuổi, có lẽ nguyên nhân một phần do chị phải trải qua nhiều lần sinh nở. “Đẻ nhiều mệt lắm, nhưng chồng bảo phải để tự nhiên, chứ dùng các biện pháp tránh thai là có lỗi với ông bà, cha mẹ”-chị A In chia sẻ. Mặc dù biết khổ, biết mệt, nhưng cứ nói đến chuyện sinh con là người phụ nữ ấy lại nghe chồng một cách tuyệt đối. Tôi hỏi “Có 9 đứa con rồi, thế chị có đẻ tiếp nữa không?”. Chị cười: “Chưa biết được, nếu có bầu tiếp thì đẻ thôi! Đông con, nhìn chúng khôn lớn hàng ngày thấy vui lắm!”. Chính vì sinh nhiều con nên đầu năm 2016, Kpăh Hon đã xin thôi chức trưởng thôn.
Chuyển biến từ thế hệ trẻ
Nói về quá trình thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân trong làng thực hiện kế hoạch hóa gia đình, chị Trần Thị Thanh Nga cho rằng: Đây là thách thức lớn đối với cán bộ dân số, cộng tác viên dân số trong suốt nhiều năm liền. Bởi, mỗi khi cộng tác viên dân số tuyên truyền, người dễ tính thì vẫn địu con đến nghe xong, cười rồi về. Người khó tính một chút thì bảo “Các cô, các chú nói chuyện khác đi chứ chuyện sinh đẻ chúng tôi không nghe đâu”; thậm chí có người còn nặng nề “Con chúng tôi đẻ ra, chúng tôi nuôi chứ các cô có nuôi đâu mà lo”… Vì vậy, tỷ lệ sinh ở Ea Luh vẫn nằm ở mức báo động trong nhiều năm liên tiếp. Đông con, cộng với đất đai cằn cỗi, thói quen canh tác lạc hậu nên đến nay tỷ lệ hộ nghèo của làng vẫn còn 85%.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Công Minh-Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hưng thì hai năm trở lại đây, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương, về cơ bản làng đã có những chuyển biến tích cực trong việc kế hoạch hóa gia đình, nhất là lớp trẻ. Đặc biệt, nhiều cặp vợ chồng đã nhận ra rằng: Nếu cứ sinh con đông thì cái đói, cái nghèo sẽ còn hiện hữu!
Đưa tay xoa xoa bụng bầu 3 tháng tuổi, rồi ngoảnh đầu ra sau lưng nhìn cậu con trai hơn 1 tuổi đang say giấc ngủ, chị Si Na bẽn lẽn: “Sinh xong đứa này, hai vợ chồng mình dự định sẽ dùng các biện pháp tránh thai chứ sinh liên tiếp thế này khổ quá!”. Như để giải thích cho cái khổ của mình, chị tiếp lời: “Bố mẹ chỉ cho đất làm nhà thôi, mình phải tự làm, tự nuôi con. Mà vợ chồng mình không có tiền để dành, không có đất canh tác, không có công việc ổn định nên hàng ngày chỉ biết trông vào ngày công lao động của anh. “Cả tuần, hai vợ chồng chỉ dám mua 1 bì cá khô 20 ngàn đồng, tiền còn lại phải dành dụm để mua sữa cho con. Mình muốn con thông minh nhưng mua sữa tốn nhiều tiền quá, nên sẽ đẻ ít thôi…”.
Với phương châm “mưa dầm thấm lâu” của các cấp, các ngành và các cộng tác viên dân số, nhiều cặp vợ chồng trẻ trong làng đã không còn cảm thấy ngượng ngùng mỗi khi nhắc chuyện kế hoạch hóa gia đình hay sử dụng các biện pháp tránh thai. “Đến nay, làng đã có 32 chị đã sử dụng biện pháp tránh thai, 3 người đã sử dụng biện pháp triệt sản”-chị Thanh Nga cho biết. Một số chị cũng tình nguyện trở thành tuyên truyền viên dân số, tích cực tham gia cùng với cán bộ dân số trong công tác tuyên truyền, vận động. Hy vọng với lối suy nghĩ tích cực của thế hệ trẻ trong làng, Ea Luh trong tương lai sẽ thoát khỏi cái tên… làng đông con.
Phương Dung