Tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản chỉ đạo lấy ý kiến người dân, chuyên gia giao thông về việc lắp đặt đèn xanh đèn đỏ ở một số vị trí tại TP. Đà Lạt
|
Cảnh sát giao thông vất vả điều tiết giao thông vì không có đèn xanh đèn đỏ. Ảnh: LÂM VIÊN |
Ngày 14.1, Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành văn bản truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh - ông Trần Văn Hiệp về tiến độ thực hiện các công trình quanh hồ Xuân Hương và một số công trình trên địa bàn TP. Đà Lạt; trong đó có phần chỉ đạo lấy ý kiến người dân, chuyên gia giao thông… về việc lắp đặt đèn tín hiệu giao thông (đèn xanh đèn đỏ) ở một số vị trí tại TP.Đà Lạt.
|
Đến đầu năm 2021, Đà Lạt là thành phố duy nhất cả nước không có đèn xanh đèn đỏ ẢNH: LÂM VIÊN |
Lần đầu lãnh đạo tỉnh có văn bản chỉ đạo
Văn bản chỉ đạo nêu rõ: “Giao Sở Xây dựng lựa chọn thời điểm thích hợp, lấy ý kiến người dân, cán bộ đảng viên, chuyên gia giao thông, cán bộ lão thành… các sở ngành về việc lắp đặt đèn tín hiệu giao thông ở một số điểm có mật độ giao thông cao gắn với xây dựng phát triển đô thị thông minh trên địa bàn TP.Đà Lạt, báo cáo đề xuất UBND tỉnh”.
Đây là lần đầu tiên UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản chỉ đạo cơ quan chức năng lấy ý kiến cán bộ, người dân, chuyên gia về việc lắp đặt đèn tín hiệu giao thông (đèn xanh đèn đỏ) trên địa bàn TP.Đà Lạt.
|
Lực lượng CSGT phải làm việc cật lực vào các dịp lễ, tết để điều tiết giao thông ẢNH: LÂM VIÊN |
Trước đây, khi PV Thanh Niên đặt vấn đề tại sao không lắp đặt đèn xanh đèn đỏ tại TP. Đà Lạt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng thời điểm đó nêu quan điểm: “Đà Lạt không đèn xanh đèn đỏ” là nét đặc trưng của phố núi mộng mơ. Đà Lạt có nhiều đường dốc nên xây dựng các vòng xoay tại các ngã ba, ngã tư thay thế cho đèn tín hiệu giao thông".
Đà Lạt sẽ không còn là thành phố "ba không"?
Như Thanh Niên nhiều lần phản ánh, vào giờ cao điểm hằng ngày cũng như các dịp lễ tết, nhiều tuyến đường tại TP.Đà Lạt bị ách tắc giao thông nhiều giờ. Nguyên nhân, lượng phương tiện lưu thông quá nhiều trong khi đường phố Đà Lạt chật hẹp. Mặt khác, TP.Đà Lạt không có hệ thống đèn xanh đèn đỏ để điều tiết giao thông.
Do đó, cứ đến giờ cao điểm và mỗi dịp lễ tết, Công an TP.Đà Lạt phải huy động 100% lực lượng cảnh sát giao thông - trật tự, công an các phường đội mưa dầm nắng, túc trực tại các ngã ba, ngã tư, các vòng xoay để điều tiết giao thông cả ngày lẫn đêm .
|
Mỗi dịp lễ tết và giờ cao điểm Đà Lạt lại kẹt xe ẢNH: LÂM VIÊN |
Một lãnh đạo Sở GTVT Lâm Đồng cho biết trước đây đơn vị này và một vài đơn vị khác từng đề xuất UBND tỉnh nghiên cứu cho lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông nhưng chưa được xem xét. Theo vị này, việc lắp đặt đèn tín hiệu giao thông là rất cần thiết đối với TP.Đà Lạt trong thời điểm hiện tại, đặc biệt khi Đà Lạt đang nỗ lực xây dựng phát triển thành đô thị thông minh. Mặt khác, còn giúp giải phóng bớt sức lực của lực lượng cảnh sát giao thông - trật tự, bớt đi sự vất vả, cực nhọc của người tham gia giao thông.
Theo thống kê, trên địa bàn TP. Đà Lạt có các “điểm nóng” kẹt xe như: ngã tư Phan Chu Trinh, ngã 5 đại học, vòng xoay 3 tháng 2 - Hải Thượng, vòng xoay 3 tháng 2 - Hoàng Văn Thụ - Trần Phú - Trần Lê, Vòng xoay đài phun nước trung tâm, vòng xoay cầu Ông Đạo, vòng xoay Trần Phú - Bà Triệu - Đào Duy Từ…
|
CSGT giữa rừng xe đến Đà Lạt tham quan du lịch ẢNH: LÂM VIÊN |
Những năm gần đây, vào mùa cao điểm du lịch, nhiều đoàn xe chở du khách đi từ đầu đèo Prenn (cửa ngõ TP.Đà Lạt) vào đến chợ Đà Lạt chỉ khoảng 3km nhưng phải mất từ 45 phút đến 60 phút di chuyển. Có những xe cứu thương chở bệnh nhân đi cấp cứu không thể lách qua rừng xe kẹt cứng tại các vòng xoay…
|
Đà Lạt sẽ bớt kẹt xe khi lắp đặt đèn xanh đèn đỏ? ẢNH: LÂM VIÊN |
Nhiều người dân đang mong TP.Đà Lạt sớm lắp đặt đèn tín hiệu giao thông để giảm bớt ách tắc xe cộ, dù Đà Lạt sẽ mất đi “danh hiệu” thành phố “3 không”: không đèn xanh đèn đỏ, không xích lô, không máy lạnh.
Theo Lâm Viên (TNO)