Lần đầu tiên trực thăng sao Hỏa ngừng bay vì thời tiết xấu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Lần đầu tiên, một chuyến bay trên sao Hỏa bị hoãn do thời tiết xấu. 
 
Trực thăng sao Hỏa Ingenuity của NASA ở
Trực thăng sao Hỏa Ingenuity của NASA ở "sân bay J" (sân bay thứ 10) thuộc khu vực địa chất "Séíitah" trên sao Hỏa trong bức ảnh do tàu Perseverance chụp ở khoảng cách khoảng 295m. Ảnh: NASA
Theo NASA, trực thăng Ingenuity dự kiến ​​bay lên bầu trời sao Hỏa vào ngày 5.1 nhưng đã phải lùi thời gian xuất phát vì một cơn bão bụi mạnh bất thường trên sao Hỏa. Hiện tại, nhóm nghiên cứu dự kiến chuyến bay số 19 trên sao Hỏa sẽ diễn ra ngày 23.1. 
Sao Hỏa nhỏ hơn và có bầu khí quyển ít đặc hơn Trái đất nhưng vẫn phải trải qua sự thay đổi của các mùa cũng như gió lớn, bão bụi và mây băng.
Các tàu quỹ đạo quay quanh hành tinh đỏ cùng các công cụ trên các sứ mệnh như tàu thám hiểm sao Hỏa Perseverance và tàu đổ bộ InSight đang giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về thời tiết trên sao Hỏa. Tuy nhiên, cũng giống như yếu tố bất định mà các nhà khí tượng học trên Trái đất gặp phải, dự báo thời tiết trên hành tinh khác thậm chí còn khó hơn.
Hiểu biết về thời tiết và những thay đổi theo mùa trước các chuyến bay của trực thăng Ingenuity là yếu tố quan trọng với sự thành công của 18 chuyến bay trước đó của NASA. Chiếc trực thăng nhỏ 1,8kg đã bay trong điều kiện mùa xuân và mùa hè trên sao Hỏa và mùa thu hay còn là "mùa bụi" sẽ bắt đầu vào ngày 24.2 tới.
 
Cơn bão bụi che khuất vị trí của tàu thám hiểm sao Hỏa Perseverance và trực thăng sao Hỏa Ingenuity (vòng tròn màu trắng). Ảnh: NASA
Cơn bão bụi che khuất vị trí của tàu thám hiểm sao Hỏa Perseverance và trực thăng sao Hỏa Ingenuity (vòng tròn màu trắng). Ảnh: NASA
Khi các mùa thay đổi, mật độ không khí trải qua một chu kỳ lên xuống ở sao Hỏa. Mật độ không khí là một trong hai yếu tố quan trọng khi tính toán các điều kiện thuận lợi cho chuyến bay trên sao Hỏa. Yếu tố còn lại là tốc độ gió. 
CNN cho hay, nhóm sứ mệnh trực thăng Ingenuity đã bất ngờ khi phát hiện một cơn bão bụi mạnh bất thường ập đến ở vùng miệng núi lửa Jezero vào ngày đầu tiên của năm 2022, cơn bão đến sớm hơn mùa bụi.
Jonathan Bapst và Michael Mischna của Nhóm Thời tiết và Môi trường tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) của NASA ở Pasadena, California, cho hay: “Thực tế là chúng tôi chưa bao giờ thấy một cơn bão mạnh như vậy vào năm ngoái". 
Tàu thám hiểm sao Hỏa Perseverance lần đầu tiên phát hiện cơn bão tiếp cận vào tháng 1.2022 khi thấy bụi bốc lên xung quanh 2 robot thám hiểm trong miệng núi lửa Jezero.
Từ quỹ đạo, tàu quỹ đạo do thám sao Hỏa MRO đã quan sát thấy cơn bão bụi mở rộng di chuyển từ bán cầu nam sang bán cầu bắc của sao Hỏa. Từ góc quan sát của tàu quỹ đạo, có thể thấy cơn bão đang hướng tới miệng núi lửa và 2 robot thám hiểm đang có mặt ở miệng núi lửa. 
Nhóm nghiên cứu đã kêu gọi hoãn chuyến bay trên sao Hỏa. Kết quả cho thấy nhóm đã đúng khi thực hiện việc này bởi ngay sau khi hoãn chuyến bay của trực thăng sao Hỏa Ingenuity, cơn bão bụi đã đi qua miệng núi lửa. Hiện tại, cơn bão đã tan và Ingenuity lại một lần nữa chuẩn bị cất cánh trên sao Hỏa. 
HẢI ANH (LĐO)

Có thể bạn quan tâm