Lâm Đồng yêu cầu xác minh việc khai thác khoáng sản trái phép

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện Đơn Dương phối hợp thực hiện tổ chức kiểm tra, xác minh các thông tin việc khai thác khoáng sản trái phép theo phản ánh của TTXVN.
Một khu vực ở thôn Bokabang, xã Tu Tra bị đào bới trái phép lấy đất và đá xây dựng. Ảnh: TTXVN
Một khu vực ở thôn Bokabang, xã Tu Tra bị đào bới trái phép lấy đất và đá xây dựng. Ảnh: TTXVN
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản, đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện Đơn Dương kiểm tra, xử lý việc san gạt, cải tạo mặt bằng, khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép theo nội dung phản ánh của báo chí.
Cụ thể, văn bản số 3692/STNMT-KS&TNN của Sở Tài nguyên và Môi trường nêu: Ngày 17/11/2021, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), báo Pháp luật Việt Nam đưa tin phản ánh hoạt động san gạt, cải tạo mặt bằng, khai thác vận chuyển đất, đá gây hư hỏng đường giao thông tại xã Tu Tra, huyện Đơn Dương.
Tiếp thu phản ánh của cơ quan báo chí, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện Đơn Dương phối hợp thực hiện tổ chức kiểm tra, xác minh các thông tin theo phản ánh của TTXVN, báo Pháp luật Việt Nam cũng như kiểm tra, rà soát tất cả các địa bàn khác về tình trạng khai thác khoáng sản hoặc lợi dụng việc được cơ quan có thẩm quyền cho phép san gạt, cải tạo mặt bằng để khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép.
Nếu có vi phạm thì phải đình chỉ, chấm dứt việc san gạt, cải tạo mặt bằng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 23/11/2021.
Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện Đơn Dương thực hiện nghiêm Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 4/8/2021 của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản và hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh; cùng một số văn bản chỉ đạo, Thông báo kết luận của Ủy ban Nhân dân tỉnh và các văn bản của Sở Tài nguyên và Môi trường về hoạt động khoáng sản trên địa bàn.

Cả một ngọn núi ở thôn 3, xã Đạ Ròn (Đơn Dương) bị doanh nghiệp moi ruột lấy đất và đá xây dựng đi bán. Ảnh: TTXVN
Cả một ngọn núi ở thôn 3, xã Đạ Ròn (Đơn Dương) bị doanh nghiệp moi ruột lấy đất và đá xây dựng đi bán. Ảnh: TTXVN
Trước đó trong 2 ngày 17/11 và 19/11, TTXVN đã phản ánh về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, đang diễn ra ồ ạt, công khai trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Sự việc này không chỉ xảy ra ở huyện Đơn Dương, mà còn xảy ra trên địa bàn các huyện lân cận, nhưng không hề được xử lý. Tình trạng đó đã khiến cho dư luận xã hội rất bức xúc từ nhiều năm nay, nhất là khi các đoàn “xe vua” chở đất đá ngang nhiên chạy rất hung dữ trên các tuyến đường, kể cả quốc lộ và tỉnh lộ trên khu vực này.
Việc khai thác, mua bán, vận chuyển khoáng sản trái phép của một số doanh nghiệp lớn diễn ra công khai với quy mô lớn trong nhiều năm dường như có sự bao che, tiếp tay của chính quyền địa phương.
Tình trạng này đã làm "chảy máu" nguồn tài nguyên, thất thu ngân sách nhà nước, gây hư hỏng trầm trọng đường xá trong khu vực; đồng thời gây mất lòng tin của người dân vào năng lực quản lý và sự trong sạch của đội ngũ cán bộ chính quyền địa phương cùng lực lượng chức năng...
Chu Quốc Hùng (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.