Làm giàu từ nuôi dê và vịt siêu trứng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhờ nắm vững kỹ thuật chăn nuôi và đầu tư bài bản nên mô hình nuôi vịt siêu trứng và dê Boer của ông Huỳnh Ngọc Phương (làng Briêng, xã Ia Boòng, huyện Chư Prông, Gia Lai) đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp ông bỏ túi hơn nửa tỷ đồng mỗi năm.
Mỗi ngày xuất bán gần 3.000 quả trứng
Trước khi đến với vịt siêu trứng, ông Phương từng nuôi nhiều loại gia cầm, trồng nhiều loại cây khác nhau nhưng cho hiệu quả kinh tế không cao. Một lần tình cờ đọc trên mạng internet biết đến mô hình nuôi vịt siêu trứng tại một trang trại khép kín ở tỉnh Đak Lak, ông lặn lội tìm đến tham quan, học hỏi.
Sau đó, ông Phương mạnh dạn phá bỏ 2 sào trong tổng số 2 ha cà phê đang trong giai đoạn kinh doanh để làm trang trại chăn nuôi vịt. Ông làm chuồng bài bản với máng nước, máng ăn tự động, ao hồ cho vịt tắm... với tổng mức đầu tư 350 triệu đồng. Đầu tiên, ông mua hơn 1.000 con vịt siêu trứng cao cổ (giá 100.000 đồng/con) về nuôi thử. Do ông đã nắm bắt được kỹ thuật nuôi và đầu tư làm chuồng trại phù hợp nên đàn vịt phát triển tốt, tỷ lệ đẻ trứng cao. Thấy 1.000 con vịt siêu trứng cao cổ cho hiệu quả kinh tế cao, ông Phương quyết định tiếp tục tăng đàn. Đến nay, sau gần 2 năm, đàn vịt của gia đình ông Phương đã lên tới 3.000 con. Trung bình mỗi ngày trang trại của ông xuất ra thị trường gần 3.000 quả trứng với giá trung bình 2.000 đồng/quả, sau khi trừ hết chi phí còn cho lãi 30 triệu đồng/tháng.  
 Ông Huỳnh Ngọc Phương bên đàn vịt siêu trứng. Ảnh. Đ.Y
Ông Huỳnh Ngọc Phương bên đàn vịt siêu trứng. Ảnh. Đ.Y
Ông Phương cho biết, trung bình mỗi con vịt đẻ được 200 quả trứng/năm. Nuôi vịt siêu trứng trên cạn rất nhàn mà lại cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với các loại vật nuôi khác. Một ngày, ông Phương chỉ đổ cám 2 lần (6 giờ sáng và 3 giờ chiều) cho vịt ăn, tốn thêm ít thời gian xịt nước tắm cho vịt. 5 giờ sáng hôm sau đi nhặt trứng, dọn vệ sinh chuồng, làm ổ cho vịt đẻ trứng. Phân vịt cũng được người dân tìm đến tận nơi thu mua với giá 80.000 đồng/bao.
Chia sẻ về kỹ thuật nuôi vịt siêu trứng, ông Phương cho hay đây là giống vịt dễ nuôi và ít mắc bệnh. Tuy nhiên, người nuôi cần chú ý tiêm vắc xin phòng bệnh cho vịt. Ngoài ra, vịt cần ăn uống, nghỉ ngơi đúng giờ, chuồng trại đảm bảo yên tĩnh, thoáng mát.
Nuôi dê Boer siêu thịt cho lợi nhuận cao
Bên cạnh đó, ông Phương còn nuôi hàng trăm con dê giống Boer siêu thịt xuất xứ từ Mỹ. Theo kinh nghiệm của ông Phương, để nuôi dê đạt hiệu quả thì cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật từ khâu làm chuồng trại đến theo dõi, quản lý đàn dê. Vì dê là loại động vật không ưa độ ẩm cao nên chuồng trại  thường được dựng bằng tre nứa hoặc gỗ để đảm bảo thông thoáng. Dê khá nhạy cảm, dễ bị các bệnh như: chướng bụng, đầy hơi, loét miệng, đau mắt... nên thức ăn cho dê phải đảm bảo vệ sinh. Ngoài ra cần thường xuyên quét dọn chuồng trại, phát hiện, cách ly và chữa trị kịp thời những con dê bị bệnh để tránh lây nhiễm cho cả đàn.
Dê cái được nuôi dưỡng tốt sau 8-9 tháng, đạt trọng lượng 40-50 kg/con thì sẽ bắt đầu sinh sản. Dê sinh sản nhanh, trung bình 14 tháng đẻ 2 lứa, mỗi lứa 2-3 con. Dê thịt nuôi khoảng 6 tháng đạt trọng lượng 35-40 kg có thể xuất chuồng với giá thị trường 130.000 đồng/kg, còn dê giống là 150.000 đồng/kg. “Mỗi năm, gia đình tôi xuất chuồng gần 300 kg dê thịt và dê giống, sau khi trừ công chăm sóc, thức ăn thì lợi nhuận thu về trên 300 triệu đồng”-ông Phương chia sẻ.
Ông Đoàn Anh Ngọc-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Boòng-nhận xét: Việc đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi của gia đình ông Phương đã góp phần mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế gia đình của nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã. Địa phương rất quan tâm, khuyến khích những mô hình kinh tế trang trại như thế để giúp người dân nâng cao thu nhập.
 ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.