Lâm Đồng: Xót xa nông dân vứt bỏ rau, hoa vì càng bán càng lỗ nặng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mặc dù rau, hoa đã lớn đến lúc thu hoạch nhưng người nông dân tỉnh Lâm Đồng phải phá bỏ vứt đi vì không bán được. Với giá bán thấp nhưng phí vận chuyển tăng gấp 2-3 lần khiến người dân không dám bán vì càng bán càng lỗ nặng.
Video: Người dân phải "phá" bỏ rau vì "có bán được vẫn lỗ".  
Đó là câu chuyện hiện nay xảy ra trên địa bàn TP.Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Phóng viên Dân Việt trực tiếp có mặt tại cánh đồng trồng rau xà lách carol của bà Nguyễn Thị Thanh Ngà (phường 8, TP.Đà Lạt) và cảm thấy tiếc thay cho người nông dân bởi hàng chục tấn rau phải bẻ bỏ, đổ bờ.

Người dân tại phường 8, TP.Đà Lạt bẻ bỏ rau xà lách do không bán được. Ảnh: Văn Long.
Người dân tại phường 8, TP.Đà Lạt bẻ bỏ rau xà lách do không bán được. Ảnh: Văn Long.
Trao đổi với phóng viên, bà Ngà cho hay: "Gia đình tôi có 1,2ha đất trồng rau, toàn bộ là xà lách carol. Trước đó, 2.500m2 trồng rau này tôi đã cho các đoàn thiện nguyện đến cắt rau đưa đi hỗ trợ bà con ở vùng dịch như TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương. Hiện 4.000m2 này (sản lượng trên 20 tấn) tôi chờ để đưa đi bán nhưng do dịch ảnh hưởng quá nên rau không thể đưa đi được, buộc lòng phải bẻ bỏ, đổ bờ".

4.000m2 đất trồng xà lách của gia đình bà Ngà phải phá bỏ, thiệt hại khoảng 100 triệu đồng. Ảnh: Văn Long.
4.000m2 đất trồng xà lách của gia đình bà Ngà phải phá bỏ, thiệt hại khoảng 100 triệu đồng. Ảnh: Văn Long.
Bà Ngà thông tin thêm, trước kia xe tải chở rau đi một chuyến thì phải trả phí 1 triệu đồng. Nhưng này tài xế phải xét nghiệm, khử khuẩn rồi mọi thứ đều tăng nên phải 2-3 triệu đồng họ mới chạy. Nếu giá thuê xe cao thì nhà vườn sẽ lỗ vốn, vì vậy không thể "đẩy" hàng đi được. Trong khi đó, với giá 4.000-5.000 đồng/kg như hiện nay thì nhà vườn cũng vẫn lỗ sau khi trừ các chi phí.

Rau sau khi bẻ sẽ được thu gom lên máy cày chở đi đổ bỏ. Ảnh: Văn Long.
Rau sau khi bẻ sẽ được thu gom lên máy cày chở đi đổ bỏ. Ảnh: Văn Long.
Trung bình, 1.000m2, nhà vườn sẽ mất khoảng 25 triệu đồng tiền đầu tư gồm giống, phân bón, thuốc, chưa tính công trồng, chăm sóc, thu hoạch. Vì thế, với 4.000m2 hiện tại phải bẻ bỏ rau, bà Ngà đã mất 100 triệu đồng chưa tính tiền công chăm sóc và cả công thuê người "phá rau".

Người dân chở hoa ra đổ đầu bờ do giá xe vận chuyển và cước phi quá cao, nếu cố bán sẽ lỗ vốn. Ảnh: Văn Long.
Người dân chở hoa ra đổ đầu bờ do giá xe vận chuyển và cước phi quá cao, nếu cố bán sẽ lỗ vốn. Ảnh: Văn Long.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Đức Tình có vườn trồng hoa đồng tiền trên đường đường Mai Anh Đào, TP.Đà Lạt cho hay: "Vào thời điểm này năm ngoái, hoa đồng tiền có giá khoảng 1.500 đồng/bông, thế nhưng hiện nay thương lái còn không mua hoa nữa. Vì vậy, tôi vẫn phải thu hoạch những bông đã quá lứa rồi xếp đống bên bờ vườn, chiều tối sẽ gom rồi đưa đi đổ".

Chị Tình vẫn phải thu hoạch những bông hoa quá lứa để không ảnh hưởng đến cây hoa đồng tiền. Ảnh: Văn Long.
Chị Tình vẫn phải thu hoạch những bông hoa quá lứa để không ảnh hưởng đến cây hoa đồng tiền. Ảnh: Văn Long.
Chị Tình hiện nay đang trồng 1.200m2 hoa đồng tiền trên 1 năm tuổi. Trung bình, mỗi tuần chị phải cắt bỏ khoảng 6.000 bông hoa rồi đem đổ bỏ. Tình trạng này đã diễn ra trong 2 tuần khiến chị khá lo lắng, không biết nên giữ lại hay làm thế nào. "Giờ cuốc bỏ thì tiếc vì hoa đồng tiền này thu hoạch được trong 3-4 năm. Trồng rau, trồng hoa giờ giống như đánh bạc, hên xui lắm, đến vụ thì vẫn phải xuống giống, không thể để đất trống được", chị Tình đăm chiêu.

Hoa đồng tiền không có người thu mua nên chị Tình phải thu hoạch rồi đổ bờ. Ảnh: Văn Long.
Hoa đồng tiền không có người thu mua nên chị Tình phải thu hoạch rồi đổ bờ. Ảnh: Văn Long.
Phóng viên có thắc mắc vừa qua TP.Hồ Chí Minh đã cấp khá nhiều thẻ luồng xanh để dễ dàng vận chuyển hàng hóa thiết yếu, tuy nhiên rau lại không "đi được". Đa số người dân cho hay, rau hoa thì giá rẻ trong khi đó tiền xe và cước phí thì quá cao nếu cố bán thì sẽ không đủ chi phí. Chính vì thế, không ít người dân trên địa bàn TP.Đà Lạt phải đổ bỏ rau, hoa, một phần làm thiện nguyện hỗ trợ bà con vùng dịch.
Ông Đa Cát Vinh – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng cho hay, trong thời gian vừa qua, đơn vị cũng đã làm cầu nối để kết nối những doanh nghiệp muốn mua rau, củ, quả của người dân trên địa bàn để đưa đến các vùng dịch làm từ thiện với giá khá ưu đãi. Đây là cách làm giúp cho người dân không bị ảnh hưởng quá nặng nề do dịch Covid-19. Đồng thời cũng giúp các đoàn làm thiện nguyện có nông sản để cung cấp, hỗ trợ cho vùng dịch.
Theo Văn Long (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm