Làn sóng thắt chặt chính sách tiền tệ đã chuyển hướng sang châu Á?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Indonesia, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia... đều đã tăng lãi suất trong tháng 11, điều này cho thấy làn sóng thắt chặt chính sách đã chuyển hướng sang châu Á và đang dần rời xa Mỹ Latinh và châu Âu.

Đồng won của Hàn Quốc. (Ảnh: freepik.com/TTXVN)
Đồng won của Hàn Quốc. (Ảnh: freepik.com/TTXVN)



Tốc độ và quy mô nâng lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu đã tăng trở lại trong tháng 11/2022, khi các nhà hoạch định chính sách quyết tâm làm hạ nhiệt tỷ lệ lạm phát đang ở mức cao kỷ lục.

Các ngân hàng trung ương của sáu trong số 10 quốc gia có các đồng tiền tệ được giao dịch nhiều nhất thế giới đã tăng lãi suất thêm tổng cộng 350 điểm cơ bản vào tháng trước.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng trung ương Anh (BoE), Ngân hàng Dự trữ Australia, Ngân hàng Norges của Na Uy, Ngân hàng Riksbank của Thụy Điển và Ngân hàng Dự trữ New Zealand đều tăng lãi suất trong tháng 11.

Nếu tính trong cả năm 2022, đến hết tháng 11/2022, các ngân hàng trung ương tại 10 nền kinh tế phát triển (nhóm G10) đã tăng lãi suất thêm tổng cộng 2.400 điểm cơ bản.

Ở chiều ngược lại, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng trung ương Canada, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ và Ngân hàng trung ương Nhật Bản đã không tổ chức các cuộc họp về lãi suất trong tháng 11.

Chuyên gia Alexandra Dimitrijvic tại hãng xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings cho biết: “Lãi suất sẽ tiếp tục tăng cho đến năm 2023. Quyết tâm giảm lạm phát của các ngân hàng trung ương cho thấy lãi suất chính sách sẽ vẫn tiếp tục tăng cao.”

Thị trường tài chính toàn cầu đã biến động mạnh trong những tuần gần đây, khi giới đầu tư cố gắng đánh giá về lộ trình tăng lãi suất của Fed và các ngân hàng trung ương lớn khác, trong khi những lo ngại về suy giảm tăng trưởng toàn cầu đang ngày một lớn.

Một số dấu hiệu cho thấy lạm phát có thể đang tăng chậm lại ở Mỹ đã mang lại sự hứng khởi cho các thị trường trong những ngày gần đây, với việc các quan chức Fed dự kiến nhóm họp trong hai ngày 13 và 14/12.

Hôm 30/11, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết thể chế này có thể giảm tốc độ tăng lãi suất "ngay sau tháng 12".


Dữ liệu từ ngân hàng trung ương của các thị trường mới nổi cũng cho thấy một mô hình tương tự. Tám trong số 18 ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất tổng cộng 400 điểm cơ bản trong tháng 11, từ mức chỉ 325 điểm cơ bản của tháng 10. Mặc dù vậy, con số này vẫn thấp hơn mức hơn 800 điểm cơ bản hàng tháng trong hai tháng Sáu và tháng Bảy.

Indonesia, Hàn Quốc, Mexico, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Israel và Nam Phi đều đã tăng lãi suất trong tháng 11. Điều này cho thấy làn sóng thắt chặt chính sách đã chuyển hướng sang châu Á và đang dần rời xa khu vực Mỹ Latinh và châu Âu, nơi chu kỳ này sắp kết thúc.

Chuyên gia Nafez Zouk tại công ty quản lý tài sản Aviva Investors cho biết: “Ngoại trừ một số quốc gia, chúng ta đã trải qua giai đoạn khốc liệt nhất của chu kỳ tăng lãi suất”.

Sự khác biệt xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi Tổng thống Tayyip Erdogan điều chỉnh giảm lãi suất thêm 150 điểm cơ bản để đưa chỉ số này xuống mức một con số, bất chấp lạm phát đang ở mức trên 80%.

Tính toán cho thấy ngân hàng trung ương tại các thị trường mới nổi đã tăng lãi suất tổng cộng 7.165 điểm cơ bản từ đầu năm đến nay, cao gấp đôi so với mức 2.745 điểm cơ bản của cả năm 2021.

Theo Phương Nga (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Vàng loạn giá trước giờ G

Vàng loạn giá trước giờ G

Tăng, giảm hàng triệu đồng mỗi phiên, lập đỉnh rồi phá đỉnh, thỉnh thoảng khan hiếm vàng nhẫn..., thị trường vàng biến động khó lường, khó đoán trước thời hạn Ngân hàng Nhà nước phải đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong quý 1 này theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.